xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giảng bài không nhận thù lao

Bài và ảnh: HÀM CHÂU

Giáo sư người Pháp Patrick Aurenche tự bỏ tiền túi lui tới nước ta rất nhiều lần không phải để kiếm tìm lợi lộc cá nhân mà vì một lẽ ông yêu mến Việt Nam và muốn giúp nước ta bằng sở học của mình

Giáo sư Patrick Aurenche đến Hà Nội lần đầu vào cuối đông năm 1993, dự “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 1 về vật lý. Từ đấy đến nay, ông trở lại Việt Nam 27 lần, có năm 2 lần, để tham gia lãnh đạo Trường Vật lý Việt Nam (tên quốc tế: Vietnam School of Physics/VSOP) hay dự các hội nghị khoa học.

Tôi quen Patrick từ năm ấy rồi trở thành bạn cố tri, bởi vì từ đấy đến nay, hằng năm tôi vẫn thường gặp lại ông.

21 năm làm giám đốc không lương

Năm ngoái, từ Hà Nội vào Quy Nhơn, dự chương trình của Trường Vật lý Việt Nam lần thứ 20, gặp Patrick Aurenche, chúng tôi cùng ôn lại kỷ niệm đêm Giáng sinh 8 năm về trước ở Nha Trang...

Chúng tôi đến Nha Trang là để dự Trường Vật lý Việt Nam năm thứ 13. Đây là loại trường mùa đông (winter school) do nước ta mở theo mô hình quốc tế, chỉ kéo dài vài ba tuần lễ, mỗi năm ở một nơi khác nhau (Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, Huế, Hạ Long, Hà Nội...), dành cho học viên cao học, nghiên cứu sinh và cả một số tiến sĩ, sau - tiến sĩ trẻ.

Các nhà nghiên cứu trẻ không chỉ của nước ta mà cả của một số nước và vùng lãnh thổ xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, Lào, Campuchia, Nepal, Đài Loan, Hồng Kông... vẫn thường đến dự, một phần vì họ được GS Trần Thanh Vân và một vài tổ chức khoa học quốc tế tài trợ tiền đi lại, ăn, ở... Sang Việt Nam học tập nhưng cũng là dịp đi du lịch thú vị.

Các GS người Việt và người nước ngoài  lần lượt đến giới thiệu những khám phá mới nhất trong vật lý, cung cấp hành trang cho các nhà nghiên cứu trẻ tìm tòi những cái mới đích thực. Việt Nam ta còn nghèo nên các GS vui lòng đến giảng bài mà không nhận tiền thù lao.

GS Patrick Aurenche, đồng giám đốc Trường Vật lý Việt Nam, phát biểu khai mạc trường này
GS Patrick Aurenche, đồng giám đốc Trường Vật lý Việt Nam, phát biểu khai mạc trường này

Đã mười mấy năm nay, năm nào cũng thế, cứ đúng vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh và đầu năm mới, ông lại phải rời nhà sang tận nước Việt xa xôi. Cũng đành vậy thôi. Bởi vì, từ năm 1994, tôi được GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, mời làm đồng giám đốc Trường Vật lý Việt Nam.

Bên cạnh Patrick còn có một đồng giám đốc khác là TS Nguyễn Anh Kỳ. Hai vị đã làm việc không lương cho VSOP suốt 21 năm qua. Công việc của hai đồng giám đốc (co-director) là theo dõi sát sao những vấn đề sốt dẻo mới nảy sinh trong dòng thời sự của vật lý hạt cơ bản, phát hiện những nhà nghiên cứu có khám phá mới quan trọng, rồi gửi thư mời họ sang giảng bài cho VSOP và đề nghị họ vui lòng không nhận tiền thù lao vì Việt Nam còn nghèo. Từ việc lên danh sách các giảng viên sẽ đến trường, hai đồng giám đốc thống nhất chương trình cho năm học.

Bên cạnh công việc chuyên môn, hai ông còn phải lo “xoay” tiền tài trợ. Ngoài Hội Gặp gỡ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam thường xuyên tài trợ còn phải cố gắng tìm thêm các nguồn tài trợ khác. Đã 21 năm hai ông làm việc âm thầm.

Tin vào thế hệ nhà khoa học trẻ

Đúng là âm thầm, bởi lẽ nội dung khoa học của loại trường này chuyên sâu đến mức “bí hiểm”, ví như “lý thuyết đại thống nhất”, “lý thuyết siêu đối xứng”, “không - thời gian 11 chiều”, “lý thuyết siêu dây”, “trường siêu ma”... Đó là những vấn đề hóc búa mà các bộ óc lớn trong giới vật lý quốc tế đang ra sức lý giải.

Tất cả mớ kiến thức vật lý đương đại đó thật quá ư cao siêu, xa lạ đối với công chúng bình thường. Bởi vậy, nó khó cuốn hút giới phóng viên đến săn tin, viết bài. Hơn nữa, các bài giảng tại trường này, từ năm 1994 đến nay, đều được trình bày bằng tiếng Anh. Cho nên, trong xã hội ta, ít ai biết rằng đã âm thầm tồn tại suốt 21 năm qua một kiểu trường đặc biệt Vietnam School of Physics thu hút nhiều nhà vật lý trẻ từ nhiều nước đến nước ta như vậy.

Patrick có cảm tưởng gì khi trở lại Nha Trang?

Năm 1998, tôi cũng đã đến đây, để cùng TS Nguyễn Anh Kỳ chủ trì Vietnam School of Physics. Sau khi tới sân bay Nha Trang, tôi được mời ngồi xích lô, thong dong dạo qua các phố, về khách sạn. Còn sáng nay, khi chiếc Airbus vừa hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, tôi lên taxi phóng băng băng hơn 100 km/giờ trên con đường cao tốc 4 làn xe, dài khoảng 60 km, men theo bờ biển tới Nha Trang... Thành phố này cũng như cả nước Việt Nam biến đổi quá nhanh.

Tại trường có mở những buổi mini-seminar để các học viên trình bày bằng tiếng Anh kết quả nghiên cứu mới nhất của mình. Toán, vật lý là 2 môn thường được coi là “vừa khó vừa khổ, lại vừa khô”. Thế nhưng vẫn có nhiều bạn gái trẻ hăm hở lao vào; và không ít bạn lại là dân... tỉnh lẻ.

Trước khi chia tay, tôi muốn biết nhận xét của Patrick về các học viên người Việt.

So với năm 1994, các học viên người Việt hiện nay trẻ hơn và được đào tạo tốt hơn, nhờ một thế hệ mới các giảng viên vật lý - Patrick vui vẻ nói. Giáo sư nước ngoài giao tiếp dễ dàng hơn với học viên người Việt. Rào chắn ngôn ngữ - tiếng Anh - vẫn còn đó nhưng không cao ngất ngưởng như trước nữa.

“Cách đây dăm năm, ta dễ dàng nhận thấy khoảng cách về trình độ giữa các bạn trẻ Việt Nam và các đồng nghiệp trẻ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia..., những nghiên cứu sinh thường sang Việt Nam dự trường này. Rất đáng mừng, tình trạng đó giờ đây không còn nữa. Nhiều học viên người Việt các năm trước, về sau, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Một số đã trở về nước giảng dạy đại học; học trò của họ được đào tạo tốt hơn và có mặt hôm nay” - Patrick nhận xét, rồi kết luận: - Chúng ta có căn cứ để tin vào lớp trẻ Việt Nam...

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-5

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo