Mới đây, Phòng CSGT - Công an TP HCM tiếp tục phát hiện, bắt giữ nhiều tàu "bạch tuộc" (tàu được gắn các máy móc, thiết bị hút cát, sỏi) bơm hút, vận chuyển cát vi phạm pháp luật giao thông đường thủy nội địa.
Cuộc mật phục lúc nửa đêm
Những tàu "bạch tuộc" thường trang bị hệ thống bơm hút cát, sỏi công suất lớn, không số đăng ký in trên thân tàu, có dấu hiệu hoán cải từ sà lan chở hàng hóa sang và khi đi vào TP HCM thường là thời điểm ban đêm.
Ngày 5-1, Đội Phòng chống tội phạm trên sông thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM nắm được thông tin 1 tàu "bạch tuộc" sẽ đến Vàm Láng (giáp TP HCM, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu) để bơm hút cát trái phép vào khuya cùng ngày và chạy về TP HCM tiêu thụ.
Cũng theo tin báo, chiếc "bạch tuộc" chạy theo sông Soài Rạp để vào sông Kinh Lộ thuộc huyện Nhà Bè.
Kế hoạch "giăng lưới" nhanh chóng định hình. Một tổ công tác thuộc Đội Phòng chống tội phạm trên sông được bố trí phối hợp Trạm Cảnh sát Đường thủy Phú Xuân mật phục tại đoạn sông địa bàn liên ấp 3 - 4, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Rạng sáng 6-1, chiếc tàu xuất hiện. Nhưng không chỉ một chiếc, tổ công tác còn phát hiện thêm 2 "bạch tuộc" khác. Tình huống phát sinh khi cán bộ, chiến sĩ nhận thấy có hàng chục người trên 3 phương tiện. So sánh tương quan lực lượng, phán đoán nhiều khả năng các đối tượng manh động chống trả, tổ công tác lập tức huy động thêm cán bộ thuộc Trạm Cảnh sát Đường thủy Cây Khô hỗ trợ.
Đến 4 giờ 30 phút, vòng vây khép lại, lực lượng chức năng bắt giữ thành công cả 3 phương tiện. Biên bản được lập, tang vật được thống kê, những người trên tàu được đưa về trụ sở.
Làm việc sau đó, các thuyền trưởng, thuyền viên thể hiện thái độ quanh co. Tới hôm sau họ mới thừa nhận hành nghề khai thác cát trái phép và cung cấp một số giấy tờ tùy thân.
Một vụ khác, ngày 14-1, Công an TP HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Thị Như Ngọc, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cùng 3 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Trước đó, các đơn vị nghiệp vụ bắt quả tang nhóm đối tượng đang khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa TP Thủ Đức và TP Biên Hòa. Qua điều tra, công an xác định đường dây này do Lê Thị Như Ngọc cầm đầu, núp bóng doanh nghiệp khai thác cát trái phép trong thời gian dài với trữ lượng hơn 11.000 m3, thu lợi bất chính nhiều tỉ đồng.
Quyết liệt với "cát tặc"
Hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép hiện nay phức tạp. Do đầu tư phương tiện không nhiều lại thu lợi lớn nên các đối tượng khai thác cát trái phép dùng mọi thủ đoạn để khai thác và đối phó các lực lượng chức năng; sẵn sàng chống trả quyết liệt, đánh chìm phương tiện để tẩu thoát.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết Đề án "Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và khu vực giáp ranh giữa TP HCM và các tỉnh giai đoạn 2019 - 2022 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023 - 2026", ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhận định khai thác cát trái phép gây nhiều hậu quả lớn, làm thất thoát tài nguyên, gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông. Hoạt động vi phạm pháp luật này cũng tác động xấu tới công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân.
Mối nguy sạt lở
Khu vực ấp 3, 4 thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, nơi nhiều tàu "bạch tuộc" bị bắt cũng là điểm nóng sạt lở nhiều năm qua.
Đánh giá mức sạt lở nguy hiểm của địa điểm này và điểm sạt lở bên sông Đồng Nai, thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức ảnh hưởng tới đời sống của người dân hai bên bờ, Sở GTVT TP HCM đã đề xuất UBND TP HCM chi 150 tỉ đồng để xây kè có tổng chiều dài 500 m chống sạt lở 2 đoạn bờ sông.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết sau khi triển khai đề án, tính đến 9 tháng đầu năm 2022, Công an TP HCM, Bộ Chỉ huy Biên phòng thành phố, UBND TP Thủ Đức, UBND huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi đã phối hợp bắt, xử lý 365 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp.
Các lực lượng xử phạt 96 trường hợp, tịch thu 208 phương tiện, thu giữ gần 65.000 m3 cát. Số tiền xử phạt gần 6 tỉ đồng.
Cũng theo bà Mỹ, trước tình trạng hoạt động phức tạp của nạn khai thác cát trái phép, giai đoạn 2023 - 2026, đề án chú trọng thực hiện giải pháp xây dựng, tổ chức lực lượng chuyên nghiệp hơn nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Ngoài ra, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc cát xây dựng, cát san lấp tại các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, đặc biệt là công tác quản lý hóa đơn thuế đối với việc mua bán cát, sỏi, ngăn chặn hành vi mua hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ.
Một giải pháp nữa là công an, biên phòng tổ chức lực lượng trinh sát phối hợp các đơn vị vùng giáp ranh và người dân trong việc tố giác tội phạm.
Trốn trước khi công an tới
Cuối tháng 7-2023, Phòng CSGT Công an TP HCM đã tạm giữ 1 phương tiện khai thác cát trái phép khác.
Theo đó, Đội Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện 1 ghe gỗ gắn thiết bị bơm hút cát neo đậu trên tuyến sông Đồng Nai thuộc địa phận khu phố Bửu Long, phường Long Bình, TP Thủ Đức. Nhận tin báo, lực lượng chức năng phía TP HCM sử dụng xuồng máy chuyên dụng ra hiện trường nắm tình hình, lập biên bản đối với phương tiện vắng chủ, tạm giữ phương tiện.
Sau đó, Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái được giao giải quyết và truy tìm chủ sở hữu.
Bình luận (0)