xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người mẹ thứ hai

Bài và ảnh: Ngân Hà

Bằng tình thương yêu, các cô đã hết lòng giảng dạy để giúp trẻ khuyết tật phát triển, hòa nhập cộng đồng

Dạy học cho trẻ chậm phát triển là công việc vô cùng vất vả, thế nhưng nhiều năm qua, các cô giáo Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai (quận 1, TP HCM) vẫn gắn bó, yêu nghề. Trường hiện nuôi dưỡng 70 em từ 3 đến 18 tuổi. Trẻ được gửi ở trường đều mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển, bại não. Đội ngũ giáo viên trường đã rất năng động, sáng tạo, tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và áp dụng nhiều phương pháp mới trong công tác chăm sóc và giảng dạy học sinh đạt kết quả tốt. Với sự nỗ lực đó, trường đã được LĐLĐ TP HCM chọn tuyên dương điển hình học tập và làm theo lời Bác năm 2017.

Những người mẹ thứ hai - Ảnh 1.

Cô giáo Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai cho trẻ ăn

Hết lòng dạy dỗ

Chúng tôi đến Trường chuyên biệt Tương Lai đúng vào giờ ăn sáng của các bé. Có bé tự cầm muỗng xúc ăn nhưng cũng có bé không cầm được, các cô phải đút. Có bé làm rơi vãi thức ăn ra bàn, ra quần áo, cô giáo phải ngưng tay để lau. Chỉ có 2 cô giáo nhưng phải chăm 10 đứa trẻ nên lúc nào các cô cũng bận rộn. Cô Đỗ Thị Hiền, hiệu trưởng trường, cho biết: "Công việc của giáo viên nơi đây rất vất vả. Hôm nay có bé chịu ngồi ăn ngoan là tốt rồi. Hôm nào có trẻ lên cơn thì không chỉ cô giáo mà hiệu trưởng, hiệu phó, bảo vệ cũng phải phụ một tay".

Chia sẻ thêm về công việc của giáo viên, cô Hiền cho biết hằng ngày tất cả các cô phải có mặt từ lúc 6 giờ 30 phút để chuẩn bị cho trẻ ăn sáng, rồi vệ sinh, dạy học, ăn trưa… Những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất cần sự kiên nhẫn của giáo viên. Nhiều trẻ đã 12, 13 tuổi nhưng trí tuệ còn thua đứa trẻ lên 5, thậm chí không thể tự vệ sinh được, cô giáo phải giúp. Một ngày làm việc mệt nhọc của các cô kết thúc lúc 17 giờ nhưng nếu phụ huynh đến đón con trễ, các cô cũng phải chờ và chỉ ra về khi các em đều đã về nhà. Cô Hiền kể có trường hợp đã 18 tuổi, nhà trường trả về nhà để cho em học nghề nhưng vì em bị chậm phát triển nên không nơi nào nhận. Cha mẹ đành để em ở nhà. Có lần, em bật quẹt đốt tấm nệm, may nhờ hàng xóm phát hiện sớm nên không cháy nhà. Sau lần ấy, mẹ em đến trường năn nỉ gửi con vài năm nữa chờ mẹ em về hưu sẽ ở nhà trông con. "Những trường hợp như vậy trường không thể từ chối mà kiên trì dạy các em những kỹ năng cần thiết như bỏ đồ vào máy giặt, nấu cơm, bật bếp gas… để các em có thể tự phục vụ mình" - cô Hiền cho biết.

Vượt qua áp lực

Không chỉ vất vả, kiên trì và nhẫn nại, các cô giáo của trường phải có "thần kinh thép" mới trụ lại được với nghề vì nhiều lúc trẻ không thể kiểm soát được hành vi của mình. Khi trời nóng, nhiều em lên cơn lao vào cắn, đánh cô giáo. Có trường hợp một cô giáo bị học sinh cầm cây đánh phải cấp cứu. Có trường hợp vào làm ở trường một thời gian, đêm nào ngủ cũng bị ám ảnh, gia đình buộc cô phải nghỉ việc. Rồi có người vào tập sự ở trường chưa hết thời gian đã xin nghỉ vì không chịu nổi áp lực công việc. Thế nhưng, vẫn có những cô giáo gắn bó với trường 28 năm. Điển hình như cô Phan Thị Xuân Hương, phụ trách chương trình can thiệp sớm cho trẻ. Cô Hương đến làm ở trường khi mới 17 tuổi, khi ấy ngôi trường còn là dãy nhà thấp lè tè, trời nắng thì nóng hầm hập, trời mưa thì dột khắp nơi. Yêu thương, gắn bó với trẻ từng ấy năm làm cho cô không còn nghĩ đến việc rời xa mái trường này. Dưới sự hỗ trợ của cô, nhiều bé thay đổi tích cực, có thể gọi ba mẹ, tự đi vệ sinh… "Với tôi, học Bác chính là hết lòng hết sức cho công việc, chăm lo các cháu phát triển tốt hơn để các cháu có thể tự chăm sóc bản thân mình" - cô Hương bộc bạch.

Giúp trẻ mạnh dạn, hòa nhập với cuộc sống, trường còn tổ chức các chương trình ngoại khóa như dã ngoại, đi chơi công viên nước, siêu thị, nông trại xanh… Tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng cô giáo Phạm Thị Hải Dương, 23 tuổi, đã quyết định gắn bó với trường. Ngoài việc dạy dỗ các em chậm phát triển, cô Dương còn truyền tất cả tình yêu thương với trẻ qua các trò chơi, bài tập. Cô giáo trẻ cho biết: "Những ngày đầu vào làm việc, thật lòng mà nói, tôi rất sợ sệt và áp lực nhưng cảm giác ấy trôi qua nhanh khi nhìn thấy các bé cười đùa, ngoan ngoãn và tiến bộ". Chị Phan Thanh Nhàn, một phụ huynh, nhận xét: "Có một đứa con bị bệnh tự kỷ là nỗi lo lắng khôn nguôi của vợ chồng tôi. Nhưng từ khi học ở trường, bé tiến bộ hẳn ra, nói được và tự làm được nhiều việc cho bản thân". 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo