xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Văn hóa đọc có mai một?

Bài và ảnh: Nguyễn Trương Quý

Hội sách được tổ chức dày đặc, đường sách cũng thay nhau ra đời ở TP HCM và nhiều địa phương. Độc giả vẫn nhiệt tình đến với sách, đâu phải như nhiều người lo ngại văn hóa đọc đã “chết” rồi!

Trong khi chờ xem con số người Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm/người do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố 2 năm trước có tăng lên không, có thể thấy việc tổ chức hội sách bắt đầu được xem như lĩnh vực màu mỡ, cho dù lợi nhuận vẫn chưa khi nào vươn tới con số trăm tỉ đồng.

Thước đo lợi nhuận và văn hóa

Hội sách lớn nhất từ đầu năm tới giờ được tổ chức tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) nhân Ngày Sách Việt Nam lần II do Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội và Hội Xuất bản tổ chức trong tháng 4, thu về 11 tỉ đồng (không bằng 1/10 kinh phí cải tạo 1 km kênh Ba Bò ở tỉnh Bình Dương và không bằng 1/3 doanh thu từ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại tỉnh Vĩnh Long).

 

Rất đông bạn đọc đến với Hội sách tháng 3 ở Bảo tàng Phụ Nữ (Hà Nội)
Rất đông bạn đọc đến với Hội sách tháng 3 ở Bảo tàng Phụ Nữ (Hà Nội)

 

Ít tiền thì đã rõ nhưng các hội sách có những lợi ích không tính bằng số thu cụ thể vì là nơi các nhà sách kiếm tiền và cũng là nơi truyền bá kiến thức cho quần chúng. Suất đầu tư cho sách thấp hơn nhiều những lĩnh vực văn hóa - thông tin khác nên khai thác lợi ích của hội sách có “lời” không kém, thậm chí là hơn các liên hoan phim đắt đỏ hay các chương trình biểu diễn ca nhạc cồng kềnh thiết bị và kén chọn mặt bằng.

Các hội sách đều là dịp các NXB và nhà sách tổ chức các buổi ra mắt tác phẩm, giao lưu tác giả, ký tặng sách và tiếp thị sách mới. Không phải ngẫu nhiên mà các đơn vị làm sách dồn sức cho các hội sách lớn vì ngoài lợi về doanh số, còn là cơ hội quảng bá thương hiệu.

Đừng để nhàm chán

Khó mà nói số sách bán ra phản ánh chính xác mối quan tâm của độc giả. Trong Hội sách mùa Xuân diễn ra vào tháng 3, loại sách đồng giá dưới 10.000 đồng và sách giảm giá 50% của các NXB Trẻ, Kim Đồng và Phụ Nữ bán rất chạy, thậm chí gần hết sạch. Nhưng đến hội sách Ngày Sách Việt Nam 1 tháng sau đó, lượng sách giảm giá chỉ vơi được một nửa.

Với tốc độ hội sách dày đặc như hiện nay, nhu cầu mua sách hạ giá của độc giả sẽ chậm dần, họ sẽ cân nhắc hơn trong việc mua cuốn nào để kịp đọc và không làm chật nhà. Doanh số của 3 NXB vừa nói trong Hội sách mùa Xuân rất cao nhưng do đã “no” nên 1 tháng sau đó, độc giả chỉ còn đi tìm những cuốn mới và chưa kịp mua lần trước. Cộng thêm vào đó, năng lực làm sách của các nhà sách cũng có hạn.

Việc tổ chức tọa đàm, giao lưu tại hội sách là một việc nếu không khéo chỉ như những bình hoa trang trí bên cạnh việc bán sách. Những không gian mở như Công viên Lê Văn Tám (TP HCM) vốn không có hội trường nên các buổi giao lưu diễn ra trong thời tiết nóng nực và ồn ào, chất lượng giao lưu bị giảm và trở thành những buổi diễn thuyết suông.

Dạo qua các gian hàng sách, người ta thấy đa số vẫn là không khí chung chung “kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước” hoặc các dòng sách thời thượng: chiêm tinh cho giới trẻ, ngôn tình, truyện kỳ ảo... Dù quy mô lớn nhưng hội sách vừa qua chỉ có các nhà sách địa bàn Hà Nội tham gia, không có đơn vị nào của TP HCM ngoài NXB Trẻ (Chi nhánh Hà Nội), FAHASA; không có đơn vị nước ngoài nào. Hội sách cơ bản vẫn là một sự biến đổi về cách thức phát hành đến tay người đọc, giống như những đại siêu thị sách. Ưu điểm là tính chất bình dân và sự cập nhật của chúng.

Sân chơi lành mạnh

Gần đây, sách ngôn tình Trung Quốc đã bị quy kết như thủ phạm ảnh hưởng tới văn hóa đọc của giới trẻ. Thay vào đó đã có dòng sách của tác giả trẻ Việt viết với lối văn vừa khẩu vị những đồng trang lứa vốn quen sách ngôn tình. Không có gì lạ khi người lớn Việt Nam say mê xem phim truyền hình Trung Quốc toàn truyện cổ trang thần tiên thì người trẻ lại không đồng cảm với những tình yêu của những “hủ nữ”, “đam mỹ”, những mối tình đầy huyễn tưởng.

Dòng sách “giả ngôn tình” Việt 1-2 năm trước đã có mặt đều đều trên các giá sách, là át chủ bài của các nhà sách, thậm chí nuôi các đơn vị này để có tiền làm sách “người già”. Những chuyện tình điệu đà, sầu muộn, tâm bệnh của các cuốn sách kia mang hấp lực của trái cấm. Những cuốn như Buồn làm sao buông, Lạc lối giữa cô đơn... đã hiện diện ở các hội sách một cách khá ồn ào và dường như đem lại cho bạn đọc trẻ giấc mơ lung linh mà có vẻ như gần gũi hơn với thế hệ trước. Hội sách đã trở thành thảm đỏ mới cho các cây bút trẻ Việt. Sự thật là phụ huynh vẫn nghĩ con em đi hội sách lành mạnh hơn vào rạp xem phim.

 

Sách đâu dễ “chết”

Chỉ có sách và sách!

Là người viết sách, do đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là giới trẻ, học sinh và sinh viên, từ lâu, tôi đã khẳng định mà không sợ võ đoán rằng văn hóa đọc chưa bao giờ bị lãng quên và độc giả cũng chưa bao giờ quay lưng lại với sách.

Vấn đề là sách nào, sách ấy được viết ra làm sao và người viết có tận tâm, tận sức coi trọng người đọc hay không. Thác lũ thông tin ư? Phim ảnh, game show, internet ư? Vẫn có cả đấy và năng lực hủy diệt văn hóa đọc của nó cũng ghê gớm lắm đấy nhưng tự một góc sâu xa nhất trong tâm hồn, con người vẫn phải cần các con chữ, chỉ có các con chữ mới làm cho sức tưởng tượng của người đọc được mở hết đường biên thăng hoa. Trong dòng chảy cuộc đời liệu có sức mạnh thông tin nào thay thế được sáng mùa đông còn nằm ủ trong chăn ấy, cô gái mở cuốn sách đọc từng dòng, từng dòng và bỗng thấy lòng mình trải ra, tâm hồn như được phù sa đắp đổi dịu dàng? Không, không có một thể loại nào có thể thay thế được trí tưởng tượng và bản chất lãng mạn của con người.

Chỉ có sách và sách. Tất nhiên vẫn phải nhắc lại rằng cuốn sách ấy được viết ra như thế nào và người viết sách lao động với cường độ ra sao.

Nhà văn Chu Lai

 

Người đọc còn đông

Đúng là lâu nay không chỉ những người viết sách mà rất nhiều những người yêu sách (in) đều tỏ ra lo lắng, nhiều lo lắng hơi thái quá, nhiều bi quan hơi sẫm màu khi nghĩ tới số phận của sách trong thời các thiết bị di động lên ngôi. Nhiều người lo rồi sẽ chẳng ai đọc sách nữa, sách in ra không biết bán cho ai. Người ta dẫn chứng cả xu hướng thế giới cho nỗi lo này.

Vậy mà mấy năm qua ở Việt Nam, nhất là ở các TP lớn như TP HCM, Hà Nội, bây giờ là cả Đà Nẵng, tổ chức các hội chợ sách, đường sách, ngày sách... thì kết quả khiến mọi người sửng sốt. Hóa ra người yêu sách, người mua sách, người đọc sách ở nước ta còn “đông hơn quân... ta” và trải ra nhiều thế hệ chứ không bó riêng một thế hệ nào. Nhất là với thế hệ trẻ, những người xài quen các thiết bị di động để đọc, để chơi còn nhanh hơn thò tay vào túi lấy kẹo, vậy mà họ đã nô nức tới các hội sách không chỉ để đọc mà còn để mua sách, bằng tiền mà họ có thể dùng cho các nhu cầu khác. Sách đã, đang và vẫn là nhu cầu của họ. Đó là điều khiến tôi vui nhất.

Khi người ta tự bỏ tiền túi ra mua cái gì thì nhất định nó phải có lý do và tầm quan trọng với người mua. Có thể mua sách để chơi, để bày trong tủ sách cho đẹp nhưng nhiều hơn, nhiều nhất là mua sách để đọc, sau đó mới đưa vào tủ sách cá nhân, tủ sách gia đình. Hà Nội trong mấy ngày tổ chức hội chợ sách bán được 13 tỉ đồng tiền sách. Người Hà Nội biết bảo vệ cây xanh và biết yêu sách. Người TP HCM cũng vậy. Đó là niềm vui lớn nhất cho tất cả những người Việt Nam yêu sách.

Nhà thơ Thanh Thảo

 

Luôn tin độc giả

“Qua ba điểm không thẳng hàng, ta luôn có một mặt phẳng và chỉ một mà thôi” - tiên đề Euclid trong hình học không gian. Dân gian Việt Nam thì nói rằng: “... Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.  Kiềng ba chân vững là do theo đúng tiên đề chứ bốn chân thì chưa chắc luôn cùng một mặt phẳng. Chuyện làm sách, theo tôi, cũng tương tự thế. Ba nhân tố không thể thiếu được trong một quy trình xuất bản hoàn chỉnh, bao gồm: tác giả, dịch giả (nhân tố đầu vào); người làm sách (nhân tố trung gian bao gồm cả 3 khâu: xuất bản, in, phát hành) và bạn đọc (người tiêu dùng cuối cùng). Theo tôi, thoạt nhìn, ba nhân tố này như ba điểm không thẳng hàng vì có xuất phát điểm nhu cầu không giống nhau nhưng tựu trung đều nằm trên một mặt phẳng chung. Mặt phẳng đó là nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức. Từ nội tâm và qua thực tiễn, chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng: Khi nào con người còn hướng thượng, còn khát khao hoàn thiện bản thân mình thì còn tìm đến sách. Người Việt Nam ta cũng không ngoại lệ. Thực tế đã có rất nhiều ví dụ và sự thành công của các hoạt động xung quanh Ngày Sách Việt Nam (21-4) tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) và tại đường Nguyễn Văn Bình (TP HCM) cùng các địa phương khác đã góp phần chứng minh thêm cho điều này.

Một thực tế khác là một bộ phận các bạn trẻ đã thật sự có thay đổi cách đọc từ truyền thống sang hiện đại. Tôi tin rằng hai cách đọc mới và cũ sẽ tồn tại song hành cùng quá trình phát triển của loài người, ít nhất là một thời gian dài như sự tồn tại của tivi và radio hiện nay.

Tóm lại, chúng tôi luôn tin vào độc giả. Bạn đọc vừa là động lực vừa là mục tiêu để chúng tôi phấn đấu làm nghề. Khi nào con người còn hướng thượng thì con người còn tìm đến sách với nhiều thể loại, từ sách giấy truyền thống đến sách điện tử hiện đại.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo