xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sân khấu không thay đổi là chết

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nghệ sĩ sẽ tồn tại như thế nào nếu muốn có vở diễn mang tính định hướng thẩm mỹ nhưng không bán được vé như hiện nay?

"Sân khấu TP HCM đang đi lệch hướng, đang đi ngược lại điểm xuất phát của mình", đó là nhận định của PGS- TS Trần Yến Chi (Trưởng Khoa Diễn viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM) tại hội thảo "Sân khấu kịch TP HCM - Đặc điểm và xu thế phát triển", diễn ra sáng 3-12, tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM.

Theo thẩm mỹ thì không ăn khách?

13 tham luận đầy trách nhiệm của các nghệ sĩ là tác giả, đạo diễn, diễn viên tên tuổi của lĩnh vực sân khấu đã phần nào khái quát rõ nét thực trạng sân khấu TP HCM hôm nay.

Sân khấu không thay đổi là chết - Ảnh 1.

NSƯT Hữu Châu và NSƯT Thành Lộc trong vở "Dạ cổ hoài lang", tác phẩm tiêu biểu của mô hình sân khấu xã hội hóa tại TP HCM

Hầu hết ý kiến của các nhà chuyên môn đều công nhận TP HCM đã đi đầu trong việc hình thành mô hình xã hội hóa từ năm 1986 và từ năm 2007 đã là sân khấu tư nhân hóa; trong khi đó, ở miền Bắc mới đang lập đề án cho mô hình sân khấu xã hội hóa. Thế nhưng hiện nay, sân khấu tư nhân tại TP HCM đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo PGS-TS Trần Yến Chi: "Sân khấu chỉ còn một vài sàn diễn sáng đèn, bởi có một vài thương hiệu chỉ tồn tại cái tên. Số lượng và chất lượng vở diễn ở một số sàn diễn đáng báo động".

NSƯT Hạnh Thúy nói: "Tác giả thường than phiền sau khi xem vở dựng, cho rằng đạo diễn cắt hết ý tứ của mình, chỉ giữ lại tên vở và tên nhân vật. Thực trạng này đáng báo động. Vì những điều tác giả viết không đủ chất liệu để nghệ sĩ sáng tạo dẫn đến mâu thuẫn và sàn diễn ngày càng ít tác phẩm hay".

Tác giả kịch bản Nguyễn Thu Phương biện giải: "Nhiều năm rồi tôi không viết kịch sẵn, chỉ viết theo đơn đặt hàng để tránh sự mâu thuẫn trên. Thế nhưng, câu hỏi làm thế nào để dung hòa giữa kịch bản ăn khách và có định hướng thẩm mỹ vẫn là điều khiến tác giả đau đáu. Nghệ sĩ sẽ tồn tại như thế nào nếu muốn có vở diễn mang tính định hướng thẩm mỹ nhưng không sống được với nghề?".

Phải hòa nhập như thế nào

Đạo diễn Ngọc Hùng (Sân khấu Nhà hát Thế Giới Trẻ) cho rằng: "Sân khấu đang hòa nhập chứ không phải đã chấm dứt thời hoàng kim, khán giả có quá nhiều sự lựa chọn. Vấn đề đặt ra là sân khấu kịch phải hòa nhập như thế nào, thay đổi ra sao nếu không muốn chết".

Đạo diễn Thái Kim Tùng, người đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu quốc tế 2016 với tác phẩm "Giấc mơ", cho rằng: "Không chấp nhận sự cạnh tranh của tiến bộ xã hội là sân khấu đang đi lùi. Không thể ngồi đó kêu than game show truyền hình phát triển giành mất "chén cơm" của người làm sân khấu mà chúng ta phải cạnh tranh. Dẫn dắt thị hiếu khán giả là người làm nghệ thuật".

Đạo diễn Ngọc Hùng cho biết trước đây Sân khấu Thế Giới Trẻ mỗi suất chỉ bán được 15-20 vé nhưng vẫn phải mở màn. "Để gầy dựng một thương hiệu cho riêng mình, tôi đã đi xem nhiều sân khấu, đặt mình vào vị trí khán giả và hướng tới những vở diễn tiếp cận khán giả. Câu hỏi vì sao các sân khấu kịch phải sử dụng người mẫu, diễn viên điện ảnh để thu hút khán giả, trong khi lực lượng diễn viên tại chỗ không tạo thành nhân tố để khán giả chú ý và tự giúp mình tỏa sáng khiến chúng tôi trăn trở. Vậy là tôi trao đổi với tác giả để viết kịch bản đúng tiêu chí của mình, tác giả và đạo diễn luôn có sự mâu thuẫn nhưng khi bàn bạc phương hướng thì sẽ có tiếng nói chung. Bằng chứng là sân khấu của chúng tôi đã làm nên những vở diễn nghiêm túc, được đánh giá cao như: "Cõng mẹ đi chơi", "Đời Như Ý"… " - đạo diễn Ngọc Hùng dẫn chứng.

Tuy nhiên, Ngọc Hùng cũng thừa nhận những vở diễn anh vừa kể tên bán vé rất khó. "Sân khấu muốn phát triển phải tiếp tục làm những vở giải trí. Còn sự định hướng như thế nào, các sân khấu tư nhân rất cần nhà nước đầu tư kinh phí và tạo điều kiện để phát triển. Không thể buộc sân khấu tư nhân tự định hướng" - đạo diễn Ngọc Hùng khẳng định.

"Tôi đã từng sang Philippines tham dự liên hoan sân khấu Mê Kông, thấy mô hình của họ rất tốt. Học sinh các trường học được nhà nước trợ cấp vé đi xem kịch, nghĩa là sân khấu và nhà nước có sự kết hợp để đưa tác phẩm đỉnh cao đến với công chúng trẻ cho họ được thụ hưởng một cách phấn khởi. Còn ở ta, mô hình này vẫn chưa được quan tâm, các sân khấu tư nhân như chúng tôi không thể bỏ tiền túi làm công việc này. Một khi thiếu sự định hướng đối với công chúng trẻ thì làm sao sân khấu có được chiến lược phát triển" - đạo diễn Ngọc Hùng nói. 

Từ kịch cà phê đến kịch trà sữa

Diễn viên Huỳnh Lập cho người trong giới một cái nhìn thức thời hơn về mô hình sân khấu giải trí đang được giới trẻ ưa chuộng là kịch cà phê và kịch trà sữa. Theo đúc kết kinh nghiệm của mình, Huỳnh Lập cho rằng xu hướng này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. "Nhóm kịch Tía Lia của chúng tôi đã không thuê mặt bằng của các quán cà phê như những nhóm khác đang làm, mà chọn một quán trà sữa, có hẳn một không gian để xây dựng sân khấu, đầu tư đèn, biến nơi này thành một thánh đường. Đừng cho rằng kịch cà phê là giải trí tầm thường, vì khi người nghệ sĩ biến không gian đó thành thánh đường thật sự thì khán giả sẽ đến và trân trọng nó. Bằng chứng là ở sân khấu của chúng tôi vé phải đặt trước vài tuần mới được đáp ứng. Không phải vì có tên tuổi của ngôi sao mà vì toàn bộ ê-kíp đều nỗ lực, từ việc quảng cáo, tiếp thị đến trang thiết bị cần thiết cho một vở diễn đều được đầu tư với tiêu chí sống còn" - diễn viên Huỳnh Lập nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo