xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Luật phải được tôn trọng tuyệt đối

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

LTS: Báo Người Lao Động vừa đăng các bài viết phản ánh tình trạng người nhà bị cáo hoặc bị cáo gây rối tại tòa án. Từ đây, tác giả bài viết này góp thêm một góc nhìn về tinh thần thượng tôn pháp luật

Việc người nhà bị cáo Hồ Duy Trúc quậy phá, đe dọa giết người ngay tại phòng xét xử của TAND TP HCM sau khi nghe tuyên án khiến mọi người quan ngại cho sự an toàn của những người bị đe dọa. Dấu hỏi không chỉ bật ra tại chốn công đường tôn nghiêm. Trước mặt công lực mà muốn làm loạn là làm loạn thì còn nơi nào được yên ổn? Chẳng ai biết chắc liệu rồi những người thân của bị cáo có thực hiện lời đe dọa của mình; cũng chẳng ai nói được những người bị đe dọa có được sự bảo vệ hữu hiệu ở nơi làm việc, trên đường đi lại và ở nhà riêng hay không.

Có thể có những người khi chìm ngập trong cơn giận dữ, nỗi tuyệt vọng, chẳng còn làm chủ được bản thân, để bị cuốn theo sự lôi kéo của bản năng sống hoang sơ tiềm ẩn rồi hành động điên cuồng. Song, không loại trừ khả năng người ta quậy phá tán loạn giữa pháp đình vì cho rằng những thứ được dùng làm căn cứ, lý lẽ của bản án không tồn tại. Với họ, chẳng hề có công bằng, lẽ phải, trật tự xã hội dựa vào chuẩn mực pháp lý, đạo đức; chỉ có lòng tham, sức mạnh dựa vào cơ bắp, vũ khí là động lực và phương tiện sống, giao tiếp. Ai mạnh hơn, dữ hơn, bạo hơn thì làm “vua”.

Cách nay ít lâu, trong một phóng sự truyền hình về nạn tận diệt nguồn lợi thủy sản tại ĐBSCL, cô phóng viên hỏi một nông dân trẻ sao cứ cào bắt cá, tôm nhỏ dù đã có lệnh cấm? Người được hỏi trả lời một cách chân thật đến ngây thơ, rằng mình không bắt thì người khác cũng bắt, có thấy ai xử phạt gì đâu. Trong câu chuyện khác, một người bị bắt quả tang lái xe máy chạy ngược chiều nhất quyết không chịu nộp phạt theo yêu cầu của CSGT. Lý do được đưa ra là không hiểu tại sao có quá nhiều người cùng vi phạm như mình mà CSGT không gọi lại để phạt, chỉ bắt phạt mỗi mình!

Người thân Hồ Duy Trúc náo loạn sau phiên tòa xử băng cướp chặt tay cướp xe SHẢnh: Phạm Dũng
Người thân Hồ Duy Trúc náo loạn sau phiên tòa xử băng cướp chặt tay cướp xe SHẢnh: Phạm Dũng

Có thể người thân của bị cáo bị tuyên án tử, anh nông dân bắt trộm cá, tôm nhỏ và người đi xe máy ngược chiều đều có chung suy nghĩ: Một khi có quá nhiều người không tôn trọng luật pháp thì việc nhà chức trách không xử lý người vi phạm pháp luật mới là điều bình thường; còn việc xử lý người vi phạm là không bình thường. Có thể điều không bình thường ấy rốt cuộc lại rơi vào một trường hợp cụ thể nào đó. Khi ấy, đối tượng bị xử lý cảm thấy bức xúc vì cho rằng mình bị đối xử bất công, rồi phản ứng. Anh nông dân trộm cá, tôm chỉ dửng dưng, không bận tâm đến vai trò của công lực, cứ lầm lũi đi theo con đường đã quen. Người đi xe máy ngược chiều từ chối hợp tác với CSGT để thực hiện vụ xử phạt. Còn người thân của bị cáo thì nổi điên lên.

Tất cả, thực ra, chỉ là những cấp độ khác nhau của cùng một kiểu ứng xử trước sự phán xét bên ngoài đối với hành vi trái pháp luật của mình hoặc của người thân thuộc. Phản ứng đặc biệt dữ dội của người nhà bị cáo trong vụ xử án gây ồn ào vừa qua chủ yếu là do bị sốc trước một bản án được họ cho là nặng đến bất ngờ.

Không khó để rút ra bài học từ những câu chuyện kể trên: Luật pháp mà được tôn trọng và thực thi nghiêm minh một cách phổ biến thì kiểu suy nghĩ, ứng xử tiêu cực, nguy hiểm ấy tự nhiên sẽ bị đẩy lùi, bị cô lập. Ở đâu, thời nào cũng vậy, điều kiện cần để việc tôn trọng luật pháp trở thành trào lưu xã hội là người tạo ra luật và người được trao quyền hành xử nhân danh luật pháp phải đi đầu, làm gương.

Người làm luật phải thực hiện việc biên soạn luật với thái độ vô tư, khách quan tuyệt đối, không để suy nghĩ, ngòi bút của mình bị tác động, khống chế, dẫn dắt bởi các nhóm lợi ích; phải làm hết sức mình và với đầy đủ ý thức trách nhiệm để có được những chuẩn mực pháp lý chặt chẽ và có tính thuyết phục cao.

Người được trao chức năng bảo đảm thực thi pháp luật phải thực hiện phận sự một cách tích cực, mẫn cán và nghiêm túc. Bản thân người nắm quyền lực phải tôn trọng luật pháp; ai làm đúng thì được bảo vệ; ai làm sai phải bị xử phạt theo đúng quy định của luật pháp, không phân biệt sang hèn, già trẻ, nam nữ, quan chức hay thường dân.

Tấm gương của người nắm quyền lực chắc chắn sẽ tạo sức mạnh cổ vũ để toàn xã hội làm theo và trật tự xã hội sẽ được thiết lập, duy trì.

Không hẳn người nổi loạn hy vọng rằng sự bùng nổ của mình sẽ khiến nhà chức trách, xã hội kinh sợ, từ đó không dám thẳng tay trừng trị đối với người thân phạm pháp. Dường như đúng hơn là người ta chỉ muốn phản đối nhà chức trách, công quyền, chuẩn mực, công lý - những giá trị mà nhân danh những thứ ấy cùng với những lực lượng mà dựa vào đó bản án được tuyên.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo