Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường vào cuộc Ngày 7-8, ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cho biết sở đã thành lập tổ công tác để thanh tra việc quản lý sử dụng đất tại phường 15, quận Tân Bình. Qua khảo sát tại thực địa, cho thấy những căn nhà này được xây dựng trên ao rau muống, không có cơ sở hạ tầng, chất lượng xây dựng không bảo đảm. Đồng thời, các chủ nhà không thực hiện đúng các quy trình thủ tục trong việc sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Sau khi có kết quả thanh tra về tình hình sử dụng đất tại đây, sở sẽ kiến nghị UBND TP xử lý trách nhiệm các cán bộ có liên quan do đã buông lỏng trong việc quản lý đất đai tại địa phương. K.Long |
Tiêu tan nhà cửa vì quá tin “cò”!
Do giá đất và nhà tại đây khá rẻ, nên khu vực này đã thu hút được nhiều người trong và ngoài TP tìm đến mua, nhất là những người có thu nhập thấp. Sáng 7-8, khi nghe lực lượng cưỡng chế đọc quyết định tháo dỡ nhà, chị Trương Thị Lở như muốn té xỉu. Toàn bộ số tiền mà anh em chị ky cóp bấy lâu nay để tìm một nơi an cư bỗng chốc tiêu tan. Chị Lở kể: Sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa nhà từ quận 12, gia đình chị được một “cò” đất tên Nhẫn chỉ mua miếng đất (4m x 11m) tại đây, với giá 3,7 triệu đồng/m2. Cầm tờ sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) photocopy có sao y mang tên Hà Văn Hùng, gia đình chị yên tâm và càng tin tưởng hơn khi nghe “cò” hứa: “Tôi đã lo đầy đủ mọi thủ tục, kể cả việc hợp thức hóa... Cứ yên tâm xây nhà!”. Gia đình chị Lở bỏ 80 triệu đồng ra xây nhà, nay căn nhà bị tháo dỡ, còn “cò” thì đã bay mất. Đau lòng không kém là trường hợp hai ông bà N.V.M ở quận 12, cũng là dân giải tỏa về đây mua nhà, nhưng toàn bộ vốn liếng xây nhà gần 100 triệu đồng nay đã thành đống gạch vụn.
Đầu nậu giấu mặt, làm ẩu làm liều
Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục trường hợp mua đất xây nhà để ở, còn lại hầu hết các nhà trong số 293 căn xây dựng trái phép đều là của các đầu nậu.
293 căn nhà được xây chỉ trong vòng hơn 1 tháng Theo UBND quận Tân Bình, số căn nhà xây dựng trái phép nêu trên có diện tích khoảng 30 ha, trước đây là đất của Tập đoàn 30/4 giao cho các hộ dân canh tác, chủ yếu là trồng rau muống. Sau khi tập đoàn này giải thể, các hộ vẫn tiếp tục canh tác và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đến ngày 24-8-1994, UBND TP đã chấp thuận chủ trương quy hoạch xây dựng khu này với quy mô xây dựng thấp tầng, mật độ thấp, giao UBND quận Tân Bình tổ chức lập quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, đã qua 9 năm việc quy hoạch chi tiết vẫn chưa được thực hiện. Đến tháng 5-2003, các công ty: Ngọc Đức, An Lạc và một số cá nhân đã đến mua đất theo hình thức giấy tay, không thông qua chính quyền địa phương. Sau đó, các công ty và cá nhân này đã tiến hành san lấp, phân lô trên diện tích 23.037 m2, đồng thời làm cơ sở hạ tầng và ồ ạt xây dựng 293 căn trong vòng hơn 1 tháng. H.Nhi
Theo Phòng Quản lý Đô thị (QLĐT) quận Tân Bình, các đầu nậu trên đều giấu mặt, để người khác đứng ra đối phó khi cơ quan chức năng quận lập biên bản, xử lý vi phạm xây dựng. Do đó, trong danh sách các chủ hộ vi phạm tại đây chỉ có 1/3 có hộ khẩu thường trú tại TPHCM, số còn lại ở các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Tây Ninh, Long An... Tại buổi cưỡng chế, cán bộ Phòng QLĐT quận Tân Bình đọc đến 3 - 4 quyết định cưỡng chế, nhưng... chỉ có tên một người (đứng tên xây 3 - 4 căn nhà). Cụ thể như ông Nguyễn Xuân Hưởng (3 căn); Trần Văn Thuấn, ngụ tại phường Cô Giang, quận 1 (3 căn); ông Phạm Văn Thảo, ngụ tại Nga Sơn, Thanh Hóa (4 căn)... Một số người dân xung quanh cho chúng tôi biết: “Có đầu nậu mua từ 10 – 30 lô đất, xây nhà, khi bị lập biên bản thì đưa người khác đứng tên, thậm chí có cả chủ thầu, thợ hồ...”. Do làm nhanh để né thủ tục, nên các căn nhà tại đây đều không bảo đảm chất lượng. Chứng kiến cảnh cưỡng chế, nhiều người không khỏi giật mình khi thấy xe cạp đất chỉ cào nhẹ là căn nhà đổ sập dù nhìn sơ qua tưởng là rất kiên cố; phần móng và tấm đúc chỉ được thi công sơ sài...
Trách nhiệm thuộc về dân?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc ai sẽ chịu trách nhiệm trước những thiệt hại của người dân trong vụ xây dựng trái phép trên, ông Nguyễn Tuấn, Phó Phòng QLĐT quận Tân Bình - chỉ huy trưởng lực lượng cưỡng chế, khẳng định: “Chính người dân phải chịu trách nhiệm. Bởi vì, cả hai bên mua, bán đất, nhà đều không tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu có tranh chấp thì sẽ do tòa án thụ lý, giải quyết”. Trả lời báo chí về nguyên nhân để xảy ra vụ vi phạm xây dựng nghiêm trọng tại địa phương, ông Trần Hữu Long, Chủ tịch UBND phường 15, lại đổ lỗi do nhân sự thiếu, quy hoạch “treo”, mức xử phạt nhẹ... Qua sự việc này, dư luận chờ đợi cơ quan chức năng không bỏ qua sai phạm của các đầu nậu, đồng thời làm rõ trách nhiệm, xử lý rốt ráo cán bộ sai phạm. Chiều 7-8, ông Thái Văn Rê, Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết: “Sau khi hoàn tất cưỡng chế 293 căn nhà, quận sẽ tiến hành kiểm điểm các cá nhân, tập thể từ phường đến quận có liên quan đến vụ xây dựng trái phép trên. Quận sẽ cương quyết xử lý những cán bộ sai phạm”.
Theo kế hoạch, hôm nay (8-8), quận Tân Bình tiếp tục cưỡng chế tháo dỡ các căn nhà xây dựng trái phép còn lại.
Bình luận (0)