xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thị trường Mỹ ngày càng hấp dẫn: Nhiều việc phải làm

Phương Nhung

Tăng cường xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn là mục tiêu chính của các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cần đẩy mạnh những mặt hàng có lợi thế để tăng giá trị gia tăng

Đánh giá về mối quan hệ thương mại Việt - Mỹ, TS Lê Huy Khôi, Trưởng Ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường - Viện Nghiên cứu Thương mại Bộ Công Thương, cho rằng trên bình diện địa - chính trị, địa - kinh tế, Mỹ là siêu cường có nhiều lợi ích cốt lõi ở tầm toàn cầu còn Việt Nam là nước đang phát triển ở Đông Nam Á. Do đó, nếu không tính đến các yếu tố chính trị, ngoại giao, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều hơn về mặt kinh tế trong mối quan hệ Việt - Mỹ.

TPP sẽ là cú hích

“Mỹ sẽ tiếp tục là một trong những bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới bởi nhu cầu nhập khẩu của quốc gia này đang tăng mạnh. Việt Nam cần tận dụng tích cực thị trường khổng lồ này. Đặc biệt, triển vọng từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng lên trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa quốc gia này thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam” - TS Lê Huy Khôi dự báo.

 

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường Mỹ có thể đạt 22 tỉ USD vào 2020 Ảnh: Tấn Thạnh
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường Mỹ có thể đạt 22 tỉ USD vào 2020 Ảnh: Tấn Thạnh

 

Dẫn số liệu cụ thể, ông Khôi cho rằng tác động của TPP sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng may mặc và giày dép của Việt Nam sang Mỹ tăng tới 45,9% vào năm 2025. Riêng xuất khẩu dệt may có thể đạt 22 tỉ USD vào 2020 nếu TPP được thông qua. Với các sản phẩm hải sản đóng hộp đang bị áp thuế 35%, khi có TPP, thuế sẽ về 0% giúp khả năng thâm nhập thị trường của mặt hàng này tăng lên.

Còn theo TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Bộ Công Thương, tuy Mỹ không khởi xướng thành lập TPP nhưng khi cường quốc này tham gia TPP thì thực sự trở thành động lực của tổ chức kinh tế chiếm đến 40% GDP toàn cầu. “Với TPP, quan hệ thương mại Việt - Mỹ còn có thể phát triển mạnh hơn nữa với các mặt hàng có triển vọng là dệt may, da giày, đồ gỗ và thủy sản” - ông Phương lạc quan.

Phải điều tiết cơ cấu thương mại

Cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt là rất lớn nhưng theo các chuyên gia kinh tế, để đánh giá tính chất thương mại Việt - Mỹ cần nhìn nhận cả về quy mô cũng như giá trị gia tăng thông qua cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu. “Danh sách hàng hóa đầu bảng Việt Nam xuất đi chủ yếu là hàng may mặc, phụ kiện, đồ điện tử, giày dép… chứ không phải những mặt hàng có lợi thế như thủy sản, nông sản. Đây là những mặt hàng có nguồn gốc chủ yếu phải nhập nguyên, phụ liệu… Các mặt hàng điện tử thì chỉ gia công, lắp ráp. Tức là chúng ta xuất đi tỉ trọng lớn nhưng giá trị gia tăng không cao” - ông Lê Huy Khôi chỉ ra và cho rằng cần phải đặt vấn đề chất lượng của tốc độ tăng trưởng cũng như giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu để hướng tới yếu tố bền vững, hiệu quả của nền kinh tế.

Đặt trong bối cảnh đối trọng với Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc chưa phải là nước phát triển nhưng lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất và nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; còn Mỹ là nước có trình độ cao thì lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất và xuất siêu lớn nhất của Việt Nam. Điều này chứng tỏ bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam có nhiều điểm bất hợp lý. “Nhập rất nhiều công nghệ chất lượng không cao của Trung Quốc nhưng lại không nhập được công nghệ nguồn từ các nước phát triển là chúng ta đang đi ngược xu thế. Phải nhập siêu từ nước công nghệ nguồn và xuất siêu sang nước công nghệ kém hơn mới là tín hiệu tốt để phát triển cũng như cải cách nền kinh tế” - TS Phương nhận xét.

Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng thực tế này không dễ điều chỉnh bởi tiềm lực của Việt Nam còn yếu, không có khả năng thanh toán cho các sản phẩm cao cấp. Còn ở chiều xuất khẩu, việc tận dụng và tăng trưởng xuất khẩu được ở bất cứ thị trường nào cũng đều tốt để thu ngoại tệ về cho đất nước. “Cả Mỹ và Trung Quốc đều là những thị trường cần được tận dụng và đặt làm đối trọng để điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Việc tăng cường xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn tiếp tục là mục tiêu chính nhưng cần đẩy mạnh các mặt hàng Việt Nam có lợi thế để tăng giá trị gia tăng; quản lý chặt gia công tái suất và yêu cầu cao về chuyển giao công nghệ” - TS Lê Huy Khôi khuyến nghị.

Bình tĩnh đối mặt với kiện cáo

Dưới góc độ phòng vệ thương mại, đại diện Bộ Công Thương đánh giá Mỹ là một trong những thị trường khó tính, đòi hỏi cao về các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hóa. Đây cũng là quốc gia khởi xướng nhiều vụ kiện thương mại đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam khiến nhiều DN lao đao. Tuy nhiên, theo một đại diện Bộ Công Thương, đây lại là động lực để các DN Việt thay đổi về mặt chiến lược, tư duy hay ý thức nâng cao chất lượng. Từ đây, các DN cải cách cả chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ… nhằm đáp ứng những tiêu chí theo thông lệ quốc tế và ngày càng quen thuộc, bình tĩnh đối mặt với chuyện kiện cáo.

 

Điểm nhấn BTA

TS Lê Quốc Phương cho rằng tiến trình quan hệ thương mại Việt - Mỹ được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 là kể từ khi 2 nước chính thức bình thường hóa quan hệ vào ngày 11-7-1995 cho đến trước khi Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) được ký kết năm 2000. Giai đoạn 2 là từ 2001 - 2006, tức là trước khi Mỹ với vai trò rất lớn trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đồng ý cho Việt Nam tham gia tổ chức này và đồng thời trao Quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho chúng ta. Giai đoạn thứ 3 là từ năm 2007 đến nay.

“Trong thời gian 5 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, hoạt động thương mại của 2 nước chưa có điểm khởi sắc. Chỉ từ sau mốc son quan trọng nhất là BTA thì quan hệ thương mại mới bắt đầu nở rộ với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2005-2014 đạt 11,9%/năm. Nếu như năm 2000, Việt Nam xuất sang Mỹ giá trị hàng hóa khoảng 800 triệu USD thì đến năm 2014 đạt đến 32 tỉ USD. Ở chiều nhập khẩu, năm 2011 Việt Nam nhập về là 460 triệu USD thì đến năm 2014 lên đến 5,6 tỉ USD” - ông Phương thông tin.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo