Càng sâu... càng lo!
Theo một số chuyên gia hóa lý, bên cạnh vấn đề khí mê-tan tích tụ, một vấn đề đáng lo là các cao ốc thường dùng tầng hầm để xe nên có hiện tượng tích tụ hydrocarbon từ khói thải, cộng với sự rò rỉ nhiên liệu của các động cơ xe thường xuyên ra vào tầng hầm, việc này cũng dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao. |
Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng, hiện TP có hàng ngàn cao ốc xây dựng từ 1 đến 3 hầm, thậm chí có công trình đang xây dựng tới 7 tầng hầm. Còn Sở Cảnh sát PCCC TPHCM trong một báo cáo tại hội thảo về các công trình xây dựng có tầng hầm ở TP tổ chức tháng 11-2008, khẳng định xu hướng xây dựng tầng hầm đang ngày càng phổ biến và tăng nhanh. Thế nhưng các tiêu chuẩn quy định và hướng dẫn kỹ thuật xây dựng các công trình ngầm của nước ta vẫn còn thiếu. Theo Sở Cảnh sát PCCC, số tầng và diện tích của công trình ngầm tăng lên thì tính chất, mức nguy hiểm về cháy nổ càng cao. Khi xảy ra cháy ở các công trình ngầm, nếu hệ thống thông gió hút khói, tăng áp chống khói và hệ thống thoát nạn của công trình hoạt động không hiệu quả, công trình bị thay đổi công năng, sử dụng không hợp lý... thì mức độ thiệt hại về còn người và tài sản là rất lớn.
Cũng theo Sở Cảnh sát PCCC, năm 2007, qua kiểm tra 137 cao ốc, đã phát hiện đến 392 lỗi vi phạm, trong đó có nhiều lỗi vi phạm có thể dẫn đến thảm họa... Đặc biệt, hầu hết cao ốc đều có bồn chứa dầu dự trữ dùng chạy máy phát điện nhưng có một số nơi không xây hồ chứa dầu tràn hoặc thể tích không chứa đủ lượng dầu. Nguy hiểm hơn, có nơi lượng dầu trên 12.000 lít nhưng không có hệ thống thông hơi, do vậy rất dễ dẫn đến cháy nổ, điển hình như tại cao ốc Norfolk Mansion.
Thiếu quy định nên thừa nguy cơ!
Hiện nay, trong hồ sơ thủ tục để đưa một tòa nhà vào sử dụng, cơ quan chức năng chỉ tập trung thẩm duyệt thiết kế PCCC của tòa nhà, còn nguy cơ cháy nổ do hiện tượng tích tụ hỗn hợp khí chưa được đặt ra. Cũng chưa có bất kỳ công trình khoa học nào nghiên cứu về nguy cơ cháy nổ ở các tầng hầm của cao ốc. Vì lý do trên, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, đề nghị cần rút ra bài học kinh nghiệm để ứng phó với sự cố có thể xảy ra. Còn đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, khuyến cáo: Các cao ốc hiện nay hay sử dụng sai công năng, nhất là các công trình ngầm, cụ thể hơn là dùng tầng hầm để làm kho chứa vật liệu dễ cháy, xăng dầu... và thường làm kín, thông gió không tốt. Chính những tác nhân này dẫn đến nguyên nhân các loại khí gây cháy dễ dàng tích tụ và bùng nổ khi có điều kiện. Do đó, về lâu dài, các cơ quan chức năng tham mưu trong xây dựng phải đề nghị UBND TP chỉ đạo nghiêm cấm việc tạo ra những không gian kín ở các tầng hầm.
Bình luận (0)