xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lo lắng với cấu trúc đề thi đề xuất

Huỳnh Minh Cảnh (Sở GD-ĐT Tiền Giang)

(NLĐO) – Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 môn ngữ văn sẽ hoàn toàn dựa vào mẫu đề thi do PGS-TS Đỗ Ngọc Thống đề xuất. Tuy nhiên, đọc đề thi đề xuất này, giáo viên và học sinh không khỏi lo lắng.

Ngày 15-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã gửi công văn số 1933 /BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đối với môn ngữ văn nhằm “kịp thời giúp giáo viên, học sinh ôn thi tốt môn học này cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014”.

 

img

 

Theo công văn này, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 môn ngữ văn sẽ hoàn toàn dựa vào mẫu đề thi do PGS-TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT - đề xuất trước đó. Tuy nhiên, đọc đề thi đề xuất này, giáo viên và học sinh không khỏi lo lắng.

Cấu trúc đề thi môn văn do PGS-TS Đỗ Ngọc Thống đề xuất:

 

Đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn (120 phút, không kể thời gian phát đề)

1) Đọc và trả lời các câu hỏi sau (6/20 điểm)

a) Đây là một đoạn văn nháp, trong đó còn mắc phải một số lỗi về ngữ pháp, chính tả, dùng từ, logic... Anh, chị hãy chỉ ra những sai sót đó. (2 điểm)

Đoạn văn nháp: “... cái nhìn của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên là một sinh thể có linh hồn với những tính cách đối địch: vừa hung bạo, vừa dữ rằn. Đây là lối nhân cách hóa những đặc điểm vốn có của giòng sông thiên nhiên mà chực quan có thể nhìn thấy”.

b) Đoạn văn sau nói về vấn đề gì? Hãy đặt tên cho đoạn trích. (2 điểm)

“Ở người lớn tuổi ít vận động cơ bắp, nếu chế độ ăn giàu chất colesteron (thịt, trứng, sữa...) sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh xơ vữa động mạch. Ở bệnh này, colesteron ngấm vào thành mạch kèm theo các ion canxi làm cho mạch bị hẹp lại, không còn nhẵn như trước, xơ cứng và vữa ra.

Động mạch xơ vữa làm cho sự vận chuyển máu trong mạch khó khăn, tiểu cầu dễ bị vỡ và hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Động mạch xơ vữa còn dễ bị vỡ gây các tai biến trầm trọng như xuất huyết dạ dày, xuất huyết não, thậm chí gây chết người”.

(Sinh học - lớp 8. NXB Giáo Dục 2007)

c) Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của chúng trong đoạn thơ sau (2 điểm):

“Chúng đem bom ngàn cân

Dội lên trang giấy trắng

Mỏng như một ánh trăng ngần

Hiền như lá mọc mùa xuân”

(Trang giấy học trò - Chính Hữu)

2. Cho tình huống sau: Giả sử trong những ngày tháng 5 lịch sử, tại mảnh đất Điện Biên hôm nay anh, chị được gặp một người anh hùng trong chiến dịch Điện Biên năm xưa... Anh, chị và người ấy sẽ nói với nhau chuyện gì? Đi thăm những nơi nào? Hãy ghi lại điều đó và phát biểu những suy nghĩ, cảm xúc của mình sau cuộc gặp gỡ ấy. (7/20 điểm)

3. Viết về một nhân vật trong tác phẩm văn học đã để lại cho anh, chị nhiều ấn tượng sâu đậm. (7/20 điểm)

Hoặc: Viết một bài văn trả lời câu hỏi: Cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu thơ ca? (7/20 điểm)

Hoặc: Ngôn ngữ thơ Việt Nam rất giàu nhạc tính. Anh, chị hãy viết bài văn làm sáng tỏ nhận định đó qua một đoạn thơ tự chọn. (7/20 điểm)

 

Với góc độ một giáo viên ngữ văn, chúng tôi xin mạo muội đóng góp một số ý kiến đối với đề thi “mẫu” trên đây, mong được sự trao đổi, góp ý của quý bạn đọc.

Một là, về tính khoa học, độ chính xác của đề thi. Đoạn thơ ở câu 1c có những sai sót không thể chấp nhận. Trong tập thơ “Đầu súng trăng treo” của tác giả Chính Hữu do Nhà xuất bản Văn học in lần thứ ba năm 1984 thì bài thơ “Trang giấy học trò” trang 52 in như sau:

“Chúng đem bom nghìn cân

Giội lên trang giấy

Mỏng như một ánh trăng ngần

Hiền như lá mọc mùa xuân .”

Dòng thơ thứ nhất ở bản in này có từ “nghìn” chứ không có từ “ngàn”. Dòng thơ thứ hai có từ “Giội” chứ không có từ “Dội” và ở dòng thơ này không có từ “trắng”. Cuối dòng thơ thứ tư phải có dấu chấm câu.

Trong thơ, một dấu phẩy, một dấu chấm cũng có giá trị nghệ thuật, đặc biệt là khi tùy tiện thêm từ “trắng” vào dòng thơ thứ hai sẽ làm hỏng câu thơ và “hỏng” cả bài thơ (nhất là làm hỏng luôn cả bài làm của học sinh và đáp án câu 1c)! Bởi “trang giấy học trò” ở đây là những trang giấy đã đầy kín chữ học trò, chứa đầy những tri thức, tâm tư tình cảm, khác với trang giấy trắng thường được hiểu là tờ giấy mới chưa sử dụng. Cũng xét về tính khoa học, người ra đề buộc phải ghi rõ nguồn khi trích dẫn để tránh sai sót đáng tiếc.

 

img

 

Hai là, về tính sư phạm, đề thi phải nằm trong chương trình và nội dung dạy – học. Một số câu hỏi trong đề thi đề xuất có vẻ không phù hợp với chương trình môn ngữ văn bậc THPT. Câu 1a và 1b thường gặp ở chương trình bậc tiểu học và THCS. Hơn nữa, ở một kỳ thi tốt nghiệp trung học dành cho học sinh đã học xong lớp 12, với thời lượng ít ỏi như thế, có cần phải đặt ra thêm 2 câu hỏi chỉ để nhằm kiểm tra các “lỗi về ngữ pháp, chính tả, dùng từ, logic” và khả năng xác định “Đoạn văn sau nói về vấn đề gì” hay khả năng “đặt tên cho đoạn trích”? Các khả năng này hoàn toàn có thể được kiểm tra và đánh giá một cách tích hợp và lồng ghép qua 2 bài viết nghị luận xã hội và nghị luận văn học của thí sinh trong đề thi này!

Nội dung ở câu 2 cũng không phù hợp với chương trình môn ngữ văn bậc THPT. Đề thi yêu cầu học sinh tưởng tượng tình huống “tại mảnh đất Điện Biên hôm nay anh, chị được gặp một người anh hùng trong chiến dịch Điện Biên năm xưa... Anh, chị và người ấy sẽ nói với nhau chuyện gì? Đi thăm những nơi nào?” (?) Những kiến thức cần thiết để giải quyết câu 2 không được học trong chương trình môn ngữ văn, hơn nữa nội dung câu hỏi quá thiên về một địa phương. Trong một cuộc thi dành cho đối tượng của nhiều địa phương, đề thi nên tránh sự thiên vị không đáng có!

Câu 3 có đến 3 đề mẫu. Đề mẫu thứ hai: “Viết một bài văn trả lời câu hỏi: Cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu thơ ca?” và đề mẫu thứ ba: “Ngôn ngữ thơ Việt Nam rất giàu nhạc tính. Anh, chị hãy viết bài văn làm sáng tỏ nhận định đó qua một đoạn thơ tự chọn”. Hai đề mẫu này nói đến vai trò của thơ ca đối với cuộc sống và tính nhạc của ngôn ngữ thơ Việt Nam. Hai nội dung này không được dạy và học một cách tường minh trong chương trình môn ngữ văn bậc trung học cho nên học sinh sẽ không đủ khả năng để viết đầy đủ thành một bài văn. Riêng đề mẫu thứ nhất: “Viết về một nhân vật trong tác phẩm văn học đã để lại cho anh, chị nhiều ấn tượng sâu đậm.” thì bám rất sát chương trình và nội dung dạy học. Tuy nhiên theo yêu cầu nhằm khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép nguyên si tài liệu của công văn số 1933 /BGDĐT-GDTrH đã nêu trên đây thì không nên ra những mẫu đề tự chọn như thế này.

Cuối cùng, về tính thẩm mỹ: Với đặc trưng bộ môn, đề thi môn ngữ văn luôn luôn cần khơi gợi những hình ảnh, ý nghĩa đẹp. Nên tránh đưa vào đề thi những từ ngữ phản cảm kiểu như: “xơ vữa động mạch; tắc mạch; tai biến trầm trọng như xuất huyết...”. Muốn biết “Đoạn văn sau nói về vấn đề gì? Hãy đặt tên cho đoạn trích.” như yêu cầu ở câu 1b, người ra đề hoàn toàn có thể chọn những ngữ liệu khác có tính gợi hình, gợi cảm, có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ hơn...

Trước khí thế cách tân của Bộ GD-ĐT thì những nhận xét trên đây có thể có phần cổ điển vì đã dựa vào các tiêu chuẩn “tính khoa học, tính sư phạm và tính thẩm mỹ” mà chúng tôi được học ở nhà trường sư phạm gần 40 năm trước. Tuy vậy theo thiển nghĩ, nếu Bộ GD-ĐT vẫn ra đề tốt nghiệp theo cấu trúc đề thi do PGS-TS Đỗ Ngọc Thống đề xuất như trên thì chỉ lo mùa thi năm nay sẽ có rất nhiều trang giấy trắng!

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo