xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Món quà

Nguyễn Tú Anh (Hà Tĩnh)

Cửa sổ, nơi kê bàn viết của tôi, hướng ra con ngõ nhỏ. Nhỏ nhưng cũng đủ chỗ để chiếc ô tô chở hàng xậm xịch đậu lại trước khi chủ nhân của nó tiếp tục những chuyến đi xa.

Người đàn ông hàng xóm làm nghề chở hàng thuê đã quen lúc vãn việc ghé qua nhà, mang cho hai đứa con nhỏ ít bánh trái. Nghe tiếng líu ríu “con chào bố” lẫn trong tiếng máy ầm ì và nhìn vẻ hân hoan của chúng trước những món đồ tôi như gặp lại mình trong những đứa trẻ kia, ngày còn thơ, mong cha...
 
Cha tôi đi dạy học xa, tháng mới về đôi lần. Thời bao cấp khốn khó, phương tiện duy nhất chỉ là chiếc xe đạp cũ. Chiếc xe với thanh âm lọc xọc đến quen tai mà tôi đã nhận ra từ khi cha chưa tới, trên đó chằng buộc lỉnh kỉnh những thứ đồ cá nhân, có khi thêm ít ngô khoai hay đậu, lạc “tăng gia”  từ vùng quê. Quà cho tôi là những gói bỏng (thức được làm nở bung ra từ hạt gạo), đôi khi là vài quả chuối, quả na.
 
Rồi tôi đi học, lên cấp II thì cứ ao ước có một chiếc xe đạp. Một lần cha tôi về mang theo một cái khung. Ít bữa sau lại thấy ghi đông, yên, vành, bàn đạp, hì hụi cả ngày lắp lắp, ráp ráp.

Cứ tưởng cha muốn thay chiếc xe đã cũ kỹ nên tôi không khỏi ngỡ ngàng khi cha giao cho tôi một chiếc xe đạp nguyên vẹn để tôi bắt đầu cùng với những vòng quay đầu tiên tới trường.

Tình cha cứ thầm nặng dày thêm. Ngày tôi  đi làm ở đài phát thanh, tôi loay hoay muốn mua một chiếc đài. Công việc của phóng viên phải kèm luôn cả việc thể hiện tin, bài trước máy nên tôi thường phải luyện đọc vất vả và nghe đi nghe lại nhiều lần. Nhưng mãi rồi cũng không mua được .

Cha khuyến khích tôi bỏ tiền vào ống. Thỉnh thoảng để động viên tôi, cha con cùng làm việc đó. Mấy tháng sau thì tôi có một chiếc đài. Cha nói đã mua từ tiền tiết kiệm của hai cha con, tôi cũng quên đi chuyện cái ống cho mãi đến lúc nhận ra là nó vẫn còn nguyên, không một vết mở.

Cũng đến lúc tôi phải xa cha, để về nhà chồng. Nhưng có lẽ trong cha, tôi mãi vẫn là cô bé trên lối ngõ năm nào, đợi cha về và ông không giấu được những ưu tư. 

Niềm vui của cha chỉ biểu lộ thực sự khi tôi sinh con. Cha đến liền sau lúc tôi ở bệnh viện về.  “Ông có quà cho con đây”, cha nựng nịu cháu ngoại rồi giở ra một cái gói khá lớn. Những món đồ dành cho trẻ sơ sinh được gấp phẳng phiu. Miệng cha cười mà mắt tôi ươn ướt khi không thể tin nổi đó là những món đồ của mình năm nào.

Thời gian trôi qua, có những món quà của cha tôi không giữ được nhưng có những kỉ niệm thì không dễ mất đi. Đó là một mùa đông trong tôi lạnh lẽo, mùa đông cha phải vào bệnh viện với căn bệnh đã ở thời kỳ cuối. Tôi bàng hoàng theo cha, nhiều phút giờ kề cận mong cho cha bớt những cơn đau. Cha nằm đó, im lìm từng hơi thở khó nhọc.

Ngày lặng lẽ qua…

Bất ngờ, một ngày, tôi thấy cha đưa bàn tay đã sưng to, lần mò dưới gối. Cha rút ra một cái phong bì và cầm đồng tiền polymer mệnh giá hai trăm ngàn đồng đưa cho tôi, giọng đứt quãng: “Cha cho con, hôm nay  sinh nhật con mà…”. Chắc  là tiền ai đó đến thăm cha và đó cũng là món quà cuối cùng của tôi.

Tôi thường buồn khi những cơn gió lạnh tràn về báo hiện thời khắc chuyển mùa xao xác. Tôi buồn mỗi lúc lần giở lại những món đồ cũ. Tôi buồn cả khi tựa cửa nhìn ra  nghe tiếng líu ríu chào bố của hai đứa trẻ con hàng xóm... Nhưng rồi tôi bỗng trở lại với ý nghĩ, chẳng phải cha là món quà lớn nhất mà thế gian này dành tặng cho tôi hay sao?
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo