xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng “tỉ phú”… nợ

Theo Lao Động

Làng Đa Ngư, xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hoà (Phú Yên) vốn là "vành đai trắng", quanh năm cát bay, cát nhảy chạy dài ra biển, ra sông Đà Nông. Nhưng rồi một ngày con tôm sú "lên ngôi", làng cát cũng bỗng chốc "lột xác" trở nên sầm uất. Ai ai cũng thu nhập bạc triệu, bạc tỉ.

"Vậy mà qua thời hoàng kim, mấy năm nay con tôm đỏng đảnh "trở chứng" liên tục dịch bệnh "rớt đáy". Và hàng trăm hộ dân Đa Ngư càng lao vào nuôi tôm, càng trắng tay, càng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất..." - lão ngư Đào Khắc Nhạn, một trong những người "khai sinh" nghề nuôi tôm sú ở đây, buông câu thở dài.

Chân dung những "tỉ phú"... nợ

Tôi lia máy chụp vài kiểu ảnh ở trên đường làng, bất chợt nghe tiếng gọi giật: Anh đi mua nhà phải không? Chưa kịp trả lời, một người đàn bà luống tuổi (sau mới biết tên là Đào Thị Đầm), cao, ốm, đen, gương mặt trông tiều tụy, đến gần giục: Vào đây xem nhà mới kiên cố, rộng và thoáng mát lắm!

Trước mặt một ngôi biệt thự cửa kính, tường ốp men bóng loáng, nhưng bên trong trống rỗng không có một chiếc ghế để mời khách ngồi! Chị bộc bạch: "Khi con tôm còn "thịnh hành", làng này với hơn 70% hộ dân là "triệu phú", "tỉ phú". Nhưng bây giờ nhà cao, cửa rộng chỉ còn là "vỏ bọc" bên ngoài thôi anh ạ, bởi đa số lỗ tôm nặng, nợ như Chúa Chổm, phải dắt díu nhau đi tứ xứ làm ăn và nhiều người phải kêu bán nhà để trang trải vốn vay. Tôi xây nhà này hơn 500 triệu đồng đấy, bấm bụng rao bán cả năm nay với giá rất rẻ để trả nợ ngân hàng, nhưng chẳng ai mua...".

“Ở tỉnh, huyện có ai muốn mua nhà ở đây, anh chỉ giùm nhé!". Rồi chị lầm lũi đi bóc vỏ lụa hạt điều cùng đứa con trai.

Trò chuyện thêm mới biết gia đình chị Đầm đang lâm vào cảnh bi đát. Những năm 2000, vợ chồng chị nuôi tôm trúng đậm tiền tỉ, trở nên giàu nhất nhì ở thôn Đa Ngư. Những năm sau liền dốc hết vốn vào đầu tư trại sản xuất tôm giống, xây nhà, mua sắm phương tiện... nhưng liên tục bị lỗ nặng, nợ vay ngân hàng 200 triệu đồng, chưa kể tiền "vay nóng". Không chịu được cảnh ngày ngày bị nợ đòi, chồng chị - anh Dương Văn Chương, đã bỏ ao đìa, bỏ nhà ra đi biền biệt gần 2 năm nay. Một mình chị phải vất vả đan ghế mây hoặc bóc vỏ lụa hạt điều kiếm được từ 12.000 - 15.000 đồng/ngày, không đủ lo phụng dưỡng nuôi cha chồng, 3 đứa con và cháu ăn học.

Nhìn những ngôi biệt thự lộng lẫy mà chạnh nghĩ về gia chủ của nó đang đối mặt với cảnh túng thiếu, nợ nần.

Rồi tình cờ, tôi gặp ông Phạm Năm - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Hoà Hiệp Nam đi phát giấy thu nợ vay ngân hàng đến tận nhà dân ở Đa Ngư. Tôi đếm được 247 phiếu nợ quá hạn phải trả lãi. Ông Năm thở dài: "Từng quý, các tổ HND vay vốn buộc phải đi thu nợ mệt nhừ người, bởi cả xã có đến 1.365/2.310 hộ nợ vốn vay gốc và lãi hơn 15 tỉ đồng, trong đó thôn Đa Ngư chiếm phân nửa! Đọc kỹ tên trên phiếu thì rõ những "tỉ phú" có nhà xây 2-3 tầng như Võ Ri, Trương Minh Trí, Dương Nghề, Nguyễn Hào... nợ quá hạn từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nhưng một khi tài sản bán không trôi và nghề nuôi tôm vẫn cứ lao đao, thì còn lâu ngư dân ở đây mới trả được nợ...!".

Khát "đánh bạc" với... tôm

Ở cuối làng Đa Ngư là một cánh đồng tôm với bờ ao dày đặc và vuông vức như ô bàn cờ nằm vắt mình theo dòng sông Đà Nông. Đây đó, lác đác những chòi canh mới dựng, những hồ tôm khô khốc nằm xen với những ao nuôi loang loáng nước và ầm ào máy quạt tung bọt trắng xoá.

Bí thư Chi bộ thôn Đa Ngư Huỳnh Trọng Mười đang thả tôm nuôi cho biết: "Nơi đây, một thời gọi là "dòng sông dream", mỗi năm thu hàng trăm tấn tôm, làm đổi đời cuộc sống của người dân Đa Ngư và cả xã Hoà Hiệp Nam. Còn bây giờ, nó được gọi là "dòng sông tu sớm" (nói lái từ tôm sú), bởi càng nuôi, tôm càng dịch bệnh, càng lỗ vốn. Mùa này đa số ao hồ bỏ trắng, chỉ có khoảng từ 40 - 50% diện tích ao đang nuôi".

- Vì sao con tôm liên tục bị dịch bệnh, lỗ vốn mà bà con vẫn cứ lao vào nuôi! - tôi hỏi. - Đa số hộ dân chuyển sang làm nghề khác. Nhưng cũng nhiều hộ đành phải bám sông và bạo gan "đánh bạc" với... tôm mới mong "gỡ" lại để trang trải nợ nần - ông Mười phân trần. -Nhưng ai ai cũng nợ vay ngân hàng thì lấy đâu ra vốn đầu tư nuôi tôm? - Nói vậy chứ cũng có một số hộ nuôi có lãi, lại giúp đỡ người thiếu vốn. Còn nhiều người xoay xở vốn chủ yếu bằng cách "vay nóng". Nếu hết tiền, đại lý không bán nợ thức ăn, thì... nấu cháo gạo trắng cho tôm ăn - mấy năm nay nhiều hộ dân vẫn làm như thế!

Đứng trên ao tôm khô trơ đáy, ông Đào Khắc Nhạn - nguyên Bí thư Đảng bộ xã Hoà Hiệp Nam nhớ lại: Trước đây thôn Đa Ngư rất nghèo, chỉ có vài mươi ngôi nhà tranh vách liếp liêu xiêu trên dải cát nóng bỏng, và bà con quanh năm lam lũ với đồng ruộng, với nghề đi xiết bắt con tôm, con cá ở mom sông này. "Cái khó ló cái khôn" - năm 1988, tôi cùng các nông dân Vân, Vẫn và Bốn Chiến ở Đa Ngư cùng nhau bắt con tôm cỏ, tôm sắt (nay gọi là tôm sú) về thả nuôi thử nghiệm ở hồ ven sông Đà Nông. Kết quả con tôm phát triển nhanh và có giá trị kinh tế. Đến năm 1990, chúng tôi lặn lội vào tận Ninh Hoà (Khánh Hoà) mua con giống đẻ nhân tạo về nuôi trên 3ha và đạt hiệu quả rất cao, cứ bán 10 cân tôm là lãi được 1 chỉ vàng. 5 năm sau con tôm sú bắt đầu "lên ngôi", nhiều hộ nuôi tôm ở Đa Ngư có thu nhập rất cao từ 300 - 500 triệu đồng/năm.

Lợi nhuận kinh tế rất cao khiến nhà nhà, người người ồ ạt phá bỏ tất cả ruộng lúa để làm ao thả tôm hơn 1.500ha (riêng Đa Ngư 200,8ha). Song cũng chính người nuôi đã "hành xử" thô bạo với thiên nhiên như thả tôm quá dày, xả thải ra sông, lấn chiếm gây ách tắc dòng chảy... Hệ quả là môi trường nước ngày càng suy thoái, ô nhiễm và dịch bệnh tôm tất yếu xảy ra lây lan càng lúc càng nghiêm trọng hơn. Và từ năm 2002 đến nay, vùng nuôi tôm "siêu lợi nhuận" này quay lại "đánh" vào người nuôi, với những vụ tôm "siêu rủi ro", mỗi năm có đến 80% hộ nuôi bị lỗ vốn nặng!

Từ "thiên đường giàu sang" bỗng chốc lỗ tôm trắng tay, nợ nần, lão ngư Phạm Sướng đành đi bán dạo vé số tại TP.Hồ Chí Minh để lo cho cả gia đình tạm qua cơn "bĩ cực". Nhưng sau vài tháng, ông lại hồi quê làm thuê, làm mướn trên đồng, không đủ đắp đổi qua ngày.

Trưởng thôn Đa Ngư Đào Khắc Vẫn cho biết: "Hơn 70% dân thôn Đa Ngư (trong tổng số 788 hộ) có cùng cảnh ngộ như ông Sướng, chị Đầm... Không nuôi tôm, không còn ruộng đất, không ghe thuyền đi biển, họ tìm kế sinh nhai bằng nhiều nghề khác".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo