xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bầu “chủ tịch” là vì học sinh!?

YẾN ANH thực hiện

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những quy định mới trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học, trong đó có việc bầu chủ tịch hội đồng tự quản

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng thay lớp trưởng bằng chủ tịch là việc không cần thiết, làm nhen nhóm tư tưởng háo danh ở con trẻ. Ông nghĩ sao?

img

- Ông Phạm Ngọc Định: Đây không phải quy định mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nghĩ ra để áp đặt vào các trường mà xuất phát từ thực tiễn triển khai mô hình trường học mới nằm trong khuôn khổ dự án VNEN. Đây là mô hình đã thực hiện thành công ở nhiều nước và được Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm tại 1.500 trường tiểu học đầu tiên cách đây 3 năm.

Một trong những điểm nổi bật của mô hình này là việc cho phép học sinh bình bầu hội đồng tự quản hoạt động vì học sinh. Chúng tôi không quy định cứng nhắc bỏ chức lớp trưởng, lớp phó thay bằng chức chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản đối với tất cả các trường tiểu học mà cho phép các trường tham gia mô hình trường học mới thực hiện việc này. Các trường có thể hướng dẫn học sinh bầu hội đồng tự quản luân phiên theo tháng hoặc học kỳ, năm để nhiều học sinh được tham gia hoạt động tập thể. Học sinh trong hội đồng tự quản không chỉ tuân thủ những yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm một cách cứng nhắc như vai trò của lớp trưởng, lớp phó của các lớp học truyền thống mà các em có thể đề đạt lên giáo viên, lên nhà trường những ý kiến thu thập từ bạn hoặc ý kiến cá nhân về các hoạt động của trường, của lớp, về cách thức tự quản, điều hành lớp/ban, góp ý cho các bạn. Thầy cô giáo và phụ huynh chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ. Đây là cách để học sinh tự tin, năng động, có trách nhiệm với tập thể và cá nhân mình, biết hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.

Học sinh của một trường tiểu học tại Hà Nội Ảnh: YẾN ANH

Học sinh của một trường tiểu học tại Hà Nội Ảnh: YẾN ANH

Trên thực tế, chúng ta có thể hỏi bất cứ phụ huynh nào có con từng được học mô hình trên đều thấy không hề có chuyện “nhen nhóm lòng háo danh” như một số người đề cập. Nói như vậy là chúng ta đang áp đặt quan điểm suy nghĩ thông thường của người lớn vào con trẻ mà không hiểu bản chất vấn đề.

Các chức danh của hội đồng tự quản lớp học không có bất cứ quyền lợi gì mà chỉ đơn giản là vị trí mà học sinh tự bầu lên để cùng nhau quản lý lớp học, cùng học tập, hoạt động trong bầu không khí dân chủ.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc bắt các em nhỏ làm những chức vụ to tát như chủ tịch, phó chủ tịch là quá sức các em, trong khi trẻ cần được sống hồn nhiên, trong sáng, tập trung vào học hành?

- Muốn biết “to tát” hay không thì phải tìm hiểu các quy định, phải nhìn vào hoạt động thực tế của học sinh chứ không thể suy luận từ tên gọi của các chức danh này. Thực tế đã chứng tỏ hội đồng tự quản trong lớp học như mô hình trường học mới không những không làm mất sự hồn nhiên, trong sáng mà còn khích lệ, nuôi dưỡng sự hồn nhiên trong sáng của các em học sinh. Bởi ở đây các em sẽ không bị áp đặt cứng nhắc, không sợ hãi, không lo phải giấu giếm suy nghĩ cá nhân mà ngược lại, được làm quen với việc nói lên suy nghĩ của mình, trao đổi, thảo luận, xây dựng các hoạt động của lớp và tự nguyện tham gia, nhận xét về bản thân và bạn bè. Điều này giáo dục các em học sinh biết sống tự tin, tự lập, thẳng thắn, chủ động. Nếu duy trì được thì con trẻ của chúng ta sẽ sửa chữa được nhiều khiếm khuyết mà các thế hệ học sinh trước đó thường có như sự thụ động, né tránh, không có chính kiến, không dám phản biện, thuyết phục, không có tinh thần tập thể, bàng quan với mọi vấn đề của bạn bè và cuộc sống xung quanh…

Trẻ em chưa phải là người lớn, đừng nghĩ rằng các em phải chạy đua để được vào vị trí chủ tịch, phó chủ tịch như người lớn đã từng làm ở đâu đó vì còn có vai trò của giáo viên. Trái lại, công việc của các em trong hội đồng tự quản là những việc gần gũi với hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi của các em.

Dự thảo điều lệ học sinh tiểu học vẫn giữ quy định trong điều lệ đã ban hành về sĩ số không quá 35 học sinh/lớp nhưng trên thực tế nhiều nơi con số này là trên 50. Quy định đã lạc hậu, tại sao không thay đổi, thưa ông?

- Đúng là tại một số trường ở thành phố lớn, sĩ số học sinh/lớp của một số trường tiểu học ở mức cao, nhiều nơi trên 50 học sinh/lớp. Tuy nhiên, Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành áp dụng trên toàn quốc, căn cứ vào mục đích, chương trình giáo dục và đối tượng học sinh chứ không thể căn cứ vào tình trạng ở một số nhà trường để “nắn” quy định theo. Với chương trình giáo dục tiểu học hiện hành, việc quy định sĩ số không quá 35 học sinh/lớp là phù hợp với khả năng đầu tư, yêu cầu dạy học, tâm sinh lý học sinh và khả năng bao quát, thực hiện nhiệm vụ dạy học của giáo viên.

Ở những nơi có sĩ số vượt quá quy định này, lãnh đạo ngành GD-ĐT của các địa phương đó phải có giải pháp và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường cơ sở vật chất, giáo viên, mở rộng mạng lưới trường học, thực hiện nghiêm túc quy định tuyển sinh để bảo đảm thực hiện đúng quy định này. Cá nhân tôi đề xuất ở những nơi tạm thời chưa giảm được sĩ số học sinh như quy định thì cấp chính quyền hỗ trợ ngành giáo dục có thể bố trí 2 giáo viên/lớp.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo