xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Luẩn quẩn đói nghèo

Bài và ảnh: DUY NHÂN

Đói nghèo - phạm pháp - đóng phạt - phạm pháp - đói nghèo... Cái vòng luẩn quẩn không lối thoát này vẫn ngày đêm diễn ra trên vùng biển cạn cuối cùng ở Cà Mau

Từ trung tâm xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân - Cà Mau, đi thêm vài mươi mét dọc con đường bùn đất nhầy nhụa, qua cây cầu sắt bắc ngang kinh nước đen, tôi đến xóm “tập đoàn”. Trên 300 gia đình đang cư ngụ dưới những mái nhà tranh xập xệ ở đây. Họ phiêu dạt đến khu này sinh sống bằng nghề “ngư tặc” ở bãi bồi đã hơn 30 năm nay.

img
Chị Lê Thị Vạn đang đợi chồng đi bắt ba khía về bán kiếm tiền mua thuốc cho con


Cống tiền, cống cả tình


Anh Dương Thành Vẽ, Phó Công an xã Nguyễn Việt Khái, vừa từ chức khi mới ngoài 30 tuổi, lấy ra một biên lai xử phạt mà anh cất giữ lâu nay như vật kỷ niệm. Anh chỉ con số 1,5 triệu đồng nhạt nhòa trên giấy, bức xúc: “Làm ăn với nhau mà họ còn không buông tha tôi”. Vẽ uất ức kể cho tôi nghe những chuyện “làm ăn thầm kín” giữa anh và những người trong đội bảo vệ khu bảo tồn biển.


Trước đây, Vẽ từng làm trung gian đứng ra gom tiền của các “ngư tặc” ở bãi bồi cống nạp cho một số người trong đội bảo vệ để đổi lấy sự làm ngơ. Đường dây của Vẽ gồm bà L., ông C. và anh. Mỗi tháng, đường dây này phải gom từ mỗi hộ “ngư tặc” 1 triệu - 3 triệu đồng đóng cho một người tên T. Có lần, một “ngư tặc” đã cống nạp vẫn bị đội bắt và phạt tiền. Vẽ hay tin tìm tới đội hỏi cho ra lẽ.
 
Không ngờ, chẳng bao lâu sau, chính anh cũng bị bắt, bị phạt. “Đã mất lòng rồi thì khó mà sống bằng nghề này được nữa, vậy là tôi quyết định từ chức và bỏ luôn 100 cái lú, mở tiệm tạp hóa nhỏ sinh sống” – Vẽ thổ lộ.


Đến chân cầu sắt kinh nước đen trong xóm, tôi gặp một nhóm người đang xúm quanh ngôi nhà có tiếng người đàn ông đang chửi bới vợ. Giọng anh chồng dội ra từ ngôi nhà lụp xụp dưới chân cầu: “Ai bảo cô chưng diện, muốn “đóng phim” như vợ thằng T. hả”.

Khi tôi đang nghĩ đến câu nói đầy ẩn ý của anh chồng thì một người đàn ông hơn 40 tuổi tên Cao Văn Xuân đến khều nhẹ vào vai, hỏi: “Chú là nhà báo hả? Chúng tôi đang có chuyện bức xúc đây!”. Vừa kéo tôi ra chỗ vắng, ông Xuân vừa buông một câu chán chường: “Muốn sống được ở đây không chỉ cống tiền mà còn phải cống tình, như vợ thằng đó”.


Tôi gặng hỏi mãi nhưng ông Xuân không tiết lộ gì thêm mà dắt đến một ngôi nhà nhỏ chồm ra kinh nước đen. Trong nhà có nhiều ngư dân lam lũ đang ngồi chờ sẵn. Mỗi người phân trần một hoàn cảnh, nhưng hầu hết đều khẳng định muốn sống được ở đây phải biết chung chi cho người trong đội bảo vệ khu bảo tồn biển từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, tùy theo quy mô “làm ăn”. Bà Trần Thị Hằng đã ngoài 50 tuổi, giọng rổn rảng: “Tôi vừa mới đóng tiền chuộc lại hàng lú hết 1,5 triệu đồng. Mỗi tháng, tôi lại bị bắt phạt 1 - 2 lần. Mỗi lần như vậy, mấy ông ở đội bảo vệ bảo tôi chỉ điểm một người khác để bắt. Cứ thế, mấy ổng bắt xoay vòng, khi nào hết thì lại tới lượt tôi bị bắt phạt”. Chủ nhà, anh Vi Hoàng Tuấn, kể: “Trước đây, tôi cũng có cả trăm miệng lú, rồi bị bắt. Mấy ông ở đội bảo vệ chỉ lấy một nửa, chừa lại một nửa để tôi làm ăn kiếm tiền nộp phạt”.


Nợ nần chồng chất


Nghe có nhà báo đến, nhiều hộ “ngư dân” nhanh chóng xúm lại, người xen một câu, kẻ kể một hoàn cảnh. Tôi để ý một phụ nữ khá trẻ bồng con nhỏ khoảng 2 tuổi. Đứa bé nổi ban đỏ lừ cả người, cứ giãy nảy khóc ré lên. Tôi khuyên đưa đứa bé đi bác sĩ, người phụ nữ cúi mặt, nghẹn ngào: “Chiều nay còn phải xin gạo ăn, tiền đâu đến bác sĩ...”.


Chị cho biết tên là Lê Thị Vạn, 28 tuổi. Chồng chị, anh Phạm Thanh Hậu, 30 tuổi, đã đi bắt ba khía đến chiều tối mới về. Tôi hỏi sao không mang lưới đi đánh cá kiếm tiền, chị Vạn ngao ngán: “Tôi mới bị bắt hồi tháng trước nên giờ không dám đi, lỡ bị bắt nữa thì lấy đâu ra tiền chuộc? Hồi đó bị bắt phải đi vay nóng 1,5 triệu đồng để nộp phạt, giờ vẫn chưa có tiền trả lại. Cả tháng nay, chồng tôi phải đi bắt ba khía bán và nhờ bà con thương tình cho gạo ăn”.


Hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Hai còn bi đát hơn. Bà bị đội bảo vệ bắt nhiều lần, cứ đóng tiền chuộc lấy lưới ra giăng cá lại bị bắt, rồi phải tiếp tục đóng phạt... Không có tiền chuộc ghe, chuộc lưới, bà phải đi vay nóng. Đến khi số nợ từ 3 triệu đồng ban đầu đẻ lãi lên tới 19 triệu đồng, vợ chồng bà đành phải bán căn nhà lá và phải vay thêm 3 chỉ vàng mới đủ tiền trả dứt nợ. Bà Hai rầu rĩ: “Tưởng sau lần đó thoát được kiếp nợ nần. Không ngờ, gia đình tôi với mấy mảnh lưới vẫn rơi vào cái vòng luẩn quẩn bị bắt - đóng tiền chuộc - lại bị bắt. Số nợ mới của tôi giờ đã trở lại như cũ. Tôi có 4 con thì 3 đứa phải nghỉ học giữa chừng. Trong hoàn cảnh không lối thoát, cách nay 2 năm, tôi đã tự tử nhưng có người phát hiện cứu sống”.


Đói nghèo, phạm pháp, đóng phạt, phạm pháp, đói nghèo... Cái vòng luẩn quẩn không lối thoát này vẫn ngày đêm diễn ra trên vùng biển cạn cuối cùng của đất nước ở Cà Mau.

Thôi làm “ngư tặc” vì... con vịt!


Ông Cao Văn Xuân kể: “Cách nay gần 10 năm, tôi bị tịch thu hàng lú. Không có tiền chuộc, tôi nhờ anh Đằng quen biết bên đội bảo vệ khu bảo tồn biển xin giùm. Nhìn trong nhà tôi không thấy có gì đáng giá, anh Đằng bảo bắt con vịt xiêm để đến nói chuyện với đội. Đúng ngày hẹn lấy lưới, tôi đến vẫn còn thấy con vịt bị cột chân trước trụ sở đội bảo vệ. Như nhận ra người quen, con vịt cứ chồm về phía tôi. Thấy tội nó quá, tôi bảo anh Đằng tôi chấp nhận bỏ hàng lú để bắt con vịt về. Anh Đằng giãy nảy: “Mày làm vậy chết tao, mấy ổng đã mua đồ chuẩn bị làm tiết canh rồi”. Tôi đành ngậm ngùi ôm mấy cái lú ra về và từ đó thôi làm “ngư tặc” cho đến nay”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo