xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rơi vào lốc xoáy kinh doanh giáo dục

ThS Nguyễn Hồng Cúc

Quy chế giáo dục ĐH tư thục hiện không có quy định rõ về mô hình giáo dục ĐH tư bất vụ lợi nên ĐH tư trở thành doanh nghiệp kinh doanh giáo dục

Khái niệm bất vụ lợi được dịch từ cụm từ “not for profit” mà trên thế giới thường dùng (có cách dịch là phi lợi nhuận). Theo đó, ĐH tư bất vụ lợi là không chạy theo lợi nhuận, không dùng tiền lời để chia cho những người góp vốn và tất cả tiền lời sẽ đầu tư vào việc phục vụ làm tăng chất lượng học tập. Phương châm bất vụ lợi có nghĩa định hướng cho việc sử dụng tiền lời như thế nào chứ không phải là làm không có lời, bắt mọi người phải hy sinh cho cơ sở giáo dục đó.

40% sinh viên sẽ học ở trường tư nào?

Từ lâu, tại một số quốc gia trên thế giới đã hình thành 2 hệ thống ĐH công và tư song song cùng phát triển. Tư ở đây có thể là một người, một nhóm người hay một tập thể có uy tín, có điều kiện vật chất và được tín nhiệm đứng lên mở trường và tự quản lý. Việc tự quản lý ĐH tư có thể thành công hay thất bại, một phần do khả năng quản lý nhưng phần chính là do chất lượng đào tạo thấp hay cao (suy cho cùng cũng do khả năng quản lý).

Trường ĐH Hùng Vương hiện vẫn chưa giải quyết xong tranh chấp và chưa được tuyển sinh trở lại Ảnh: TẤN THẠNH
Trường ĐH Hùng Vương hiện vẫn chưa giải quyết xong tranh chấp và chưa được tuyển sinh trở lại Ảnh: TẤN THẠNH

Chất lượng đào tạo cao thì xã hội tin dùng, chất lượng thấp thì xã hội loại trừ hay nhà nước bắt đóng cửa và giải tán. Do đó, có những ĐH tư nổi tiếng như ĐH Harvard ở Mỹ đã đào tạo được nhiều nhà bác học và những nhân tài. Nhưng cũng ở Mỹ đã có những ĐH tư sụp đổ sau một thời gian ngắn hoạt động. Đầu thế kỷ XX ở Mỹ đã có gần 100 ĐH y khoa tư phải đóng cửa sau bản phúc trình của Flexner vì chất lượng đào tạo quá kém, kỷ luật không nghiêm và nhất là vì theo đuổi lợi nhuận.

Ngân sách nhà nước hiện nay không thể tiếp tục bao cấp cho giáo dục ĐH. Sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục ĐH buộc phải dựa vào khu vực tư nhân nhiều hơn. Trong dự thảo chiến lược Phát triển giáo dục 2010-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra dự kiến đến năm 2020, 40% tổng số sinh viên ĐH và CĐ sẽ học tại trường tư. Điều này cho thấy về mặt chủ trương, nhà nước đã khẳng định vai trò đóng góp quan trọng và ngày càng tăng của thành phần tư nhân trong giáo dục sau trung học. Tuy nhiên, thực trạng thương mại hóa các trường tư hiện nay đang đặt ra những mối lo ngại cho rất nhiều người, nhất là phụ huynh học sinh.

Tạo đà cho kinh doanh giáo dục

Trong những người đang sở hữu và điều hành các trường ĐH tư tại Việt Nam, có những người tâm huyết muốn xây dựng sự nghiệp giáo dục vì những mục tiêu tốt đẹp nhưng khung pháp lý hiện nay không cho phép họ huy động được nguồn lực để thực hiện mục tiêu ấy nếu không muốn mất trường hay đưa trường vào tay những người có tiền mà không có tâm cho giáo dục.

Những người kinh doanh giáo dục thì đang được hưởng lợi từ những ưu đãi: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, thay vì 25% như những doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác; được ưu đãi về vay vốn hay cấp đất. Việc hưởng lợi này là không công bằng vì nó không mang lại lợi ích cho người học hay cho xã hội mà là siêu lợi nhuận cho những người chủ sở hữu trường.

Trong Luật Giáo dục ĐH áp dụng ngày 1-1-2013, chương 1, điều 12, khoản 3 có ghi: Thực hiện xã hội hóa giáo dục ĐH; ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo cán bộ để khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; ưu tiên cho phép thành lập cơ sở giáo dục ĐH tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật; cấm lợi dụng hoạt động giáo dục ĐH vì mục đích vụ lợi.

Cũng tại chương 1, điều 4, khoản 7 khẳng định: “Cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục ĐH mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ĐH; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ”.

Điều này chứng tỏ nhà nước đã xác định 2 mô hình ĐH tư là vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

Màu ĐH tư quá tối

Không thể cho rằng tại Việt Nam chưa có mô hình ĐH tư bất vụ lợi. Trường ĐH Hùng Vương TP HCM trong giai đoạn đầu, những người xin thành lập trường (1995-2004), những người đóng góp ban đầu đều không nhận một đồng lời nào, cho đến hôm nay, họ cũng chưa biết được tiền lời lỗ. Trên  website của các trường ĐH: Thăng Long, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Phan Châu Trinh, Hoa Sen, ngay từ khi thành lập đều khẳng định là những trường ĐH không vì lợi nhuận.

Những vụ tiêu cực tại Trường Hùng Vương TP HCM từ năm 2011 đến nay vẫn chưa giải quyết được sự tranh chấp của hiệu trưởng và người đầu tư mới. Trong đầu tháng 8 này, lại nổi lên việc Trường ĐH Hoa Sen đại hội truất phế hiệu trưởng và chủ tịch HĐQT do nhóm có tiền triệu tập. Điều này đã làm cho niềm tin của xã hội vào các trường ĐH tư đã quá ít mà ngày càng đi đến số âm. Màu của các ĐH tư trở nên xám xịt, nếu không muốn nói là đen ngòm!

Cũng tại vì quy chế giáo dục ĐH tư hiện tại không có quy định rõ về mô hình giáo dục ĐH tư bất vụ lợi nên ĐH tư trở thành doanh nghiệp kinh doanh giáo dục. Đó không phải lỗi ở các nhà giáo dục chân chính mà là do cơ chế. Điều này đã làm tan rã, xào xáo bao nhiêu trường ĐH tư, làm thất vọng bao nhiêu người có tâm muốn đóng góp bất vụ lợi vào giáo dục.

 

Rà soát lại quy chế về ĐH tư

Mô hình ĐH bất vụ lợi cần được thực hiện theo tiêu chí tài chính: Những nhà giáo chân chính, những người tình nguyện bảo trợ trường ban đầu (góp vốn bằng tiền mặt, bằng cơ sở vật chất, bằng chất xám trí tuệ,…) không nhận tiền lời; sau đó, nếu có người thiện tâm thì đóng góp tiền vào trường sẽ được chia lời theo lời của Ngân hàng Nhà nước nhưng không chi phối vào việc quản trị hay đào tạo - giáo dục của trường (vì những nhà giáo chân chính không đủ tiền để trường phát triển về vật chất).

Nhà nước nên rà soát lại các quy chế về giáo dục ĐH tư không còn thích nghi với hiện tại và nên sửa đổi. Cần tách bạch 2 quy chế vụ lợi và bất vụ lợi trong giáo dục ĐH tư và nhất là có quy chế riêng cho những cá nhân, tập thể đã đóng góp tài lực, vật lực vào các ĐH tư bất vụ lợi nhằm khuyến khích các hình thức đầu tư không vì lợi nhuận này.

Xem báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-8

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo