xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tựa vào đồng bào

THANH THẢO

Triết lý của Bạch Thái Bưởi và sáng tổ Vovinam là một: Vì đồng bào Việt Nam, vì dân tộc Việt Nam

Bạch Thái Bưởi là doanh nhân nổi tiếng nhất Việt Nam ở đầu thế kỷ XX. Hồi Pháp thuộc, cũng có những người Việt Nam giàu có nhưng người đi lên làm giàu bằng con đường kinh doanh "đa nghề" và kinh doanh ở những lĩnh vực được coi là hiện đại so với thời bấy giờ thì Bạch Thái Bưởi là số 1. Sống ở thời nước ta là thuộc địa Pháp, ông không phải là nhà cách mạng, chỉ là nhà kinh doanh nhưng slogan kinh doanh của ông: "Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris" thực sự là một tư tưởng kinh doanh mang tính cách mạng, một hành động kinh doanh vì tinh thần dân tộc.

Tựa vào đồng bào - Ảnh 1.

Là một người có tư chất thông minh, thông thạo chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, Bạch Thái Bưởi còn một tư chất vượt trội nữa, đó là tinh thần dân tộc. Tinh thần ấy chỉ có ở một người yêu nước. Trong hoàn cảnh nước nhà thời bấy giờ, yêu nước vẫn có thể được thể hiện bằng rất nhiều cách. Tinh thần dân tộc cũng vậy, nó có thể thôi thúc người ta đứng lên cứu nước, lại có thể nung nấu cho con người lòng quyết tâm bằng nhiều cách danh chính ngôn thuận đưa hai chữ "Việt Nam" lên ngang tầm khu vực và thế giới. Ít nhất bấy giờ là để thế giới biết Việt Nam không cam chịu trong thân phận "An Nam thuộc địa" hèn kém mà luôn khao khát vươn lên, khát khao thay đổi. Với Bạch Thái Bưởi, ông đã chọn con đường tiệm tiến để phát triển thay vì làm cách mạng để thay đổi ngay lập tức. Đó cũng là tư tưởng của nhà yêu nước vĩ đại Phan Chu Trinh với chủ trương nổi tiếng: "Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh".

Bạch Thái Bưởi và Phan Chu Trinh sống cùng thời, ông mất sau chí sĩ họ Phan đúng 7 năm (1932). Dường như thời ấy, những người Việt Nam ái quốc đã tìm đường bằng nhiều cách khác nhau để cứu nước. Sự nghiệp kinh doanh vì đồng bào mình của Bạch Thái Bưởi chính là vừa để khai dân trí vừa chấn dân khí mà cũng vừa hậu dân sinh. Nếu vào năm 1895, họ Bạch không có cơ hội sang Pháp dự hội chợ Bordeaux để giới thiệu sản phẩm của xứ Bắc Kỳ thì làm sao ông nung nấu và thực hiện được tư tưởng kinh doanh vì tinh thần người Việt và lấy tinh thần ấy làm gốc cho sự nghiệp kinh doanh của mình. Cuộc tranh đấu trong kinh doanh của Bạch Thái Bưởi - "vua hàng hải Việt Nam" - với các đối thủ người Hoa đã thể hiện rõ nhất tinh thần dân tộc của ông. Dựa hẳn vào đồng bào mình, tin rằng mình kinh doanh trên chính đất nước mình là một lợi thế lớn lao, ông đã dùng phương tiện truyền thông kêu gọi tinh thần "bầu ơi thương lấy bí cùng" của dân tộc Việt. Những khách hàng người Việt của ông đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi này nên dù đối thủ người Hoa có hạ giá dịch vụ cỡ nào, ông vẫn chiến thắng vì được đồng bào mình ủng hộ. Đó là một kinh nghiệm kinh doanh vì tinh thần dân tộc có thể thành bài học kinh điển cho giới doanh nhân Việt Nam trong thời hiện đại. Không chỉ yêu nước, mà còn biết sử dụng lòng yêu nước, kêu gọi lòng yêu nước trong cộng đồng Việt để kinh doanh thành công và san sẻ lợi nhuận vì cộng đồng. "Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường" - đó là tâm niệm của doanh nhân Bạch Thái Bưởi và cũng là bài học cho những doanh nhân hôm nay. Cái cách Bạch Thái Bưởi bán vé giá rẻ cho người nghèo đi tàu của ông, chăm sóc bình đẳng mọi khách đi tàu, thường xuyên ủng hộ những người Việt khốn khó, tuyệt đối đặt niềm tin vào đồng bào của mình, đó là những bài học đáng giá mà bây giờ doanh nhân Việt nên học. "Không tin đồng bào mình thì tin ai". Ông Bạch Thái Bưởi từng nói với gia đình mình, khi có người tỏ ra lo ngại lòng trung thành của người Việt nghèo làm công. Niềm tin ấy của ông cũng là niềm tin vào tình dân tộc nghĩa đồng bào không bao giờ mất của người Việt. Công cuộc kinh doanh của ông thành công nhờ niềm tin cao cả ấy. Khi khách hàng người Việt do cảm phục tấm lòng đại nghĩa của Bạch Thái Bưởi đã từ bỏ các con tàu khách của người Hoa để chuyển sang đi tàu ông thì người Việt - cả chủ và khách hàng - đã cùng thắng (win - win) trong cuộc cạnh tranh minh bạch này.

Bạch Thái Bưởi mất sớm (năm 1932) trong khi đang ôm ấp rất nhiều dự định kinh doanh vì gia đình, vì đất nước. Nhưng tinh thần dân tộc sáng chói mà ông để lại còn lưu truyền và phát huy tới hậu thế.

Bốn năm sau (1936), võ sư Nguyễn Lộc, một người xiển dương tinh thần dân tộc Việt theo một kiểu khác, đã sáng lập Vovinam - Việt võ đạo. Tới năm 1938, ông chính thức trình làng môn võ này. Người kinh doanh với thầy dạy võ có gì giống nhau? Họ giống nhau ở năng lượng tinh thần, giống nhau ở khát khao sáng tạo những điều mới mẻ, giống nhau ở tính cách mạnh mẽ không chịu lùi bước trước mọi trở lực. Thời bấy giờ, trở lực lớn nhất với mỗi con người Việt Nam là họ phải sống dưới chế độ thuộc địa, đất nước không có độc lập, con người chưa có tự do. Những đòn thế mang tính thuần Việt của Vovinam cũng giống những phương châm kinh doanh biết dựa vào nội lực, dựa vào tinh thần Việt, trí dũng Việt để đạt tới thành công của Bạch Thái Bưởi. Những người theo học Vovinam hồi ấy chưa chắc đã đi làm cách mạng nhưng họ đã được Vovinam trang bị cho tinh thần cách mạng mà võ sư yêu nước Nguyễn Lộc đã chủ trương. Võ sư đề ra chủ thuyết "Cách mạng tâm thân" như một lý tưởng của người theo học Vovinam nhằm canh tân tư tưởng, hướng về chân - thiện - mỹ, đặc biệt là rèn luyện tinh thần yêu nước, dám xả thân vì nghĩa lớn. "Một tinh thần khỏe mạnh trong một thân thể khỏe mạnh", có lẽ chủ trương từ nguồn của Vovinam là như vậy. Môn võ này chủ tâm rèn luyện cho người theo học một tinh thần cang cường nhưng không thủ ác, một thân thể khỏe mạnh nhưng không dùng để ăn hiếp người yếu. Vì thế, nhiều đòn thế của Vovinam tuy dũng mãnh nhưng không độc ác, kiêu hãnh nhưng lại đầy chất nhân văn, bay bổng mà hiện thực, luôn lấy mặt đất làm chỗ dựa vững chắc.

Không phải vô cớ mà từ ngày chính thức ra đời tới nay, qua tròn 80 năm, Vovinam đã lan tỏa trên toàn thế giới, đã có trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có võ sinh theo luyện tập môn phái võ thuật này.

Nếu chúng ta đề xuất được với Ủy hội Olympic quốc tế công nhận Vovinam là một môn thể thao được chính thức thi đấu trong các kỳ Đại hội Olympic thế giới thì Vovinam còn phát triển rực rỡ hơn nữa. Chỉ cần biết tổ chức và giới thiệu chính thức thì đó không phải là một giấc mơ xa vời mà là một tương lai thấy được của Vovinam trong thời hiện đại.

Vậy tinh thần dân tộc của Vovinam là ở đâu? Nó ở ngay cái tên của nó: Võ Việt Nam. Không lẫn với bất cứ môn võ nào khác trên thế giới, không "đụng hàng", Vovinam tương đồng với chủ trương kinh doanh của ông Bạch Thái Bưởi: luôn tạo ra sự khác biệt nhưng luôn có một chỗ dựa tinh thần vững chắc là đất nước Việt Nam, luôn hướng tới một mục tiêu duy nhất: phục vụ đồng bào mình. Lời dạy của võ sư Nguyễn Lộc - sáng tổ của Vovinam - như vẫn còn văng vẳng đâu đây: "Sống cho mình, giúp cho mọi người khác sống, sống cho mọi người".

Rất ngạc nhiên khi thấy những lời răn dạy của võ sư Nguyễn Lộc lại tương đồng với những lời răn dạy con cháu của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, dù hai người ở hai lĩnh vực khác nhau. Cái họ có chung nhau chính là lòng yêu nước. Cái họ có chung nhau chính là tinh thần dân tộc Việt. Đó là hai hằng số.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo