xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần “quản” học phí ĐH ngoài công lập

Thùy Vinh

Nếu cứ buông lỏng việc kiểm soát học phí đối với trường ĐH ngoài công lập như hiện nay thì gánh nặng và thiệt thòi đổ trên đầu sinh viên nghèo

Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã công bố mức học phí trước mùa tuyển sinh năm học 2009-2010. Trong đó, có những trường mức học phí cao đến “chóng mặt”, như Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, học phí bình quân là 45 triệu đồng/năm, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn là 5.200 - 5.700 USD/năm (chương trình tiếng Anh), 2.000 - 2.300 USD/năm (chương trình tiếng Việt), Trường ĐH Hoa Sen 19,5 triệu đồng/năm, ĐH Hồng Bàng 7-14 triệu đồng/năm, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM 9,8-10 triệu đồng/năm...


Siêu lợi nhuận?


Nếu so với mức trần học phí của các trường ĐH, CĐ công lập hiện nay, thì mức thu học phí của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cao gấp 2,5 đến 50 lần.


Thế nhưng trong thực tế, sinh viên (SV) không chỉ đóng học phí mà còn “cõng” thêm rất nhiều khoản tiền khác. Ví dụ, SV Trường ĐH Marketing phải đóng tiền thực hành phòng máy 5.000 đồng/tiết, tiền làm thẻ SV 50.000 đồng/thẻ... Ngoài ra, trường ĐH này cũng quy định học phí học chậm, học vượt, học thêm đối với SV ngưng tiến độ hoặc học hai chương trình là 110.000 đồng/đơn vị học trình. Đó cũng là mức học phí phải đóng đối với SV học lại và thi trả nợ môn học. Không chỉ có thế, năm thứ 4, SV còn phải đóng thêm 1 triệu đồng tiền ôn và thi tốt nghiệp...


Bên cạnh đó, hiện nay dù công bố mức học phí theo học kỳ hoặc năm học, nhưng thực tế hầu hết các trường đã chuyển qua học chế tín chỉ và thu học phí theo tiết học. Nếu trước đây, SV Trường ĐH Hùng Vương phải đóng học phí theo học kỳ (trung bình 3,5 triệu đồng/học kỳ) thì nay theo học chế tín chỉ, SV phải đóng học phí 7.500 đồng/tiết.

img
Thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Hồng Bàng năm 2008 nộp hồ sơ và đóng học phí. Ảnh: N.HỮU


Do đó, một số ngành số tiền học phí đã tăng lên, ví dụ học kỳ I năm 2008-2009, SV ngành công nghệ sau thu hoạch khóa 2006 phải đóng 3.712.500 đồng tương đương với 495 tiết học, hay SV ngành du lịch khóa 2007 phải đóng học phí 3.562.500 đồng tương đương với 475 tiết học...


Dù học phí 45 triệu đồng/năm nhưng năm đầu tiên, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM vẫn tuyển được 200 SV. Tổng học phí thu được của trường này là 9 tỉ đồng, tương đương với mức thu học phí của 1.500 SV ở một trường ĐH có mức học phí khoảng 6 triệu đồng/năm.

“Kinh doanh giáo dục quả là siêu lợi nhuận!”, một vị giáo sư có nhiều nghiên cứu về giáo dục ĐH đã thốt lên như vậy bên lề buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Tư duy giáo dục” tổ chức sáng 29-4 tại TPHCM. Vị giáo sư này tính toán: “Mức chi thực tế cho mỗi SV hiện nay tại các trường ĐH ngoài công lập trung bình chưa đến 4 triệu đồng/SV/năm. Do đó, mỗi trường ít nhất sẽ lời khoảng 1 triệu đồng/SV/năm”.


Phải kiểm toán


Theo vị giáo sư trên, dịch vụ giáo dục, kể cả giáo dục ĐH không thể “đối xử” như hàng hóa thông thường. Đặc biệt trong hoàn cảnh cung thấp xa so với cầu như hiện nay, đã tạo ra thực trạng: mỗi cơ sở giáo dục đều mang sắc thái độc quyền. Vì vậy, Nhà nước, mà cụ thể là Bộ GD-ĐT vẫn phải can thiệp ở mức độ phù hợp, không nên để các trường ĐH tự quy định mức học phí như hiện nay.

Bộ nên tiến hành kiểm tra, đánh giá mức học phí của từng trường, chấp nhận năm sau tăng hơn năm trước 10% chẳng hạn, nhưng các trường phải đảm bảo công khai, minh bạch học phí. Tất cả các trường đều phải báo cáo tài chính, phải được kiểm định và công khai cho dân biết, chứ không để tình trạng mờ mờ, ảo ảo như hiện nay.


Nhiều nhà giáo đã lên tiếng cho rằng nếu các trường không chứng minh được tài chính rõ ràng, cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo không tương thích với học phí, thì bộ mạnh tay quyết định dừng tuyển sinh, hoặc cho tuyển sinh một nửa so với năm trước.


Theo ông Nguyễn Quang Toản, Chủ tịch Hội Chất lượng TPHCM, Viện trưởng Viện IQAD, nếu các trường không lập được giá thành đào tạo, không phân tích cơ cấu thu chi thì làm sao SV biết trường đó có phát triển bền vững hay không. Trong khi đó, PGS-TS Trần Hữu Tá, nguyên chủ nhiệm Khoa Văn ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng cần phải tiến hành kiểm toán các trường ĐH ngoài công lập, phải làm mạnh tay, kể cả vấn đề hậu kiểm.


Theo PGS-TS Trần Hữu Tá, bộ cần có ý kiến về vấn đề học phí cũng như chia từng loại trường, ví dụ trường về kỹ thuật, trường về khoa học cơ bản... để đề ra mức học phí phù hợp. Nếu cứ buông lỏng việc kiểm soát học phí đối với trường ĐH ngoài công lập như hiện nay thì gánh nặng và thiệt thòi đổ trên đầu SV nghèo mà thôi!

Công khai vẫn chưa đủ

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ngoài công lập công khai học phí trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2009. Đây là một bước tiến nhằm giúp thí sinh có sự cân nhắc tài chính trước khi chọn trường dự thi.

Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra dự thảo quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, cơ sở giáo dục ĐH phải công khai mức thu học phí và các khoản thu khác cho từng năm học và dự kiến cả khóa học. Điều này bảo đảm cho người học ước lượng khả năng tài chính của mình để theo đuổi khóa học cũng như “ràng buộc” cơ sở đào tạo không tự tiện tăng học phí giữa chừng mà thực tế vừa qua đã xảy ra vài trường hợp ở trường ngoài công lập khiến sinh viên phản ứng gay gắt.

Như vậy, công khai học phí trường ngoài công lập là cần. Nhưng đặt trong bối cảnh giáo dục ĐH hiện nay, có thể thấy rằng công khai vẫn chưa đủ. Mục đích công khai học phí là để người học có sự chọn lựa phù hợp hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, số chỗ học ĐH hiện nay vẫn còn hạn chế, hằng năm chỉ có khoảng 20%-30% học sinh tốt nghiệp lớp 12 được vào ĐH. Như vậy, sự lựa chọn chỉ có ý nghĩa tương đối. Trong hoàn cảnh như vậy, rất cần sự quản lý chặt chẽ của Bộ GD-ĐT bằng nhiều công cụ như: quy định trần học phí, kiểm định chất lượng, dừng tuyển sinh nếu chất lượng kém mà học phí cao...

Diệu Hằng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo