xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lên non làm phó chủ tịch xã

Theo TRƯƠNG QUANG HIỆP (Quảng Trị Online)

Làn da chuyển màu đồng rắn rỏi, lối trò chuyện cởi mở, bước chân như sải rộng hơn... Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp lại các trí thức trẻs au 7 tháng về địa phương đảm nhiệm trọng trách phó chủ tịch UBND xã. Họ đã có khởi đầu khá suôn sẻ, tạo đà cho những bước tiến trong tương lai .

Gian nan thử sức
 
Họ đều đã tốt nghiệp đại học và tìm được công việc ổn định. Một vài người có thâm niên công tác hơn 3 năm, hàng tháng nhận tiền lương cả chục triệu đồng nhưng sự “vừa đủ” ấy không làm các trí thức trẻ hài lòng. Đơn giản, những thanh niên giàu nhiệt huyết này muốn được thử sức mình, sống và cống hiến nhiều hơn. Giờ đây, khi đã trở thành phó chủ tịch UBND xã, đối diện với không ít khó khăn, họ vẫn vững tin vào sự lựa chọn của mình.

img
Ngoài thời gian làm việc tại trụ sở, chị Đỗ Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp còn miệt mài nghiên cứu tài liệu tại nhà

Đối với nhiều cán bộ trẻ đang công tác tại xã Húc Nghì, huyện Đakrông (Quảng Trị), con đường đến thôn Kợp chính là “liều thuốc” thử ý chí khắc nghiệt. Với đoạn đường 13 km, khách bộ hành phải hì hục trèo đèo, lội suối. Người can đảm nhất cũng lạnh gáy khi đi giữa những lối mòn sâu hun hút với cơn mưa rừng não nề và tiếng thú hoang gầm gừ. Vậy mà mới về xã Húc Nghì công tác, chàng trai miền xuôi Trần Minh Huỳnh (sinh năm 1986) đã tất tả đến với người dân thôn Kợp.
 
Lau vội giọt mồ hôi lăn dài trên má, anh Huỳnh chia sẻ: “Thôn Kợp nằm xa trung tâm xã nhất. Dù khí hậu thuận hòa, đất đai màu mỡ, diện tích lúa nước khá lớn... nhưng cuộc sống người dân nơi đây vẫn luẩn quẩn trong đói nghèo. Mình phải đến tận nơi tìm hiểu cuộc sống bà con, từ đó mới có thể giúp người dân một cách thiết thực”.
 
Gần 7 tháng nay, trong vai trò phó chủ tịch UBND xã, đôi chân các trí thức trẻ mới về công tác tại xã Húc Nghì, Hướng Hiệp, Mò Ó, Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hải Phúc và Tà Rụt đã băng bổ khắp nẻo đường rừng. Gác nỗi âu lo về nơi ăn ở, điều kiện làm việc thiếu thốn, khối lượng công việc nặng nề, hàng ngày họ đến từng thôn bản để “mục sở thị” cuộc sống người dân.
 
Chị Đỗ Thị Thanh Bình (sinh năm 1982), bóng hồng duy nhất trong bảy phó chủ tịch công tác tại các xã thuộc huyện Đakrông chia sẻ: “Trước lúc về đây, mình đã chuẩn bị tinh thần chịu khó, chịu khổ. Nhưng bắt tay vào công việc mới thấy những gì mình tiên liệu chỉ là phần nổi của tảng băng. Mình bắt đầu làm quen với việc vạch rừng tìm đến dân, xắn quần cày ruộng cùng bà con, ngày đêm vận động mọi người thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Càng nếm trải vất vả, mình càng thương người dân và nhắc nhủ bản thân nỗ lực nhiều hơn”.
 
Trong tiềm thức người dân, lãnh đạo xã thường là những người lớn tuổi, tiếng nói có trọng lượng. Thế nên, khi thấy những trí thức trẻ về địa phương đảm nhiệm trọng trách phó chủ tịch UBND xã, không phải ai cũng ủng hộ. Thậm chí, một số người còn tỏ ra nghi ngại, không tạo cơ hội cho các trí thức trẻ.
 
Đảm nhiệm trọng trách Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, phụ trách mảng kinh tế - nông nghiệp, anh Hồ Văn Quằm (sinh năm 1982) gặp nhiều thuận lợi hơn các trí thức trẻ khác vì là người bản địa, thông hiểu phong tục, tập quán địa phương...Thế nhưng, cũng không ít lần anh Quằm rơi vào tình thế dở khóc, dở cười.
 
Biết một vài hộ dân mang tư tưởng sinh đông con để được xếp vào diện hộ nghèo, qua đó thụ hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước, anh Quằm đã đến tận nhà bà con để khuyên nhủ. Đáp lại tấm chân tình ấy, có người trừng mắt, cao giọng bảo rằng: “Đèn nhà ai, nhà ấy rạng”. Thực tế không làm anh nản chí. Ngoài việc dùng lý lẽ, tình cảm để phân tích thiệt hơn, anh Quằm còn vận động các già làng, trưởng bản vào cuộc. Sau khi vấn đề được tháo gỡ, uy tín của người cán bộ trẻ được nâng lên đáng kể.
 
Như anh Quằm, các phó chủ tịch xã khác cũng vấp không ít chướng ngại xuất phát từ nhận thức người dân. Tuy nhiên, nhờ tài ứng đối linh hoạt, vốn hiểu biết cũng như sự hỗ trợ của đồng nghiệp, những người có uy tín, tất cả khó khăn đều được giải quyết chóng vánh.
 
img
Anh Nguyễn Đức Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó trao đổi công việc với đồng nghiệp
 
Quan trọng là hướng đi
 
“Điều quan trọng không phải là vị trí đang đứng mà chính là hướng ta đi”, đó là tâm niệm của các phó chủ tịch xã trẻ công tác tại các xã khó khăn thuộc huyện miền núi Đakrông. Ngay từ khi nộp đơn tình nguyện, họ đã không đặt nặng vấn đề quan quyền, thay vào đó, ai cũng sục sôi quyết tâm cống hiến.
 
Đối với các bạn trẻ, mỗi ngày trôi qua đúng nghĩa là một ngày tất bật. Dẫu nếm trải nhiều vất vả, gương mặt họ vẫn ánh lên niềm say mê. “Trước khi đi ngủ, mình thường tự hỏi, hôm nay bản thân đã làm gì có ích cho người dân? Nếu ngày nào câu trả lời để ngỏ, mình áy náy không yên”-anh Nguyễn Đức Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó chia sẻ.
 
Về phần mình, sự say mê công việc của anh Hồ Văn Quằm, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, thể hiện bằng hành động giản dị: “Mỗi ngày, mình đều vạch ra trong đầu kế hoạch hôm nay phải làm gì, công việc ấy cần thiết đến mức nào. Bên cạnh đó, mình luôn dành thời gian để đến thăm hỏi tình hình, động viên người dân”. Có thể nói sự ý thức ấy đã phần nào giúp người dân tin tưởng hơn vào năng lực của các trí thức trẻ.
 
Để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, các phó chủ tịch xã trẻ không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn. Từ khi đặt chân đến miền quê mới, họ đã xác định: “Có gần dân, tận tụy với dân thì dân mới tin yêu”. Vì vậy, các trí thức trẻ dành nhiều thời gian để giúp đỡ các gia đình khó khăn, tham gia họp thôn, tham khảo ý kiến người dân...
 
Đặc biệt, với mong muốn trở thành người con của bản làng, họ còn cố gắng tìm hiểu về phong tục, tập quán, ngôn ngữ bản địa. Nhờ thế, khoảng cách giữa các phó chủ tịch UBND xã với người dân dần được xóa bỏ. Bà con không chỉ chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình mà còn hỗ trợ, động viên các trí thức trẻ trong công việc cũng như cuộc sống. Bà Hồ Thị Khuyên, một người dân xã Mò Ó vui vẻ tâm sự: “Ban đầu có đôi chút nghi ngại nhưng giờ thì mình và bà con trong thôn rất tin tưởng các phó chủ tịch xã trẻ. Họ là những người được đào tạo bài bản, tận tụy với công việc, gần gũi với bà con”.
 
Hơn ai hết, các phó chủ tịch xã trẻ hiểu không thể làm người dân tin tưởng thông qua lời nói suông. Vì vậy, họ đã biến ý tưởng thành hành động cụ thể. Đakrông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, địa bàn các trí thức trẻ về công tác đều là các xã khó khăn của huyện. Vì vậy, các phó chủ tịch UBND xã đều chung quyết tâm giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hiện họ đang chung tay xây dựng đề án nông thôn mới với mong muốn thay đổi diện mạo quê hương. Bên cạnh đó, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương cũng được các phó chủ tịch xã đặc biệt quan tâm.
 
Đối với anh Nguyễn Đức Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó, công việc trước mắt là khai thác thế mạnh của các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo vấn đề lương thực. Anh Trần Minh Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì lại ấp ủ việc xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả cao... Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đi ban đầu của các phó chủ tịch xã trẻ. Với họ, còn nhiều vấn đề khác cần đặt ra như giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ an ninh - trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội; vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài...
 
Chia tay phó chủ tịch UBND các xã thuộc huyện miền núi Đakrông trong cái lạnh se se của núi rừng, tôi đề cập đến câu hỏi vốn đặt nặng trong tâm trí mình: “Liệu các bạn đã nghĩ đến chuyện mình sẽ làm gì sau 5 năm nữa? Biết đâu các bạn không còn là Phó chủ tịch UBND xã?”. Trái với sự ái ngại của tôi, các trí thức trẻ vẫn nở nụ cười tươi nguyên. “Từ khi nộp hồ sơ tình nguyện, chúng mình đã nghĩ đến điều đó. Nhưng anh em không để nỗi trăn trở làm sao nhãng công việc. Hôm nay và ngày mai, chúng mình chỉ nghĩ đến việc cống hiến, xung kích nhiều hơn” – anh Nguyễn Đức Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó khẳng định. Tôi chắc rằng, anh Linh và các Phó chủ tịch xã trẻ khác không nói suông. Và thực tế sẽ không ai phụ lòng những thanh niên trẻ, giàu tâm huyết này...
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo