xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dân thành phố, dân nhập cư

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Sự việc em Tạ Hoàng Minh, quê Cà Mau, đi nhặt ve chai bị xe container cán chết lúc rạng sáng 2-10 vừa qua trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, TP HCM) một lần nữa vẽ nên bức tranh bi đát về thân phận người nghèo di cư vào đô thị

Ở quê nghèo túng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thêm cùng Minh, con đầu của họ, lên TP HCM mưu sinh với hy vọng đổi đời, con cái sẽ có tương lai. Nhưng cái nghèo cứ bám riết lấy họ. Những ngày ở thành phố, thấy cha mẹ cực khổ, ở tuổi 12, Minh phải bỏ học để đi lượm ve chai phụ nuôi hai em nhỏ.

Vụ tai nạn xảy ra lúc rạng sáng. Người mẹ quê khóc ngất bên thi thể con trai không còn nguyên vẹn. Đau lòng hơn, sau khi tai nạn xảy ra, vợ chồng chị Thêm không có tiền để có thể đưa con trai về quê chôn cất. Những người dân lao động nghèo sống quanh đó thấy cảnh thương tâm, đã dựng một miếng bìa ván, lấy phấn đề mấy chữ kêu gọi hảo tâm: “Xin bà con chút tiền cho mẹ đứa trẻ chết đem xác về quê. Cám ơn”.

Không đến mức phổ biến nhưng những câu chuyện đau lòng như vậy cũng không phải là hiếm trong thế giới của những người lao động nhập cư đô thị. Việc làm bấp bênh, đời sống tạm bợ, cái nghèo, cái thiếu thốn đeo đẳng triền miên. Nhiều người, trong hoàn cảnh túng quẫn, với đề kháng tinh thần yếu, đã dễ dàng sa bẫy tệ nạn hoặc gặp tai nạn…

Lao động nhập cư ở TP HCM làm rất nhiều nghề chân chính, hợp pháp để kiếm sống và âm thầm đóng góp cho địa phương này Ảnh: QUANG HUY
Lao động nhập cư ở TP HCM làm rất nhiều nghề chân chính, hợp pháp để kiếm sống và âm thầm đóng góp cho địa phương này Ảnh: QUANG HUY

Trong bối cảnh đó, một trong những điều tệ nhất mà người nhập cư nghèo phải gánh chịu đó chính là sự thiếu bao dung của xã hội đô thị. Họ dễ bị nghi ngờ, coi thường, thành kiến, thậm chí bị cho là nguyên nhân của những hiện tượng phản văn minh trong đời sống thị dân. Không mấy người trong số những “dân thành phố” hiểu rằng bản thân họ, cha ông họ cũng từng là dân nhập cư, từng nhọc nhằn vượt qua cuộc sống vất vả, buồn tủi, từng đối diện với biết bao định kiến ở đời để tìm kiếm một tư cách mới: tư cách thị dân.

Cũng không mấy người nhớ rằng vô số những đóng góp trong lao động sản xuất, các lĩnh vực sáng tạo, đời sống kinh tế, môi trường văn hóa… ở đô thị là tiếp nhận nguồn nhân lực tinh hoa của những vùng quê, tỉnh thành. Nguồn nhân lực đó chảy về các thành phố một cách tự nhiên theo hấp lực của quá trình đô thị hóa.

Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc từ năm 2009 đã cho thấy dân nhập cư đóng góp đến 30% GDP của TP HCM và chắc chắn rằng cho đến nay, tỉ lệ đóng góp không giảm đi. Báo cáo này cũng chỉ ra: “Thứ nhất, người di cư là động lực chủ đạo cho sự phát triển kinh tế xã - hội của Việt Nam,  song cho đến nay, những đóng góp của họ chưa được ghi nhận đầy đủ. Thứ hai, nhiều người di cư rất dễ bị tổn thương và cần được sự quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo cấp cao”.

Chính sách an sinh xã hội cụ thể cho người nhập cư nghèo có lẽ cần thiết hơn đề ra hết thủ tục này đến thủ tục khác với mục đích siết chặt hành chính, phân biệt đối xử về chế độ an sinh để cố ngăn chặn dòng chảy nhập cư. Phải chấp nhận đó là xu hướng tất yếu không chỉ tại các đô thị Việt Nam mà còn trên thế giới trong thời toàn cầu hóa.

Không nên coi người nghèo nhập cư là món nợ của các thành phố. Cần gắn các chính sách hỗ trợ an sinh cho người nhập cư với chiến lược xóa nghèo trong xã hội nói chung.

Câu chuyện một gia đình trẻ rời quê nhà lên TP HCM với hy vọng đổi đời cho con cái nhưng ngày trở về lại đầy tang tóc một lần nữa nhắc nhở những người làm chính sách ở đô thị cần quan tâm nhiều hơn đến thân phận, đời sống của người nhập cư nghèo nói chung để có phương án hỗ trợ kịp thời. Ở đây, cần hiểu, sự hỗ trợ về chính sách, điều kiện an sinh không phải là việc làm ban phát, mà đó là tinh thần trách nhiệm mà những đô thị phát triển phải trả cho những vùng nông thôn nói riêng và xã hội nói chung.

Đó còn là tinh thần bao dung, rộng mở mà những đô thị nhân văn cần có. 

Đóng góp bất ngờ của lao động nhập cư

TTXVN dẫn nguồn của US Investment Services (USIS) cho biết: Tổ chức Di trú thế giới (IOM) từng khẳng định có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự đóng góp của người di cư. Một nghiên cứu của ĐH London (Anh) công bố: Trong năm 2008-2009, những người nhập cư từ Đông Âu đóng thuế cho nước Anh nhiều hơn 37% so với mức phúc lợi họ được nhận.

Tại Mỹ, Hội đồng Cố vấn kinh tế của tổng thống cũng ước tính nền kinh tế đầu tàu thế giới mỗi năm thu được khoảng 37 tỉ USD nhờ những người nhập cư và trên 10% số người tự kinh doanh là người nhập cư.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng ước tính nếu các nước đang có dân số giảm cho phép lực lượng lao động của mình tăng 3% bằng việc cho thêm 14 triệu lao động nhập cư trong khoảng thời gian từ 2001-2025 thì mỗi năm, nền kinh tế thế giới sẽ có thêm khoảng 365 tỉ USD. Phần lớn số tiền này sẽ chảy về và tạo thành nguồn vốn quan trọng cho các nước đang phát triển.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo