xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổi đời từ “vàng trắng”

Bài và ảnh: Lê Nguyễn

“Khác nhau một trời một vực!”. Ông Lê Văn Ỷ, 79 tuổi, từng là dân “công tra” thời đồn điền cao su của Pháp, hiện nghỉ hưu tại Dầu Tiếng – Bình Dương, so sánh như thế về đời sống của công nhân cao su qua các thời kỳ

Nhớ lại thời “thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”, ông Lê Văn Ỷ tâm sự: “Thuở đó, dân “công tra” tụi tôi hở ra là bị đánh đập, hành hạ. Đàn bà có thai mà cạo mủ phạm lỗi cũng bị bọn cai đào lỗ dưới đất bắt nằm, giơ chân tay lên rồi thi nhau đánh”. Tuy vậy, theo ông Ỷ, thời kham khổ nhất của công nhân (CN) cao su có lẽ là khoảng thời gian sau ngày đất nước thống nhất. “Lúc đó, chúng tôi đi làm cao su mà phải ăn mì, bo bo, bụng luôn đói cồn cào đến mờ mắt. Giờ thì CN cao su đổi đời nhiều rồi”- ông Ỷ nhận xét.

img
Công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng thu gom mủ cao su


Cứ làm công nhân cao su!


Chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Dừa ở xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh - Bình Phước, một trong những gia đình cha truyền con nối làm CN cao su. Bà Dừa đã nghỉ hưu từ năm 1997. Bà so sánh: “Chỉ cách nay hơn 10 năm thôi, tụi tôi đi cạo mủ cũng còn rất cực. Tôi phải thức dậy từ 1 giờ sáng, dắt đứa con chừng 10 tuổi đốt đuốc lội bộ băng rừng 5-6 cây số mới đến vườn cao su. Tôi cạo, thằng bé đốt đuốc soi mà ngủ gà ngủ gật. Nay thì ai cũng có xe máy, đường sá lại mở đến tận lô cao su, CN cạo mủ sớm cũng có đèn ắc-quy xài”.


Bà Dừa có 2 con trai, 1 con gái, cả dâu, rể đều là CN Công ty Cao su Lộc Ninh. Bà bộc bạch: “Mấy đứa cháu tôi học hành xong, hỏi ý kiến nên học nghề gì. Tôi bảo nếu vô được ĐH thì học, còn không thì cứ làm CN cao su, khỏi bon chen đâu cho cực. Mấy chú thấy đó, CN cao su giờ nhà cửa, tiện nghi đâu thiếu thứ gì?”. nhà bà hiện có đủ cả xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt... Bà Dừa kể: “Tôi có mấy người bà con ở Sài Gòn nên cũng hay về thăm. Thú thật, so với ở TP, sống như CN cao su tụi tôi ở đây còn sướng hơn. Ở TP vậy mà mấy người bà con của tôi đâu sắm nổi máy giặt, tủ lạnh!”.


Đến nhiều gia đình CN cao su, chúng tôi nhận thấy tiện nghi sinh hoạt của họ chẳng hề thua kém các gia đình có mức sống trung bình ở TP. Gặp chúng tôi khi vừa lãnh lương, chị Nguyễn Thị Hữu, CN Công ty Cao su Dầu Tiếng, vui vẻ: “Suy nghĩ hoài mà chẳng biết phải mua sắm gì nữa, trong nhà đủ cả rồi”. Chị kể: “Chỉ cách nay chừng 5-6 năm, CN cao su vẫn còn khổ, tiền lương chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày”.


Hiện nay, tại nhiều công ty cao su, đời sống của CN được chăm lo rất chu đáo. Hầu như công ty nào cũng có bệnh viện, trường mẫu giáo, trung tâm văn hóa..., thậm chí cả nghĩa trang cho CN. Tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai còn có trường cấp 1 đến tận đội, cấp 2 đến nông trường và trung tâm công ty có cả trường cấp 3. Hệ thống y tế của tổng công ty này còn triển khai đến tận đội.


Đóng thuế thu nhập: Xưa rồi!


Hôm chúng tôi đến Nông trường Minh Tân - Công ty Cao su Dầu Tiếng, CN đã cạo mủ xong, đang tất bật trút vào thùng. Nghe chúng tôi hỏi đến thu nhập, chị Lê Thị Nga buồn buồn: “Tháng này mưa hoài, nghỉ cạo mủ mấy ngày nên lương chưa tới 6 triệu đồng”. Nhiều người ồ lên ngỡ ngàng: “Vậy phải đóng thuế thu nhập cá nhân rồi, còn  rầu gì?”. Hàng chục CN đang trút mủ bên cạnh nhìn chúng tôi ngạc nhiên không kém: “Đóng thuế thu nhập hả, xưa rồi! Tụi này tháng nào mà không đóng, cả mấy năm nay rồi. Gần đây được miễn trừ gia cảnh còn đỡ, chứ trước lãnh lương ra đóng thuế đến nóng ruột, nhất là dịp Tết”.


Quả vậy, tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện chính sách cho CN cao su tổ chức mới đây tại Bà Rịa - Vũng Tàu, CĐ ngành này cho biết năm 2008, có đến 40.000 CN cao su thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân.


Tính đến nay, nhiều công ty cao su đã cổ phần hóa, CN cũng được mua cổ phiếu. Hôm gặp chúng tôi tại vườn cao su của Nông trường Quản Lợi - Công ty Cao su Bình Long (Bình Phước), một nhóm CN nữ vừa cạo mủ xong đang bàn chuyện mua cổ phiếu của công ty. Chị Trần Thanh Bình hào hứng: “Nghe công ty thông báo khi cổ phần hóa, cứ tính mỗi năm làm việc là CN được mua 100 cổ phiếu”. Ông Phan Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cao su Bình Long, chia sẻ: “Chúng tôi dự định cuối năm nay sẽ cổ phần hóa xong. Mỗi CN được mua 100 cổ phiếu/năm làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi đang tính toán làm sao cân đối quỹ phúc lợi, khen thưởng để CN vẫn được phần cổ phiếu của mình mà chẳng mất tiền mua. Bởi lẽ, đã có nhiều nơi để CN vay tiền mua cổ phiếu của công ty, sau đó họ phải “bán lúa non” để trả nợ”.

Không ngừng cải thiện thu nhập công nhân


Theo ông Lê Quang Thung, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG), hiện VRG có gần 89.000 CN. Các năm qua, thu nhập của CN luôn được bảo đảm và không ngừng cải thiện. Năm 2008, thu nhập bình quân của CN cao su đạt 5,063 triệu đồng/tháng. Năm 2009, dù ảnh hưởng suy thoái kinh tế nhưng VRG vẫn cố gắng giữ mức thu nhập tương đương năm rồi cho CN.


Ông Lê Quang Thung cho biết bên cạnh việc liên tục phát triển vườn cao su trong nước, VRG còn mở rộng đầu tư ở Lào, Campuchia và đang khảo sát đầu tư tại Nam Phi, Myanmar, để đến năm 2020, diện tích vườn cao su của tập đoàn dự tính đạt trên 500.000 ha.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo