xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc “trò chuyện” đặc biệt

Tố Trâm

Từ khi bị bắt giam, có lẽ đây là buổi “trò chuyện” lâu nhất của vợ chồng bị cáo Đ.H.P (SN 1981). Dù chỉ trao đổi bằng ánh mắt, cử chỉ trong hoàn cảnh hội ngộ đầy éo le đó cũng đủ cho họ có thêm tin tức cần thiết, nhẹ bớt một phần âu lo...

Hôm ấy, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xử 3 vụ án cùng một buổi sáng. Tôi đặc biệt chú ý đến một bị cáo đang ngồi chờ đến lượt xét xử mình với vẻ mặt đầy căng thẳng, âu lo, đôi mắt nhìn mải về chiếc bàn nơi có người vợ trẻ đang ngồi với tâm trạng lo lắng không kém. Rồi cũng đến lúc tòa gọi tên. Đ.H.P run rẩy đứng lên. Ngồi cạnh tôi, vợ P. một tay bám chắc vào cạnh bàn, tay kia đặt lên ngực, chăm chú dõi theo phiên tòa.
 
img

Minh họa: NGUYỄN TÀI

 
Mâu thuẫn nhỏ, họa lớn
 
Theo bản án của TAND tỉnh Long An, khoảng 20 giờ ngày 3-7-2010, nhà của Đ.M.Đ- sát vách nhà P.- tổ chức uống bia. Được một lúc, D.T.H (cháu gọi Đ. bằng chú ruột) dùng những lời lẽ thô tục lớn tiếng chửi vọng sang nhà P. Do giữa gia đình P. và Đ. có mâu thuẫn (đã kiện ra tòa nhưng còn đang trong thời gian xét xử phúc thẩm) nên P. bước ra sân cự cãi. Lời qua tiếng lại, H. cầm một khúc tre bước đến hàng rào đánh P. Không chịu thua, P. nhổ cọc hàng rào đánh lại làm H. ngất xỉu. Thấy vậy, một người bên nhà anh Đ. dùng chai bia ném P., anh Đ. cũng cầm cây tre chạy qua đánh vào tay P. nhưng bị P. đánh lại vào đầu dẫn đến chấn thương sọ não, tử vong sau đó.
 
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Long An nhận định phía bị hại cũng có lỗi, tình tiết này được đánh giá là tình tiết giảm nhẹ; đồng thời gia đình bị cáo đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả, bị cáo thành khẩn, ăn năn. Do vậy, HĐXX xử bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung phạt, tuyên phạt 7 năm tù về tội giết người. Sau khi án tuyên, VKSND tỉnh Long An kháng nghị bản án theo hướng tăng hình phạt, đại diện hợp pháp người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt. Cho rằng mức án chưa tương xứng với mức độ phạm tội của bị cáo, HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKSND và kháng cáo của gia đình người bị hại, tuyên phạt bị cáo 9 năm tù (tăng 2 năm so với án sơ thẩm).
 
P. nặng nề quay lại chỗ ngồi. Và khóc. Nhìn thấy chồng như thế, vợ P. chuyển chỗ ngồi từ bàn thứ hai lên chỗ ngoài cùng của bàn đầu tiên để được gần P. hơn một chút. Chị khẽ nhắc chồng đừng khóc. Gật gật đầu, P. lấy tay áo quệt nước mắt. Nhưng ngay sau đó, chính người vợ lại không kìm được nỗi đau chất chứa trong lòng.
 
Trò chuyện trong thinh lặng
 
Mất mấy phút  họ mới bình tĩnh trở lại để có thể bắt đầu cuộc trò chuyện trong thinh lặng và trong sự dè chừng vì sợ mất trật tự sẽ mất luôn cơ hội được nhìn và “trò chuyện” cùng nhau dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.
 
Tôi căng mắt nhìn vẫn không hiểu mấy những lời thăm hỏi về sức khỏe, gia đình, người thân bằng ánh mắt, cử chỉ, bằng đôi môi mấp máy, không phát nên lời của họ. Chỉ thấy P. kéo cổ áo mình, người vợ gật nhẹ đầu. Sau đó, chị dùng tay làm như đang và cơm, đến phiên P. lại gật đầu. Cứ thế, cuộc “trò chuyện” tiếp diễn. Có vẻ như họ rất hiểu các ký hiệu của nhau dù thực tế có biết bao điều họ muốn nói cùng nhau mà không thể. Người vợ lẳng lặng rút trong giỏ ra tấm ảnh đứa con trai nhỏ rồi ra hiệu cho chồng nhìn xuống dưới bàn. P. cúi xuống, nhìn như hút vào tấm ảnh, hai hàng nước mắt chảy dài trên má.
 
Có một khoảng ngắn thời gian HĐXX vào trong nghị án, P. năn nỉ anh cảnh sát dẫn giải trao cho vợ con tôm màu xanh bằng cước dùng để móc chìa khóa do chính anh làm trong những ngày ở tù. Có lẽ cảm thông với hoàn cảnh của họ, anh cảnh sát trẻ kiểm tra kỹ con tôm rồi trao cho vợ P. Nhận món quà kỷ niệm của chồng, vợ P. lật qua lật lại ngắm nghía, nâng niu mãi. Khi tôi hỏi thăm, chị thật thà nói: “Ảnh mít ướt lắm chị. Hồi ở nhà, có chuyện gì buồn, ảnh cũng khóc. Từ khi bị bắt đến giờ, lần nào tôi vào thăm, ảnh cũng khóc vì nhớ nhà, vì lo không biết sẽ bị xử ra sao? Bây giờ... Ảnh bị tăng án, em sợ ảnh khóc nhiều không chừng cán bộ rầy...”.
 
Hỏi lúc  nãy họ đã tâm sự những gì mà có vẻ hiểu nhau đến vậy, chị cười buồn, thì cũng chỉ những lời thăm hỏi sức khỏe để người ở ngoài và kẻ ở trong yên tâm hơn. “Bình thường không thấy gì, chỉ khi rơi vào hoàn cảnh như vầy, không có cả cái quyền đơn giản nhất là được tự do hỏi thăm nhau mới thấy quý cuộc sống tự do biết  bao, quý cả những giây phút ngắn ngủi được nhìn thấy nhau. Giá như hôm đó ảnh mặc kệ, người ta chửi một lúc, mệt thì tự động ngưng... Giá như hôm đó, tôi kịp thời can ngăn ảnh...” - vợ P. thở dài.   
 
Trong lúc đưa P. ra xe về trại giam, những người cảnh sát dẫn giải đã chiếu cố cho vợ P. được đi cạnh chồng. Họ nắm tay nhau, vừa đi vừa thủ thỉ nói chuyện, ánh mắt ngời lên niềm hạnh phúc. Để rồi ít phút sau đó, khi chiếc xe bít bùng lao vút đi, người vợ trẻ ngồi thụp xuống bên vệ đường. Thời gian đợi chờ dài dằng dặc cùng những nhọc nhằn của người phụ nữ đơn thân nuôi con dường như đã lấy hết sức mạnh mà chị cố tạo ra để chồng yên tâm thi hành án. Không cần kìm nén, chị bật khóc ngon lành. 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo