xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phát triển công nghiệp tái chế: Nhiều lợi ích

Bài và ảnh: Hồng Thúy

Ngành công nghiệp tái chế trong tương lai góp phần tiết kiệm tài nguyên rừng, sắt thép, nhựa, tạo ra năng lượng tái tạo, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động

Việc tái chế rác sinh hoạt, công nghiệp, y tế… từ các nguồn trên cả nước hiện đang được thực hiện bởi những cơ sở nhỏ lẻ, phân tán, công nghệ xử lý lạc hậu; hầu hết không có hệ thống xử lý nước thải, xử lý khí thải. Các cơ sở này chủ yếu nằm xen lẫn trong khu dân cư, gây ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước trong môi trường.

Tiết kiệm tài nguyên và năng lượng

Nguyên liệu sản xuất giấy chủ yếu lấy từ gỗ rừng trồng. Để sản xuất 1 tấn bột giấy, chúng ta cần khai thác từ 2,8-3 m3 gỗ cây keo lai và thời gian trồng có thể khai thác mất 5-7 năm. Do gỗ khai thác từ rừng trồng hạn chế, trong mấy năm gần đây ngành sản xuất giấy Việt Nam đã dùng giấy phế liệu thay thế gỗ cây keo lai. Tuy nhiên, giấy phế liệu ở Việt Nam hiện mới đáp ứng được 20% nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy, số còn lại phải nhập khẩu. Ông Dương Văn Cào, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Xuân Đức TP HCM, cho biết các doanh nghiệp trong ngành sản xuất giấy ngoài việc thu mua giấy phế liệu trong nước phục vụ cho tái chế, còn phải nhập khẩu giấy thải loại từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore và các nước châu Phi. Theo các nhà sản xuất, giấy phế liệu nhập khẩu có giá cao hơn giấy phế liệu trong nước nhưng hầu hết các công ty đều phải nhập để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Còn theo ông Phan Minh Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Mai, ngành phế liệu hiện không đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà máy tái chế giấy trong nước do việc thu mua phế liệu mang tính tự phát từ các vựa ve chai. Việt Nam chưa hình thành ngành thu gom các loại phế liệu một cách chuyên nghiệp như các nước. Ngành công nghiệp tái chế trong tương lai sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên rừng, sắt thép, nhựa; tạo ra năng lượng tái tạo, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
img
Bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty VWS, hướng dẫn đoàn của Bộ Xây dựng tham quan nhà máy phân loại tái chế phế liệu

Tìm lời giải cho bài toán nguyên liệu ngành tái chế

Theo quy hoạch phát triển ngành nhựa của Bộ Công Thương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, một trong những định hướng phát triển ngành nhựa là khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải. Theo đó, Công ty CP Nhựa Việt Nam (Vinaplast) có kế hoạch hợp tác với Công ty Merlin Plastics (Canada) thành lập liên doanh đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý phế liệu nhựa tại Hưng Yên và Bình Dương. Công suất mỗi nhà máy khoảng 50.000 tấn/năm. Mới đây, dự án đã điều chỉnh công suất nhà máy xuống 40.000 tấn/năm, với vốn đầu tư khoảng 450 tỉ đồng. Tuy vậy, dự án này hiện còn... nằm trên giấy. Nguyên nhân của việc chậm triển khai dự án là do không đủ nguồn nguyên liệu cho tái chế. Phế liệu chủ yếu từ các vựa ve chai nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư, các doanh nghiệp tái chế cũng có hệ thống thu gom riêng nhưng không thể đủ phế liệu. Hệ thống thu gom phế liệu của nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa được tổ chức quy mô lớn như các nước tiên tiến. Việc thu gom phế liệu mạnh ai nấy làm, mỗi cơ sở, mỗi chủ vựa phân loại phế liệu theo kiểu của mình, không theo một chuẩn nào. Do đó bài toán cho nguồn nguyên liệu của ngành tái chế vẫn chưa có lời giải.
img
Công ty CP Giấy Xuân Đức phải nhập khẩu phế liệu giá cao từ nước ngoài mới đáp ứng đủ nguyên liệu cho việc sản xuất giấy

Năm 2006, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), chủ đầu tư Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, đã xây dựng nhà máy phân loại phế liệu tái chế theo công nghệ của Hoa Kỳ, công suất 500 tấn/ngày trong Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước theo hợp đồng đã được ký kết với UBND TP HCM. Tổng kinh phí đầu tư cho nhà máy phân loại này hơn 10 triệu USD từ vốn vay. Dây chuyền của nhà máy đã lắp đặt hoàn chỉnh nhưng vì thành phố chưa có chương trình phân loại rác tại nguồn nên đến nay chưa có nguồn rác tái chế cho nhà máy hoạt động. Do vậy, vừa qua VWS đã đề xuất UBND TP HCM có hướng để nhà máy này có thể đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho người dân địa phương trong thời gian chờ đợi chương trình phân loại rác tại nguồn của thành phố để tránh lãng phí trong đầu tư. Ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty VWS, cho rằng giải pháp tái chế và việc xuất - nhập khẩu phế liệu được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển, rất cần được khuyến khích tại Việt Nam để phục vụ sản xuất trong nước. Theo ông, điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên mà còn giải quyết việc làm cho xã hội.

Trước thực trạng các nhà máy tái chế phế liệu đã, đang và dự định đầu tư để xử lý hàng ngàn tấn rác thải đang đổ ra môi trường hằng ngày gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, các địa phương cần sớm triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái chế và sử dụng nguồn nguyên liệu từ tái chế; quản lý các cơ sở thu gom phế liệu về một đầu mối; quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ các cơ sở tái chế nhỏ lẻ nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Mỹ: 90 tỉ USD/năm từ tái chế phế liệu
Ngành tái chế phế liệu ở Mỹ mỗi năm đem về doanh thu trên 90 tỉ USD, ở Trung Quốc đem về hàng tỉ USD. Nó không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường. Ngành tái chế phế liệu phát triển sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác như: giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh…
Ở các nước phát triển, các hiệp hội của những doanh nghiệp chuyên về thu gom và phân loại phế liệu hoạt động rất chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp này cung cấp rất ổn định nguồn nguyên liệu phế liệu cho thị trường thế giới. Thu gom và tái chế phế liệu là ngành rất phát triển ở các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, ... Ngành này luôn đem lại doanh thu và lợi nhuận cao bất kể tình hình kinh tế tăng hay giảm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo