xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rạng danh nước Việt

Lưu Nhi Dũ

Họ thuộc hai số phận, hai lĩnh vực nghiên cứu, hai thế hệ khác nhau. Năm 2009 đánh dấu một cột mốc rực rỡ trên con đường nghiên cứu khoa học của họ

Hai người tôi muốn đề cập là GS-TS Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn lừng danh và GS-TS Ngô Bảo Châu, nhà toán học nổi tiếng. Trong năm 2009, với những nghiên cứu được thế giới vinh danh, một lần nữa họ đã làm rạng danh nước Việt.

 

1. Năm 2009 là năm của GS-TS Trịnh Xuân Thuận - ông lại được vinh danh khi nhận giải thưởng Kalinga của UNESCO. Kalinga là giải thưởng dành cho những người có công phổ biến khoa học với cộng đồng, cải thiện phúc lợi con người và làm giàu thêm di sản cho nhân loại. Giải thưởng này, như giới khoa học đánh giá, không chỉ vinh danh bản thân ông mà còn làm rạng danh nước Việt.


Trước đó, năm 2007, GS-TS Trịnh Xuân Thuận còn vinh dự nhận được giải thưởng lớn Moron của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp với tác phẩm Những con đường ánh sáng - Vật lý và siêu hình học của ánh sáng và bóng tối. Đây là giải thưởng thường trao cho sách triết học hơn là khoa học.

Qua đó, chúng ta thấy những tác phẩm về khoa học của ông không chỉ là những vấn đề khoa học đơn thuần mà còn ẩn hiện tính nhân văn cao cả, tinh thần triết học thực tiễn và cả thi ca.


Chính ý nghĩa nhân văn, tính triết học phương Đông và tinh thần khoa học của Phật giáo đã giúp cho những tác phẩm của GS-TS Trịnh Xuân Thuận được công chúng đón nhận nồng nhiệt như: Giai điệu bí ẩn, Cái vô hạn trong lòng bàn tay... Hiện ông đang hoàn thành cuốn Từ điển về các vì sao.


GS-TS Trịnh Xuân Thuận được xem là một nhà khoa học thiên văn lớn. Ông cũng là người “khai sinh” I Zwicky 18, thiên hà trẻ nhất với chỉ 500 triệu năm tuổi. Những đóng góp trong ngành thiên văn đưa đến cho ông “đặc quyền” là một trong số ít người được xét duyệt cho các nhà nghiên cứu thiên văn sử dụng viễn vọng kính Hubber.

img
GS-TS Ngô Bảo Châu (bìa phải) khi nhận giải thưởng Clay. Ảnh: S.T


Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại ngoại thành Hà Nội. Bố ông là một viên chức thời Pháp thuộc, sau đó đến chính quyền Sài Gòn. Ông theo gia đình di chuyển theo nhiệm sở của bố, học ở Đà Lạt rồi Sài Gòn. Năm 1966, ông du học Thụy Sĩ, một năm sau đã nhận được học bổng của Học viện Công nghệ California, làm luận văn tiến sĩ tại ĐH Princeton. Từ năm 1976, ông là giáo sư tại Đại học Virginia – Mỹ cho đến nay.


Cuộc đời riêng của GS-TS Trịnh Xuân Thuận có câu chuyện khá đặc biệt. Sau ngày đất nước thống nhất, bố ông đi học tập cải tạo và bị bệnh nặng trong trại. Ở Mỹ, ông hết sức lo lắng nhưng không biết cách nào để lo cho bố.

Nhân chuyến công tác ở Pháp, ông tâm sự với một vị giáo sư đầu ngành thiên văn của nước này. Vị giáo sư cho biết mình rất thân với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và viết ngay một bức thư gửi nhờ can thiệp. Trịnh Xuân Thuận không hy vọng nó đến tận tay Thủ tướng nhưng vài tháng sau, bố ông được tự do và xuất cảnh qua Pháp. “Sự kiện này là chiếc cầu vô hình nối tôi với quê hương” - ông tâm sự.


Năm 1993, với tư cách một nhà khoa học, nhà văn viết bằng tiếng Pháp, Trịnh Xuân Thuận tháp tùng phái đoàn Tổng thống F. Mitterrand thăm VN. Đến lúc đó, ông vẫn còn khá dè dặt với quê hương. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, ông đã liên tục về VN giảng dạy. Tiếp đó, những tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận được dịch sang tiếng Việt đã đưa ông về gần gũi với quê nhà. 


Hành trình Trịnh Xuân Thuận đến với quê hương gần 30 năm và con người Việt trong ông vẫn nguyên vẹn. Trong lời tựa cuốn Giai điệu bí ẩn bản tiếng Việt, ông viết: “Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, VN là một đất nước luôn luôn đề cao giá trị giáo dục và tri thức. Cuốn sách này mong muốn là một đóng góp nhỏ bé vào công cuộc truyền bá tri thức đó”.

 

img
GS-TS Trịnh Xuân Thuận tại Trường ĐH Virginia năm 2009. Ảnh: S.T


2. GS-TS Ngô Bảo Châu là một trường hợp khác biệt. Khi học lớp 11-12, ông đã đoạt 2 HCV Olympic toán quốc tế. Sau đó, ông được học bổng của Chính phủ Pháp và du học ở Trường ĐH Paris 6.

Hai năm sau, ông đỗ thủ khoa hệ đào tạo tiến sĩ Trường CĐ Sư phạm Paris, một trường danh tiếng của Pháp. Năm 25 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học, 31 tuổi xong luận án tiến sĩ khoa học. Năm 2005, ông được Hội đồng Chức danh giáo sư VN phong giáo sư - là người trẻ nhất VN được phong hàm này.


Năm 2009, Ngô Bảo Châu lại được vinh danh khi công trình toán học chứng minh Bổ đề cơ bản với các nhóm unita của ông được tuần báo Times đánh giá là một trong 10 khám phá khoa học lớn nhất trong năm. Ngô Bảo Châu cũng là người nhiều khả năng đoạt Huy chương Fields, được xem như giải Nobel trong ngành toán, khi ông được mời đọc báo cáo khoa học tại hội nghị toàn thể về toán học ở Ấn Độ vào tháng 9-2010.


Công trình nghiên cứu Bổ đề cơ bản với các nhóm unita của Ngô Bảo Châu được Times bình chọn rất xứng đáng. Năm 1979, nhà toán học Robert Langlands, người Canada, đưa ra giả thuyết nổi tiếng Chương trình Langlands mà nếu chứng minh được, con người gần như có một cái nhìn thống nhất về các lĩnh vực của toán học.

Trong quá trình đi tìm lời giải cho Chương trình Langlands, đã có nhiều nhà toán học đoạt Huy chương Fields nhưng vẫn còn một trở ngại chưa thể vượt qua được: Phải chứng minh được “Bổ đề cơ bản”. Và, Ngô Bảo Châu đã làm được điều này. Đó là lý do vì sao công trình của ông được giới khoa học xem là “quả bom tấn” trong ngành toán học.


Cũng liên quan đến Chương trình Langlands, năm 2004, Ngô Bảo Châu đã nhận được giải thưởng Clay cùng 3 nhà toán học khác của Viện Toán học Clay (CMI). Đây là một giải thưởng danh giá dành cho những nhà toán học trẻ tuổi có công trình nghiên cứu đạt giá trị cao.

Ngô Bảo Châu còn nhận được rất nhiều giải thưởng quốc tế về toán học, như: Giải thưởng Oberwolfach, giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp... “Nếu chúng ta có thể tự hào về trống đồng thì cũng có thể tự hào về một người Việt đạt được thành tựu toán học nổi tiếng thế giới như Ngô Bảo Châu” - GS Nguyễn Tiến Dũng ở ĐH Toulouse - Pháp nhận xét.


Ngô Bảo Châu là “con nhà nòi”. Bố ông là GS-TS khoa học Ngô Huy Cẩn, hiện đang làm việc tại Viện Cơ học; mẹ ông là PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền, hiện công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương - Hà Nội. Sinh năm 1972, lúc Mỹ ném bom ác liệt nhất xuống miền Bắc, lớn lên trong hòa bình, giờ đây ông đã là người của quốc tế khi đang giảng dạy, nghiên cứu tại Trường ĐH Paris 6, Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton... với chức danh giáo sư. Ngô Bảo Châu cũng thường xuyên về VN giảng dạy cho các lớp cử nhân toán học tài năng.


“Toán học là con đường vô cùng chông gai. Tôi tin nghiêm túc rằng học toán, nghiên cứu về toán là duy trì và phát triển cái công cụ hữu hiệu nhất mà bộ óc con người có được để giải mã những hệ thống phức tạp trong thiên nhiên” - Ngô Bảo Châu nói về ngành học mà ông say mê đeo đuổi lâu nay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo