xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hung hãn làm tê liệt lương tri

Tiến sĩ giáo dục Lê Vinh Quốc

Những vụ hành hung, bạo lực trong nhà trường và ngoài xã hội được nêu trên các phương tiện truyền thông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm to lớn hơn nhiều

Dư luận vừa mới chấn động về “thói hung hãn lên ngôi” qua số lượng hơn 6.200 người trên toàn quốc nhập viện do đánh nhau trong 8 ngày nghỉ Tết, nay lại rộ lên bức xúc về vụ một nữ sinh bị bạn học hành hung tập thể tại Trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh) vào ngày 13-1. Trong những sự việc đó, có tình trạng suy đồi đạo đức trầm trọng: con người, cả lớn lẫn trẻ vị thành niên, đã ứng xử với nhau không phải bằng nhân tính.

“Câm lặng” trước cái ác?

Thói hung hãn trong xã hội và gia đình ắt dẫn tới các vụ hành hung trong nhà trường (vì trẻ em thường bắt chước người lớn); nhưng cũng có thể nói: sự hung hãn nảy sinh trong nhà trường sẽ phát triển thành các vụ hành hung trong xã hội và gia đình (vì hầu hết các thành viên của xã hội và gia đình đều từng ngồi trên ghế nhà trường). Trong mối quan hệ “nhân - quả tương tác” đó, then chốt của vấn đề nằm ở nền giáo dục quốc dân hiện hành, trước hết là giáo dục học đường rồi mới đến gia đình và xã hội.

Bảy học sinh xúm nhau đánh tàn bạo một học sinh nữ nhỏ bé vô phương chống đỡ. Các học sinh này đã không học được đức tính trọng yếu để làm người là lòng nhân đạo nên hành xử theo thói côn đồ, bản năng thú tính. Lớp trưởng sử dụng quyền thế để sai khiến “thuộc hạ” đánh người theo lệnh mình. Sáu em kia không nhận biết được lẽ phải (tức là mất lương tri) nên đã theo “tâm lý bầy đàn” để phục tùng kẻ có quyền thế mà say máu đánh người. Học sinh nam duy nhất trong nhóm này chẳng những không ra tay cứu giúp người yếu thế đang bị đám đông vùi dập (như “Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga” - theo tác phẩm được dạy trong nhà trường) mà lại phô trương sức mạnh nam nhi bằng một chồng ghế giáng xuống đầu nạn nhân cô đơn  tội nghiệp.

 

Trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh), nơi vừa xảy ra vụ nữ học sinh bị bạn đánh trong phòng học, gây xôn xao dư luậnẢnh: Nhật Thanh
Trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh), nơi vừa xảy ra vụ nữ học sinh bị bạn đánh trong phòng học, gây xôn xao dư luậnẢnh: Nhật Thanh

 

Đông đảo học sinh trong và ngoài lớp thản nhiên đứng xem vụ hành hung tập thể mà không ai ra tay cứu giúp nạn nhân, không ai thông báo cho nhà trường để kịp thời can thiệp; nạn nhân cũng không dám hé lộ với gia đình mà cam chịu. Qua đó, có thể nhận thấy sự hung hãn mang tính bầy đàn đã tạo nên nỗi sợ hãi kinh hoàng làm tê liệt lương tri và lương tâm học sinh, khiến các em “câm lặng” trước cái ác để tự bảo vệ mình.

Những vụ việc như thế cho thấy một thất bại hiển nhiên của giáo dục: những phẩm chất tốt đẹp được giảng dạy trong nhà trường không đủ sức chống lại cái ác thuộc về bản năng.

Nhà trường sẽ đưa ra những hình thức kỷ luật đúng quy chế hiện hành. “Buộc thôi học một năm, chịu sự quản lý của địa phương” là hình thức kỷ luật dự kiến cho học sinh lớp trưởng (người cầm đầu) và cậu nam sinh nổi bật trong vụ đánh người.

Tuy nhiên, phán quyết như vậy liệu đã đủ chấm dứt tình trạng bạo lực trong nhà trường? Dễ dàng nhìn thấy giải pháp hành chính - pháp lý này chỉ có tác dụng trấn an dư luận và tạm thời kết thúc vụ việc lùm xùm. Nhưng vấn đề có căn nguyên ở nền giáo dục thì chỉ có những biện pháp nâng cao hiệu lực giáo dục mới có thể giải quyết căn bản được.

Cần áp dụng nhiều giải pháp

Bạo lực học đường không phải của riêng Trường THCS Lý Tự Trọng mà tồn tại ở rất nhiều trường trên toàn quốc. Vậy, nguyên nhân và giải pháp của vấn đề phải được tìm trong toàn bộ nền giáo dục quốc dân.

Nhìn vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành sẽ thấy các môn khoa học xã hội - nhân văn nhằm tạo dựng nền tảng văn hóa - đạo đức cho con người được giảng dạy rất kém hiệu quả với nhiều bất cập; môn đạo đức - giáo dục công dân thiếu giá trị ứng dụng thiết thực để giúp học sinh các kỹ năng ứng xử văn minh.

Cơ chế quản lý - điều hành giáo dục hiện nay rất cồng kềnh mà kém hiệu quả, lại bị “bệnh thành tích” che khuất những vấn đề cần giải quyết, khiến cho chất lượng giáo dục thêm giảm sút. Không gì phải ngạc nhiên khi nhà trường có cả một bộ máy đồ sộ để theo dõi và giáo dục học sinh (bao gồm: tổ chức Đoàn - Đội, các giám thị, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên bảo vệ…), vậy mà vụ hành hung xảy ra ngay trong lớp học, giữa giờ ra chơi của một buổi học mà không một ai thuộc bộ máy này hay biết, để rồi 2 tháng sau thầy hiệu trưởng mới “truy cập” được nó từ một clip phát trên internet!

Những vụ hành hung và bạo lực trong nhà trường và ngoài xã hội được nêu trên các phương tiện truyền thông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm to lớn hơn nhiều. Để đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ thực trạng đó, chúng ta cần áp dụng nhiều giải pháp trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, giải pháp then chốt, quan trọng nhất vẫn nằm trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Sự thành bại của công cuộc đổi mới này sẽ quyết định việc phục hồi những nền tảng đạo đức xã hội, bao gồm cả việc xóa bỏ cách ứng xử hung hãn bằng bạo lực.

 

Cao Thị Ngọc Hòa, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Chi Lăng, quận Gò Vấp, TP HCM:

Người lớn vô tâm và đổ thừa

Tôi thật sự ngỡ ngàng khi xem clip học trò dùng ghế đánh nhau tại Trường THCS Lý Tự Trọng khi đáng lẽ hình ảnh đó chỉ thấy trên phim ảnh hư cấu chứ không phải ở ngoài đời thực, nhất là ở trường học. Lỗi của các em một phần nhưng lỗi người lớn quá nhiều. Sự thiếu quan tâm đã khiến những mầm mống của cái ác trỗi dậy. Người bị đòn không dám tố cáo, người đánh bạn càng được hả hê. Tôi cảm thấy giáo dục đang có sự đổ thừa nghiêm trọng: khi học sinh hư thì đổ tại nhà trường, nhà trường đổ lỗi cho gia đình, rồi đổ lỗi cho tác động xã hội. Sao không nghĩ rằng các bên cần phối hợp với nhau để giáo dục nên một học sinh ngoan và giỏi? Sao nhà trường không tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em để có biện pháp giáo dục thích hợp? Học sinh cần người lớn là một người thầy và cũng cần như một người bạn để chia sẻ, lắng nghe.

Phan Thị Hoài Nam, quận Bình Thạnh, TP HCM:

Đặc quyền tạo bất bình đẳng

Nếu giáo viên ý thức được tất cả mọi học sinh đều bình đẳng như nhau trong nhà trường, có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau thì sẽ không ai dám dã man đánh bạn đầy thách thức như thế. Cho lớp trưởng nhiều đặc quyền chính là tạo ra sự bất bình đẳng trong lớp học; chuyện bạn này ngạo mạn với bạn khác vì mình có chức này chức nọ dễ xảy ra mâu thuẫn và tâm lý không phục vì ở cùng độ tuổi, các em có sự phát triển tâm lý tương đồng nhau; bạo lực học đường vì thế rất dễ xảy ra dù với hình thức này hay hình thức khác.                    

Đ.Trinh ghi

 

Thận trọng về hình thức kỷ luật

Gần đây liên tiếp xảy ra các hành vi bạo lực học đường gây tâm lý lo ngại trong xã hội. Trên các trang mạng xuất hiện khá nhiều clip bạo lực học đường, điển hình là vụ học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh) đánh bạn ngay trong lớp học với mức độ bạo lực không hề nhẹ.

Nhà trường sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, cần cân nhắc, thận trọng về hình thức kỷ luật đối với học sinh đang ở độ tuổi mới lớn, chủ yếu mang tính giáo dục răn đe để các em tiến bộ. Nhà trường có thể áp dụng Thông tư 08/TT ngày 21-3-1988 của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông để xử lý. Tuy nhiên, thông tư ban hành từ năm 1998 thì liệu có còn phù hợp tình hình vi phạm của học sinh ngày nay? Đơn cử với hành vi bạo lực như trong clip thì mức xử phạt theo thông tư này tối đa chỉ là đuổi học một tuần lễ, liệu có đủ răn đe hay các em chỉ coi đó như một dịp tốt để được nghỉ học đi chơi hợp pháp không sợ cha mẹ cấm cản? Chưa kể sau một tuần đó, trách nhiệm bổ sung kiến thức cho học sinh lại đổ lên vai giáo viên.

Cũng có thể áp dụng theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể bị kỷ luật theo các hình thức: phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.

Tùy vào kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về hậu quả cũng như tính chất vụ việc, các học sinh này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Do các em ở độ tuổi dưới 16 nên nếu xử phạt hành chính với hình thức phạt tiền thì nghĩa vụ nộp phạt sẽ được chuyển sang người giám hộ (trường hợp này là cha, mẹ của các em). Cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm và mức độ vi phạm của giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu và những người liên quan để xử lý nghiêm minh. Vụ việc xảy ra sau gần 2 tháng nhà trường mới phát hiện và xử lý, cho thấy sự thiếu sát sao trong quản lý, nắm bắt tình hình học sinh.

Không thể đổ lỗi cho ai mà mọi người phải vào cuộc; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Pháp luật cũng cần có những điều chỉnh về hình thức xử lý cho phù hợp với tình hình bạo lực học đường hiện nay, trước hết là việc ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/TT.

Luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng luật Bến Nghé - Sài Gòn (TP HCM)

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo