Ý KIẾN
TS LÊ ĐẠT CHÍ, Phó trưởng Khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP HCM:
Hạn chế nợ xấu mới phát sinh
Vấn đề lớn nhất trong quá trình xử lý nợ xấu tại các NH thương mại và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) liên quan đến xử lý tài sản thế chấp gắn liền với khoản nợ nay đã được Quốc hội trao quyền cho Chính phủ xử lý bằng nghị quyết. Về lâu dài, Quốc hội sẽ gấp rút chỉnh sửa luật để có tính pháp lý cao nhất. Tiếp đó, Chính phủ sẽ có những quy định hướng dẫn cụ thể để việc xử lý tài sản, chuyển giao quyền sở hữu tài sản thế chấp gắn liền nợ xấu được thuận lợi hơn nhằm thúc đẩy việc xử lý nợ xấu.
Một vấn đề quan trọng hơn, theo tôi, sau nghị quyết sẽ là vấn đề quản lý tín dụng tại các NH thương mại như thế nào để giảm nợ xấu mới phát sinh? Bởi từ khi các NH chuyển nợ xấu qua cho VAMC thì nợ xấu NH vẫn không giảm mà còn tăng. Do đó, NHNN cần ban hành các văn bản quản lý hoạt động tín dụng nhằm giám sát chặt hoạt động tín dụng tại các NH thương mại để hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tránh tình trạng khoanh nợ, giãn nợ để rồi việc thống kê nợ xấu của NH công bố khác và thấp hơn con số của thanh tra NH. Đồng thời, phải giám sát chặt quy trình quản trị rủi ro và quy trách nhiệm cho các đối tượng liên quan khi gây ra nợ xấu.
Xử lý được nợ xấu sẽ giúp dư địa tăng tín dụng thời gian tới nhiều hơn. Thế nhưng, nợ xấu phần lớn được gắn với tín dụng BĐS nên nợ xấu BĐS giảm thì dư địa tín dụng BĐS càng lớn. Vì vậy, Chính phủ và NHNN cần lưu ý điều này để định hình lại dòng vốn vào nền kinh tế, tránh nợ xấu mới phát sinh khi NH thương mại chạy đua tăng trưởng tín dụng hoặc đổ vốn vào BĐS.
Ông LÊ VĂN QUYẾT, Tổng Giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank):
Kỳ vọng lãi vay sẽ giảm
Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu được các NH thương mại kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý "cục máu đông" nợ xấu, tăng thêm niềm tin cho thị trường và tăng quyền cho các NH trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, nợ xấu.
Có điều tốc độ xử lý nợ xấu còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình triển khai của từng NH, từng món nợ và cơ chế pháp lý đi kèm nghị quyết. Đồng thời, có nghị quyết rồi nhưng còn hướng dẫn từ NHNN và sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan liên quan như tòa án, thi hành án, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm… Việc xử lý nợ xấu lâu nay bị nghẽn vì quyền NH không có, NH nhận tài sản thế chấp nhưng khi phát sinh nợ xấu lại không được toàn quyền xử lý mà phải qua quá trình tố tụng, tòa án vốn gặp nhiều khó khăn và tốn kém thời gian. Nay, NH thương mại sẽ được giao quyền chủ động nhiều hơn trong quá trình xử lý nợ xấu nhưng để đẩy nhanh thì cần sự hỗ trợ của các bên liên quan.
Đặc biệt, khi nợ xấu được giải quyết, lãi suất cho vay sẽ giảm do khoảng 10% dư nợ tín dụng đang nằm trong các khoản nợ xấu khiến NH phải tốn chi phí để trích lập dự phòng và tốn chi phí xử lý. Nay khơi thông được nợ xấu sẽ giúp dòng vốn không bị ứ đọng, từ đó kéo giảm chi phí vốn và giúp giảm lãi suất cho vay…
Ông LÊ HỮU NGHĨA, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành:
Lo dư cung bất động sản thời gian tới
Khi nợ xấu được giải quyết thuận lợi sẽ tốt cho nền kinh tế, các NH nhẹ gánh và doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư nước ngoài đang cần tìm mua dự án có thêm cơ hội mua vào, dự án dở dang được "sống lại". Tuy nhiên, xét về thị trường chung trong 2 năm tới, nguồn cung BĐS sẽ rất lớn. Thời điểm này, thị trường BĐS đã có dấu hiệu khó khăn, tôi cho rằng trong khoảng vài năm tới, nguồn cung BĐS từ căn hộ của các dự án dở dang đến nhà phố đều ồ ạt bung ra, thời điểm này trùng với việc chính sách tín dụng thắt chặt (tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ còn 40% từ đầu năm 2018) sẽ khiến cung vượt cầu vì không có đủ lượng tiền để hấp thu. Do đó, xử lý nợ xấu, nhất là các tài sản bảo đảm gắn với nợ xấu, là tốt nhưng cơ quan quản lý cần kiểm soát và có giải pháp để BĐS không quá dư cung, tránh nguy cơ phát sinh "bong bóng" BĐS những năm tới.
P.Đình - L.Anh ghi