xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tội ác và trừng phạt

LƯƠNG HOÀI NAM

Tội ác xảy ra ngày càng nhiều và khó lý giải nguyên nhân, đòi hỏi nhà nước bên cạnh việc cải tạo xã hội bằng giáo dục, phát triển kinh tế thì cần mạnh tay hơn khi áp dụng pháp luật

Một thanh niên đứng phát cơm từ thiện ở TP HCM hôm 10-8 bị một kẻ côn đồ dùng dao đâm chết, lý do là vì “chờ cơm lâu”. Trước đó, ngày 6-8, trước cổng Thảo Cầm Viên (quận 1, TP HCM), một tài xế taxi đâm chết người chạy xe ôm chỉ vì bị nhắc nhở dịch xe đi một chút...

Giáo dục để biết khôn và biết sợ

Hai vụ nêu trên chỉ là số ít trong rất nhiều vụ giết người vì các lý do lãng xẹt: Vì nhìn đểu, nói “đắng lòng”, không rửa bát, không nghe điện thoại...

Tội ác, kể cả tội ác giết người, ở nước nào cũng có. Giết người để cướp của, che giấu tội lỗi, tranh giành quyền lực... thì còn có lý do cụ thể, rõ ràng nên người ta có thể đề phòng. Nhưng rất nhiều trường hợp giết người xảy ra ở nước ta hoàn toàn có tính bột phát từ những người không ai có thể hình dung nổi là kẻ giết người vì họ không có sẵn bất kỳ kế hoạch, mục đích nào. Thế thì ai mà lường được để có thể phòng tránh?

Những nhà tội phạm học, tâm lý học đã mổ xẻ các hành động giết người kiểu ngẫu hứng và đề xuất các biện pháp giảm thiểu. Đó là giáo dục kiến thức, đạo đức và tăng cường kỷ cương pháp luật. Giáo dục để cho người ta biết khôn và hình phạt của pháp luật để người ta biết sợ. Giáo dục cái khôn cần một quá trình dài, không ai có thể khôn ngay bằng chỉ một vài buổi học. Dùng luật để trị, cải tạo xã hội luôn luôn là việc cần làm và nếu làm tốt, kết quả có thể không phải chờ lâu.

Con người luôn nhạy cảm với nỗi sợ bị trừng phạt, phải trả giá hơn là với lợi ích từ kiến thức. Có người cho rằng những kẻ giết người kiểu bột phát thường ít học nên không biết sợ. Nghĩ như thế không đúng. Họ luôn tìm cách chạy trốn sự trừng phạt khi vẫn còn cơ hội. Khi không thể chạy thoát, chúng và gia đình lại tìm cách chạy án. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất về nỗi sợ bị trừng phạt. Vấn đề là họ thường chỉ biết sợ sau khi đã thực hiện tội ác. Việc cần làm và phải làm là chuyển nỗi sợ đó về phía trước, biến nó thành thường trực trong đầu mỗi con người để ngăn chặn tội ác xảy ra. Phải làm sao để nỗi sợ bị trừng phạt là “cái phanh”, “cái khóa” đối với các loại tội ác.

Thuốc đắng dã tật

Nhiều người cho rằng sự nghèo khổ, vô học và bất công xã hội là cội nguồn của tội ác nên phải bắt đầu giải quyết những thứ đó. Nghĩ như thế không sai nhưng cần phải hiểu đầy đủ hơn để không coi nhẹ vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội. Tội ác cũng giống như bệnh tật. Ốm thì phải dùng thuốc. Nhẹ thì dùng vitamin, nặng thì dùng kháng sinh. Không ai khỏi bệnh bằng một bài giảng, một bát cơm hay một cái áo đẹp. Vì vậy, giảm nghèo, giảm dốt, giảm bất công để giảm cái ác là việc cần làm nhưng cũng cần những hình phạt nghiêm minh vì “thuốc đắng dã tật”.

Giết người chỉ vì va quệt xe, Lê Ngọc Đạt (phải) cùng Trần Hoài Bảo lần lượt bị TAND TP HCM tuyên án tử hình và chung thân Ảnh: HẠNH DUYÊN
Giết người chỉ vì va quệt xe, Lê Ngọc Đạt (phải) cùng Trần Hoài Bảo lần lượt bị TAND TP HCM tuyên án tử hình và chung thân Ảnh: HẠNH DUYÊN

Mấy tháng trước có cuộc tranh luận khá căng thẳng về quyền nổ súng, trong đó có nhiều người không ủng hộ. Luật pháp nhiều nước phương Tây cho phép cảnh sát nổ súng để bảo vệ họ và ngăn ngừa rủi ro cho người dân. Nếu cảnh sát yêu cầu anh nằm xuống đất, để hai tay ra sau gáy mà anh không tuân thủ thì khả năng bị “ăn” đạn rất lớn. Trong những trường hợp như vậy, nếu cảnh sát không có quyền nổ súng thì họ có khả năng bị tước vũ khí, tấn công ngược và thậm chí người dân vô tội cũng vạ lây. Nếu họ không bảo vệ được chính họ thì họ có thể bảo vệ được dân không? Anh có thể vô tội nhưng khi cảnh sát làm nhiệm vụ thì anh cùng mọi người dân khác có trách nhiệm tuân lệnh và việc không tuân lệnh có thể phải trả giá. Làm sao họ biết anh vô tội khi chưa kiểm tra? Nếu cảnh sát lạm dụng các quyền của mình, mọi người dân có quyền khiếu nại nhưng đừng tước đi của họ những công cụ và điều kiện họ cần có để thực thi nhiệm vụ một cách tốt nhất. Đó chính là tư tưởng của nhà nước pháp quyền.

Những vụ giết người vì các lý do không đâu xảy ra gần đây và tình hình trật tự an ninh xã hội xấu đi trông thấy ở nhiều địa phương không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền mà còn đòi hỏi mỗi người dân phải hiểu đúng, đủ hơn về bản chất cái ác, về nhà nước pháp quyền và các biện pháp mạnh tay trấn áp cái ác. 

Những vụ mất mạng vì chuyện không đâu

 Ăn cơm xong nhưng không chịu rửa bát, anh Tạ Kế Hồng (28 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị người yêu là Huỳnh Thị Kim Hân (24 tuổi) đâm chết hôm 13-1-2014.

l Bị chê không có tiền mà đòi uống bia, ông Lý Xuân Hải (55 tuổi, ngụ Bình Thuận) đâm chết bạn nhậu là ông Nguyễn Văn Chên (60 tuổi). Hậu quả, ông Hải phải ngồi tù chung thân.

Vì thỏa thuận giá cả không được, tại TP HCM, tài xế xe ôm Lê Ngọc Nhơn (SN 1971) đuổi theo đánh Vũ Trọng Lưu (SN 1986). Bực tức, Lưu chụp cây gỗ đánh chết ông Nhơn. Lưu lãnh 7 năm tù.

Say xỉn rồi đòi hôn cho bằng được, Nguyễn Văn Phụng bị người yêu cũ là Lê Thị Kim Ánh (ngụ Thừa Thiên - Huế) đâm chết.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo