xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đô thị... bỏ hoang

Bài và ảnh: DUY NHÂN

Khu đô thị rộng hơn 100 ha giữa rừng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau để tái định cư cho người dân đã bị hoang hóa hơn 10 năm nay, chỉ lác đác vài chục hộ đến ở

Để phục vụ nhu cầu tái định cư của 670 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khí - điện - đạm Cà Mau, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đầu tư gần 100 tỉ đồng xây dựng hạ tầng khu đô thị Khánh An rộng trên 100 ha giữa rừng U Minh Hạ (xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). Thế nhưng, 10 năm nay, người dân tái định cư chẳng mặn mòi gì với khu đô thị giữa rừng này.

Hoang phế công trình “khủng”

Dự án được quy hoạch với nhiều công trình công cộng, dân sinh như chợ, trường học, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao, nhà điều hành, khu chức năng... nhưng đến nay hầu như đã xuống cấp nặng nề.
img
Hạ tầng khu đô thị Khánh An được xây dựng đầy đủ nhưng 10 năm nay chỉ có lác đác vài chục hộ dân vào định cư

Khu chợ có diện tích trên 500 m2 từ khi xây xong năm 2009 đến nay chưa hoạt động ngày nào. Tấm biển hướng dẫn vào khu chợ bị lau sậy che khuất, lô sạp chỉ còn trơ trọi những khối bê-tông... Gần đó, một nhà thi đấu thể thao được xây dựng khá hoành tráng trong khuôn viên rộng trên 1.000 m2 luôn đóng kín cổng với 2 lớp khóa đã gỉ sét. Theo các “thị dân” tại đây, từ ngày đi vào hoạt động tới nay, công trình này chỉ tổ chức được 4 cuộc thi đấu thể thao cấp xã.

Cùng chung cảnh ngộ và có quy mô không kém là khu trường học, nhà văn hóa trung tâm nhưng chỉ có mỗi trường học là hoạt động. Thầy Quách Thành Thới, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn trong khu đô thị Khánh An, cho biết: “Trường được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc gia nhưng hiện chỉ có khoảng 140 học sinh, chủ yếu là con em của các gia đình ở vùng lân cận”.

Cả khu đô thị mênh mông được phân thành hàng ngàn nền nhà nhưng chỉ lác đác vài chục hộ dân vào ở. Bà Nguyễn Hồng Hoa (58 tuổi), cư dân khu đô thị Khánh An, cho biết: “Hơn 10 năm vào đây, tôi chẳng có việc gì làm. Hằng ngày, bà cháu tôi bẻ bông sậy bán cho người ta làm chổi kiếm sống”.

Thầy giáo Trần Mạnh Cường, người vào đây ở được 4 năm, nhận xét: “Hạ tầng khu vực này khá tốt, đường, điện, điện thoại, cây xanh… đủ cả nhưng không dễ sống. Tôi trụ lại được ở đây là nhờ đồng lương giáo viên, ngoài ra không làm gì có tiền”. Theo thầy Cường, năm 1998, gia đình ông bị giải tỏa trắng 1,4 ha đất vườn tạp và thổ cư, được bồi thường trên 300 triệu đồng. Cha ông chia tiền cho 5 người con rồi nhận 4 nền tái định cư trong khu đô thị Khánh An nhưng hiện chỉ còn ông Cường trụ lại được.

Ngậm ngùi bỏ đất ra đi

Ngoài tái định cư, người dân còn được nhận đất tái định canh thuộc dự án. Tuy nhiên, gần như toàn bộ diện tích cấp cho dân tái định canh là “đất chết”, cây lúa không phát triển được. Ông Lê Văn Bồng, một trong những hộ nhận đất sản xuất, cho biết: “Đất ở đây nhiều phèn, lau sậy mọc um tùm, cỏ năn cao hơn đầu gối. Năm rồi, tôi làm 20 công, thu hoạch đúng 20 giạ lúa lép, chỉ để dành ăn được vài tháng”. Chính vì vậy mà người dân đành ngậm ngùi bỏ đất ra đi bởi càng đầu tư thì càng lỗ.

Sau khi nhường đất cho công trình khí - điện - đạm Cà Mau từ năm 1998, gia đình ông Trần Văn Nhẫn nhận tiền bồi thường trên 400 triệu đồng và chia cho 9 người con. Không nghề nghiệp ổn định, chẳng mấy chốc, số tiền này cạn kiệt. Đến khi vào khu đô thị Khánh An, ông Nhẫn đành bán nốt phần đất tái định canh 1,4 ha được 80 triệu đồng để xây nhà. Hiện các con của ông phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn.

Ông Quách Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Khánh An, bức xúc: “Chúng tôi rất khổ sở với dự án này. Về phía địa phương, được thụ hưởng công trình hoành tráng là một niềm vui nhưng để thuyết phục người dân sinh sống trong khu đô thị mới với điều kiện như hiện nay là chuyện không dễ dàng. Bởi lẽ, vào đây ở mà không nghề nghiệp, không phương kế làm ăn thì làm sao họ sống nổi?”.

Cuộc sống người dân quá khó khăn

Theo ông Nguyễn Việt Lập, Phó Ban Quản lý dự án khu công nghiệp và đô thị Khánh An, đây là dự án đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng chế độ tái định cư, tái định canh cho người dân.

“Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được an sinh. Thật khó có thể “phê bình” chủ đầu tư nếu nhìn vào quy mô khu tái định cư nhưng thực tế, cuộc sống người dân trong 10 năm qua lại chứng minh một điều là họ gặp quá nhiều khó khăn” - ông Lập băn khoăn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo