xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mưu sinh bên gành đá

Bài và ảnh: TÚ OANH

Mứt biển được giá, tiêu thụ rất chạy lại chỉ có một mùa trong năm nên bất chấp sóng to gió lớn, biết là hiểm nguy luôn chực chờ nhưng những phụ nữ quanh năm lam lũ ở đất Nam Ô, TP Đà Nẵng vẫn lao mình ra các gành đá mưu sinh

Khi mùa đông bắt đầu về với những cơn mưa tầm tã cũng là lúc ngư dân khu vực Nam Ô, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng bước vào vụ mùa “ăn” mứt biển. Như những người thợ miệt mài, họ gò mình trên các gành đá trơn trượt, đối mặt với những con sóng lớn để kiếm tiền trang trải thêm cho cuộc sống.

“Ăn” mứt Nam Ô

Gành đá khu vực biển Nam Ô là nơi có điều kiện thuận lợi để mứt biển phát triển. Hái mứt (dân địa phương thường gọi là “ăn” hoặc cào mứt) mùa mưa đã trở thành nghề đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều người dân địa phương, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Chúng tôi đến làng chài Nam Ô vào một buổi sáng đầy sương mù. Hơn 7 giờ, mặt trời mùa đông vẫn chưa ló dạng. Từ trên những gành đá chồm ra biển, từng nhóm phụ nữ nối nhau hối hả quay về cùng “chiến lợi phẩm” của mình sau một đêm hái mứt.
img
Thành quả sau một buổi sáng miệt mài “ăn” mứt

Vừa thoăn thoắt đi về phía chợ, chị Huỳnh Thị Vân, một trong những người nổi tiếng “ăn” mứt giỏi trong vùng, tâm sự: “Mùa đông tới thì người đi biển khổ vô cùng. Biển động là xem như gác ghe chờ đói. May sao ông trời cũng có luật bù trừ, mùa nào thức nấy. Trời mưa càng to thì mứt biển mọc càng dày, phụ nữ chúng tôi lại lao ra gành đá phụ chồng kiếm cơm qua mùa biển động.”

Mứt biển thường xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 1 âm lịch hằng năm, nhiều nhất là từ giữa tháng 10 đến hết tháng 12. Trong khoảng thời gian này, mứt trên các bãi đá ven biển phát triển rất mạnh. Chúng mọc thành từng cụm phủ dày trên các khe, gành ở các rạn đá Ngầm, bãi Rạng của bán đảo Sơn Trà và các bãi đá thuộc khu vực Nam Ô. Vì nghề này khá đơn giản nên khi đến mùa mưa, người dân rủ nhau đổ xô ra các bãi đá rất đông, không kể lớn bé, để hái mứt.

Khác với rong biển thường dài và sống ở dưới nước, mứt biển lại ngắn và sống bám trên những tảng đá. Vì thế, nghề hái mứt phụ thuộc nhiều vào con nước. Vừa gạt những giọt nước biển nhỏ lon ton từ trên tóc xuống, chị Vân vừa nheo mắt chỉ những con sóng đang vỗ mạnh vào bờ đá, cho biết: “Giờ nước bắt đầu lên nên bọn tôi phải về. Nước lên thì không cạo mứt được mà lại rất nguy hiểm”.

Thời gian “ăn” mứt trong ngày tùy thuộc vào từng con nước lớn, nước ròng, thường bắt đầu khi thủy triều rút và kết thúc khi thủy triều lên. Bởi vậy, có khi mới 1 giờ sáng, người ta đã vùng dậy í ới gọi nhau mang đèn pin ra biển hái mứt. Mứt biển khá nhỏ và bám rất chắc vào đá, khi hái phải cẩn thận ngắt từng cọng và cố gắng không làm nát mới bán được giá. “Người hái phải kiên nhẫn ngắt từng cọng một thì rau mới không bị dập nát” - chị Vân tiết lộ.

Giữa những con sóng trắng xóa vỗ đập liên tục vào gành đá và cái lạnh ghê người của gió cùng nước biển ngấm vào da thịt, những phụ nữ làng chài vẫn cặm cụi với công việc vốn đã quen vào mỗi mùa đông đến. Dụng cụ hành nghề của họ rất đơn giản: Một miếng tôn được cắt thành hình tròn để cạo mứt, một chiếc vợt lưới, một miếng lót tay chế từ lốp xe đạp... Chỉ cần vậy, những phụ nữ làng biển đã có thể cặm cụi bám gành đá suốt 3-4 giờ trong ngày để mưu sinh.

Chấp nhận mang sẹo

Chúng tôi lân la hỏi gần 10 phụ nữ đi hái mứt về thì đều nhận được cùng một câu trả lời: “Chân tay sứt mẻ là việc thường gặp như cơm bữa với những người làm công việc này. Khe đá sắc bén lại có hàu nhiều vô kể nên muốn làm được nghề này phải chấp nhận mang sẹo trên người”. Dù đã chuẩn bị áo mưa, găng tay, vớ chân... mang theo nhưng chị em phụ nữ vẫn không tránh khỏi những vết cứa khi làm việc.

Anh Nguyễn Văn Đăng là người làm nghề kéo lưới ở vùng biển Nam Ô. Một mình anh làm không đủ lo cho gia đình nên người vợ cũng tham gia đoàn người hái mứt. “Ngày nào cũng vậy, cứ vợ đi biển về là tôi lại thấy trên tay chân cô ấy có thêm vài vết cắt. Cái nghề này nó vậy, phải chấp nhận” - anh Đăng cho biết.
img
Dụng cụ đơn giản của người làm nghề cạo mứt

Người làm nghề hái mứt luôn phải đối mặt với bao hiểm nguy chực chờ từ biển cả. Bà Phan Thị Nguyên, năm nay đã 63 tuổi với hơn 10 năm làm nghề cào mứt, chia sẻ kinh nghiệm: “Lúc hái mứt thì người phải trụ vững, chân bấu chặt vào mặt đá trơn tuột, nhanh tay cạy, bứng mứt. Trong khi đó, mắt phải dõi ra biển canh chừng con sóng. Nếu sơ sẩy hay ham hái mứt quá mà gặp lúc sóng lớn ập đến bất ngờ sẽ bị trượt chân, ngã xuống biển ngay, rất dễ nguy hiểm đến tính mạng”.

Cũng là người đi cạo mứt nhiều năm, chị Bùi Thị Tám rùng mình kể về một tai nạn mà đến giờ vẫn làm chị kinh hãi: “Hôm đó trời mùa đông rất tối, tôi ham cạo mứt quá nên không để ý xung quanh. Bất ngờ, một con sóng to ập tới đánh tôi văng ra xa. Tôi tối tăm mặt mũi nhưng nhờ có đeo theo phao nên nổi lên mặt biển. Những người bạn nghề hái mứt gần đó phát hiện đã kéo tôi lên. Coi như một lần thoát chết, đến bây chừ có ham làm mấy, tôi cũng phải lo canh chừng sóng lớn”.

Những ngày đầu mùa, 1 kg mứt có giá lên đến 100.000 đồng. Khi rộ mùa rồi, người “ăn” mứt cũng kiếm được 70.000 - 80.000 đồng/kg. Bởi mứt tiêu thụ rất chạy lại chỉ có một mùa trong năm nên dù biển động, sóng to gió lớn, biết là hiểm nguy luôn chực chờ nhưng những phụ nữ quanh năm lam lũ ở đất Nam Ô vẫn lao mình ra gành đá. “Tranh thủ làm để dành dụm thêm chút ít, phòng những ngày bão lũ” - bà Bùi Thị Tám phân trần.
Món quà thiên nhiên quý giá
Sau khi khai thác, một phần mứt biển Nam Ô được người dân địa phương sử dụng làm thức ăn, phần lớn còn lại được phơi khô, đóng bánh để bảo quản và xuất bán đi các nơi.
Mứt là 1 trong 3 loại rong biển thực phẩm rất được ưa chuộng do có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp hàng chục lần loại rong khác. Mứt biển chứa các axít amin, vitamin B, B2, A, C và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Có thể nói mứt biển là loại “hải sản rau xanh” độc đáo, món quà thiên nhiên quý giá từ biển cả. Mứt biển còn được xem như một loại “thực phẩm chức năng”, hỗ trợ chữa bệnh cho con người.
img
Sứt, sẹo là chuyện như cơm bữa đối với người “ăn” mứt
Nhận tác phẩm dự thi đến 30-3-2014
Từ ngày phát động cuộc thi viết phóng sự - bút ký (1-6-2013) đến nay, Báo Người Lao Động đã nhận được hàng trăm tác phẩm của nhiều tác giả gửi về tham dự. Nhiều tác giả đã gửi đến 5-6 tác phẩm dự thi. Có tác giả tuổi vừa đôi mươi nhưng cũng có người tuổi tác xưa nay hiếm. Nhiều tác giả ở tận Hà Giang, Cao Bằng, Cà Mau, Bạc Liêu, Gia Lai, Kon Tum... cũng nhiệt tình tham gia.
Bên cạnh đó, tòa soạn cũng phát hiện một số tác giả không thực hiện đúng như thể lệ cuộc thi đã yêu cầu. Trong đó, phổ biến nhất là gửi tác phẩm đã đăng, phát trên một số phương tiện thông tin đại chúng.
Cuộc thi viết phóng sự - bút ký trên Báo Người Lao Động sẽ nhận tác phẩm tham dự đến hết ngày 30-3-2014. Trân trọng kính mời các bạn viết tiếp tục tham gia.
                                                                              Tòa soạn

img

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo