xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tình báo Anh làm chủ internet

XUÂN HẠO

Không chỉ Mỹ, tình báo Anh còn có cả một chương trình làm chủ mạng internet và liên lạc toàn cầu

Ngày 21-6, một diễn biến mới bắt nguồn từ những tài liệu mà cựu nhân viên tình báo Edward Snowden của Mỹ tiết lộ: Tờ Guardian cho biết Cơ quan Tình báo Anh Quốc (GCHQ) đã bí mật thu thập dữ liệu trực tiếp từ mạng lưới cáp truyền thông - hệ thống vốn giúp luân chuyển các cuộc gọi và dữ liệu mạng trên thế giới - và đã lấy được lượng dữ liệu thông tin nhạy cảm khổng lồ. Các dữ liệu này cũng được chia sẻ với đồng nghiệp của GCHQ là Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), tổ chức đang phải hứng chịu hậu quả của xì-căng-đan PRISM.

Thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt

Tầm cỡ của chương trình này được phản ánh qua tiêu đề của tài liệu mang tên: Mastering the internet and global telecoms exploitation (tạm dịch: Làm chủ khai thác mạng internet và liên lạc toàn cầu), với yêu cầu thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt. Chương trình có tên là “Tempora” này đã hoạt động được 18 tháng một cách bí mật.

Điều đặc biệt là Tempora có khả năng thu thập lượng dữ liệu vô cùng lớn “rút” được từ mạng cáp quang. Những dữ liệu này có thể là cuộc gọi điện thoại, email, bài đăng trên mạng xã hội hay lịch sử truy cập mạng của từng cá nhân của bất kỳ người dùng mạng nào trên thế giới. Các dữ liệu này sau đó chuyển cho GCHQ và NSA để phân tích.

img

Dữ liệu bí mật của Cơ quan Tình báo Anh Quốc với tham vọng “làm chủ mạng internet”. Nguồn: GUARDIAN

Chương trình này bắt nguồn từ nỗ lực tìm cách kiểm soát tất cả cổng thông tin liên lạc mà cả Anh và Mỹ đã muốn làm từ lâu. Năm 2009, GCHQ đã tiến hành thử nghiệm trong vòng 3 năm một chương trình thu thập dữ liệu mạng tại Bude, Cornwall.

Đến mùa hè 2011, GCHQ bắt đầu lấy dữ liệu của hơn 200 đường truyền, mỗi đường truyền luân chuyển 10 gigabits/giây. GCHQ nhanh chóng đưa các nhà phân tích vào cuộc và Tempora chính thức hoạt động trong mùa thu năm 2011. Các dữ liệu được lưu trữ trong vòng 3 ngày nếu là loại nội dung và 30 ngày cho metadata (thông tin dữ liệu cơ bản như ngày tháng năm, địa điểm...).

Chỉ 2 năm thử nghiệm, lượng dữ liệu metadata mà GCHQ thu được còn nhiều hơn NSA và các quốc gia thành viên khác của cơ quan Five Eyes - Liên hiệp Tình báo điện tử, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand. Nếu như mỗi cáp quang truyền tải được 10 gigabits/giây thì GCHQ sẽ có thể thu thập hơn 21 petabytes/ngày.

Đến tháng 5-2012, GCHQ phải huy động 300 nhân viên và NSA cần đến 250 nhân viên để phân tích các dữ liệu thu thập được. Chương trình này cũng luôn tìm cách mở rộng với nhiều trung tâm dữ liệu mới để có thể xử lý dữ liệu lên đến hàng terabits (ngàn gigabits).

Hữu ích nhưng mờ ám

Theo một nguồn từ chính quyền Anh, công tác tình báo này có cơ sở pháp lý vì chỉ tập trung vào an ninh quốc gia. Tờ Guardian cho biết nhờ có khả năng lọc những thông tin mà Tempora thu được, cơ quan tình báo có thể phát hiện các thủ thuật của đối tượng khủng bố dùng để né tránh kiểm tra an ninh.

Tempora từng giúp chống các đường dây lạm dụng trẻ em và công tác an ninh mạng. Vụ bắt giữ các nhóm khủng bố tại Midlands, Luton và London được cho là đang chuẩn bị tấn công trong dịp Olympic London 2012 cũng có công của chương trình do thám từ GCHQ.

Tuy nhiên, tờ Guardian tìm thấy cơ sở pháp lý mà GCHQ sử dụng khá mập mờ. Đầu tiên, Tempora được sự hỗ trợ từ các “đối tác” là những công ty mạng mà GCHQ đã bỏ ra rất nhiều công sức để che giấu vì lo sợ ảnh hưởng chính trị. Những công ty này được trả công khi tham gia chương trình. Tuy vậy, việc “hợp tác” của những “đối tác” này là hoàn toàn bắt buộc. Họ không thể từ chối GCHQ và cũng bị cấm, không được phép tiết lộ thông tin về chương trình Tempora.

Thêm nữa, việc thông qua Tempora là dựa vào kẽ hở pháp lý cũ bắt nguồn từ Regulation of Investigatory Powers Act (RIPA - Quy định về quyền hạn điều tra), ra đời năm 2000. Quy định RIPA đòi hỏi phải có sự đồng ý của bộ trưởng hai bộ Nội vụ và Ngoại giao mới được phép thu thập thông tin từ các mục tiêu nhất định.

Tuy nhiên, một điều luật nhỏ trong RIPA cho phép nếu như một đầu liên lạc của đường truyền ở nước ngoài thì vẫn có thể được theo dõi. Đối với cấu trúc mạng liên thông quốc tế hiện nay thì điều đó áp dụng cho tất cả các loại cáp viễn thông. Từ đó, Bộ Ngoại giao Anh đã cho phép GCHQ tha hồ hoạt động. Tuy vậy, RIPA được thông qua cách đây đã 13 năm, liệu có đủ cơ sở pháp lý để chương trình Tempora hoạt động hợp pháp?

Trong khi đó, về phía Mỹ, NSA đang phải điều trần về chương trình theo dõi PRISM của họ, cùng với các chất vấn sắp tới từ nhiều quốc gia bị ảnh hưởng.

“Không chỉ có Mỹ, Anh Quốc thậm chí còn tệ hơn”.
(Edward Snowden - người cung cấp tài liệu cho giới truyền thông về xì-căng-đan theo dõi điện thoại, internet của Mỹ)
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo