xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Uẩn khúc "mẹ con người rừng" và nghi án cha hiếp dâm con

Theo NAM PHƯƠNG - VŨ HOÀNG (Phú Yên Online)

Một phụ nữ sống như người rừng giữa núi đồi vắng lặng. Một đứa trẻ chào đời với lời bàn tán lạnh người. Cuộc sống cơ cực của hai mẹ con, kỳ lạ thay, lại do chính cha mẹ người phụ nữ trẻ đó sắp đặt.

Từ Đồng Xuân, thông tin về hai mẹ con sống trong rừng đã lan xuống Tuy An, vào tận Tuy Hòa-Phú Yên cùng những tiếng thở dài lo lắng…

img

Chiếc giường trong căn nhà khoảng 4m2 - nơi ngày ngày đứa trẻ bị quấn trong lớp chăn màn khi mẹ đi chăn bò. - Ảnh: V.HOÀNG
 
Đứa trẻ nằm im trong lớp chăn màn
 
Thuộc thôn Long Thạch (xã Xuân Long) nhưng Lỗ Dàng - theo cách gọi của người địa phương - không có dân cư, chỉ có chập chùng đồi núi, rẫy mía. Càng vào sâu bên trong đường càng khó đi, dốc này nối tiếp dốc kia, chênh vênh đá to đá nhỏ. Chiếc xe máy chồm lên thụp xuống, chạy một quãng xa mới thấy thấp thoáng bóng người trên rẫy.
 
Gần hai tiếng đồng hồ vừa đi vừa hỏi đường, rồi chúng tôi cũng đến đỉnh một cái dốc cao, mà theo lời một người làm mía thì tốt nhất là dừng xe và đi bộ. “Xuống dốc một quãng, nhìn bên tay trái sẽ thấy cái nhà nhỏ xíu. Hai mẹ con nó ở đó. Cẩn thận chớ thấy người lạ là nó bỏ chạy vô rừng”- người trồng mía căn dặn.
 
Chúng tôi đi theo chỉ dẫn và bắt gặp cái chuồng bò trống không cạnh một con suối. Bên kia suối trơ trọi căn nhà rộng chừng 4m2, mái tôn thấp lè tè, nóng hầm hập. Nhà chẳng có cửa nẻo, bên trong có hai cái thùng phuy, mấy bao xi măng và một chiếc giường nhỏ trải vạt bằng tre, mùng mền vẫn chưa được xếp gọn gàng mà chỉ dồn vào một góc.
 
Trong nhà cũng như chung quanh tịnh không một tiếng người, chỉ có con chó nhỏ kiên trì chạy tới chạy lui thăm dò, sủa ăng ẳng.
 
Nhìn mấy bộ quần áo phụ nữ phất phơ trên dây phơi đồ và một chiếc xe bằng nhựa dành cho trẻ em tập đi gác trên thùng phuy, chúng tôi tin rằng mình đã đến nơi cần đến. Lạ nhỉ! Người ta bảo hằng ngày, khi mẹ đi chăn bò thì đứa trẻ ở nhà. Vậy nó đâu?
Chúng tôi đợi từ 10 giờ trưa đến gần 3 giờ chiều mới nghe tiếng chân bò đạp trên lá khô. Đàn bò trở về chuồng, con nào con nấy no căng. Nhưng, đi cùng đàn bò hình như là đàn ông chứ không phải phụ nữ.
 
Sau khi cột bò vô chuồng và dọn sạch đống phân chúng thải ra từ đêm trước, “anh ta” vục đôi tay gân guốc, lực lưỡng vào dòng suối, khỏa nước rửa mặt rồi nhấc chiếc mũ lưỡi trai bết mồ hôi. Mớ tóc dài mỏng dính, cháy nắng xổ ra, khẳng định với người đối diện rằng đó là một phụ nữ.
 
Nhìn kỹ, người này chưa đến 30 tuổi, vậy mà tóc đã có những sợi bạc.
 
Sau một hồi làm quen, chúng tôi theo người phụ nữ trẻ vào nhà. Cô ấy đến bên giường, tháo mấy sợi dây thun đang buộc chặt một góc mùng im phăng phắc, lần giở từng lớp chăn màn và bế ra một… đứa bé rôm sảy đầy người, đầm đìa mồ hôi. Trong khi khách há hốc mồm kinh ngạc rồi cảm thấy nghẹn đắng nơi cổ, chủ nhà cười ngượng nghịu: “Con em”.
 
Mẹ đứa trẻ giải thích rằng phải cột chặt như vậy để nó khỏi quẫy đạp, chui ra khỏi mùng và rơi xuống nền nhà lổm nhổm đá. Trước đây, trong lúc mẹ đi vắng, nó đã tìm cách bò ra khỏi mùng và rơi xuống nền!
 
Vậy là nhiều ngày nhiều tháng trôi qua, sau khi điểm tâm bằng những giọt sữa ít ỏi của mẹ, đứa trẻ gầy guộc này ở nhà một mình, nằm im trong đống chăn màn từ khi mặt trời lên trên ngọn cây cho đến tận xế chiều. Trong lúc mẹ nó lùa đàn bò vô rừng ăn cỏ, lùa xuống suối uống nước, đứa bé khát và đói nhưng không một ai ở bên cạnh! Đứa bé sợ hãi quẫy đạp giữa đống chăn màn. Nó hẳn đã khóc rất to, rất lâu. Nhưng đáp lại lời nó chỉ có tiếng gió xao xác trên ngọn cây và tiếng chó sủa. Riết rồi con chó con cũng quen, không sủa nữa. Đứa bé cũng không khóc nữa (có lẽ bằng cách nào đó, nó đã sớm hiểu rằng khóc cũng vô ích, khóc thì chỉ mau khát, mau mệt mau đói mà thôi). Thế là nó nằm im thin thít trong đống chăn màn, đợi mẹ về.
 
Mà trời ơi, nó chỉ mới hơn một tuổi!
 
Uẩn khúc cần làm sáng tỏ
 
Trên chiếc võng cột dưới gốc cây to phía trước nhà, T.A (tên người phụ nữ trẻ), 25 tuổi, vừa cho con bú vừa rụt rè nói chuyện với chúng tôi. Chính xác là chúng tôi hỏi, còn cô ấy ngập ngừng, lí nhí trả lời. Có lẽ đã rất lâu rồi, T.A không gặp và nói chuyện với người lạ.
 
Những câu trả lời rời rạc của T.A cho biết, gia đình cô ở thôn Tân Phú (xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân). T.A không biết chữ, từ nhỏ chỉ biết chăn bò, làm mía phụ giúp gia đình. Năm T.A 17 tuổi, cha mẹ đưa cô vào sống ở Lỗ Dàng cùng một người anh, cốt là để trông coi đàn bò. Nơi hai anh em T.A sống nhìn đâu cũng thấy đồi núi, chỉ có một con đường nhỏ mệt mỏi chạy xa xa phía trước nhà. Thảng hoặc mới có một, hai người, thường là dân làm rẫy, đi ngang qua. Cái chòi gần nhất của những người trồng mía cũng cách nơi T.A sống một quãng rộng, một tiếng hú dài có khi không với tới được. Tại nơi quạnh vắng này, bi kịch của cô gái trẻ bắt đầu.
 
Sau khi anh trai T.A trở về nhà, ông Đặng Ngọc Hải, cha cô, là người thường có mặt ở Lỗ Dàng. Con ở trong nhà, cha mắc võng dưới gốc cây. Theo lời T.A, ông rất khó tính, không cho phép cô giao thiệp với bất kỳ ai. Vậy thì làm sao lại có đứa trẻ này? Chúng tôi gặng hỏi mãi, rốt cuộc T.A thừa nhận đứa trẻ là con của… cha đẻ cô!
 
Lẽ nào những lời bàn tán, xầm xì của một số người từ Xuân Sơn Nam, Xuân Long đến thị trấn La Hai là chính xác? Lẽ nào sự thật đúng như lời kể rời rạc của cô gái trẻ, rằng đêm nọ, cha cô lặng lẽ rời chiếc võng mắc dưới gốc cây và bước vào nhà. Đứa con sợ hãi nhưng rồi bị khuất phục bởi cha - người vẫn thường phủ xuống đứa con những trận đòn mỗi khi con làm trái ý mình.
 
Cũng theo T.A, sự việc này diễn ra không chỉ một lần và nó chỉ chấm dứt khi sau cô có con. Hỏi mẹ có biết chuyện tày đình này không, T.A gật đầu. Lẽ nào bà mẹ - người thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn của chồng - đã chọn sự im lặng cùng nỗi đau tận cùng tâm khảm, chỉ để tránh những đau đớn trên thể xác?
 
T.A chuyển dạ, sinh con cũng trong căn nhà rộng chừng 4m2 nằm giữa núi đồi, “bác sĩ”, “hộ lý” không ai khác mà chính là cha, mẹ cô. Phải chăng vì những lời xầm xì của dân trong vùng, vì không muốn trả lời câu hỏi về cha đứa trẻ mà cha mẹ T.A mạo hiểm để con vượt cạn giữa rừng, thay vì đưa đến Trạm Y tế xã Xuân Long?
 
Sinh con được hơn tháng, T.A trở lại với công việc chăn bò, trồng mía. Đàn bò trên dưới 20 con phởn phơ béo tốt, còn đứa trẻ thì còi cọc. Nó làm sao lớn nổi khi ngày ngày phải chịu đói khát từ nửa buổi sáng cho đến xế chiều, khi bữa cơm quen thuộc của mẹ nó chỉ có mắm hoặc canh đu đủ nấu với bột ngọt và muối. Ở đây, thịt cá trở thành “sơn hào hải vị”, lâu lâu mẹ nó mới được ăn một lần, mỗi khi gia đình mang gạo muối lên. T.A kể: “Có lần nhà hết gạo, em phải mượn của người đi rẫy một ký gạo nấu cháo cho con”. Nhìn nồi cơm nấu từ sáng đã thiu cùng can nhựa 20 lít đựng đầy muối - thức ăn chính của hai mẹ con, chúng tôi càng chạnh lòng.
 
Khổ cực lay lắt, hai mẹ con sống giữa hoang vu, đêm đêm làm bạn với ngọn đèn dầu. Đêm hôm trái gió trở trời, nếu đứa trẻ lên cơn sốt thì cũng chẳng có ai nhờ giúp đỡ, và làm sao có thể chạy bộ giữa đồi núi mịt mùng để đến Trạm Y tế xã Xuân Long?
 
Cuộc sống hiện tại của đứa trẻ rõ ràng đang bị đe dọa, nói chi đến tương lai mờ mịt.
 

img

T.A và con gái - Ảnh: V. HOÀNG
 
Chính quyền địa phương nói gì?
 
Đến nhà cha mẹ T.A ở xã Xuân Sơn Nam, chúng tôi thấy cửa im ỉm khóa. Bà T.T, một người hàng xóm nói rằng ông Hải và bà Dung, cha mẹ T.A, thường xuyên đi làm rẫy. Gia đình này không giao thiệp với ai. Ông Hải thường đánh vợ, và cũng chẳng có ai đến can thiệp. Bà T.T chép miệng: “Đứa con gái có con, người ta đồn tùm lum đó. Nó bặt tăm suốt mấy năm nay, không ai ở xóm này nhìn thấy nữa. Dân làm rẫy nói gặp nó trong Lỗ Dàng…”.
 
Bà A., một người hàng xóm khác, xác nhận chuyện ông Hải thường xuyên đánh vợ. Vì vậy, bà vợ sợ chồng một phép và luôn giấu diếm thông tin về đứa con gái phải sống giữa núi rừng.
 
Bà A. nói: “Mong Nhà nước quan tâm, đưa đứa nhỏ về chớ tội quá. Nếu có đưa về thì cho mẹ con nó ở chỗ khác chớ đừng ở nhà, sợ cha nó đánh chết. Bao nhiêu năm nay đứa con gái đó bặt tăm. Vợ chồng ổng với mấy đứa con ở nhà, tivi điện đài sáng trưng, có khi còn hát karaoke, còn hai mẹ con nó thui thủi trên đó, tội quá! Tui mong Nhà nước quan tâm để hai mẹ con nó thoát khỏi cảnh khổ”.
 
Khi chúng tôi đưa câu chuyện thương tâm về đứa trẻ sống giữa rừng đến UBND xã Xuân Long, bà Phạm Thị Lan Anh, Chủ tịch UBND xã, nói: Năm 2011, theo chỉ đạo của phó chủ tịch UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội cùng chính quyền địa phương đã đến Lỗ Dàng vận động gia đình đưa đứa trẻ về nơi ở ổn định. Từ đó đến nay không nghe ai nói gì nữa, cũng không biết hai mẹ con có còn ở đó hay không (?!). Trong khi đó, ông Hồ Văn Tá, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam nói rằng chính quyền địa phương và ngành chức năng từng vô Lỗ Dàng vận động gia đình đưa đứa trẻ về nhà nhưng không có kết quả.
 
Ông Huỳnh Việt Hùng, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Đồng Xuân, một trong những người đã đến Lỗ Dàng khi đó, nhớ lại: “Lúc chúng tôi đến Lỗ Dàng, cha của cô gái hằm hè, nói rằng muốn vô ăn cướp nhà ông ta hay sao. Chúng tôi đề nghị gia đình đưa đứa trẻ về nhà chăm sóc và hướng dẫn họ làm thủ tục để đứa trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình hứa xong mùa rẫy sẽ làm nhưng rồi không thực hiện. Phòng đã thông tin về tình hình trên cho chính quyền xã Xuân Long biết để báo cáo lên huyện, tiếp tục có giải pháp vận động đưa đứa trẻ về”.
 
Ông Hùng xác nhận, hai mẹ con T.A sống rất khó khăn. Trước tình cảnh đó, anh em trong đoàn, người thì cho 10.000, người cho 20.000 đồng để T.A mua sữa cho con.
 
“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với chính quyền địa phương về tình hình trên để có giải pháp giúp đỡ đứa trẻ. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm”, ông Hùng khẳng định.
 
Chúng tôi tự hỏi bằng cách nào mà đứa trẻ con của T.A có thể sống cho đến bây giờ, khi ngày ngày phải nhịn đói, nhịn khát trong lúc mẹ đi chăn bò nơi rừng sâu? Chính quyền địa phương cùng các cơ quan, ban ngành chức năng cần quyết liệt vào cuộc để đưa đứa trẻ trở về với cuộc sống bình thường và làm sáng tỏ những uẩn khúc chung quanh vô số tin đồn đáng sợ về người cha đứa trẻ. Nếu sự thật đúng như tin đồn thì người phạm tội phải bị xử lý nghiêm minh.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo