xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người trẩy hương dâng đời

Bài và ảnh: Trần Huy Minh Phương

Bất chấp rào cản của tuổi tác, cái tâm thiện và niềm đam mê lớn ngày càng làm tăng độ chín của vàng, óng ánh của ngọc trong người nghệ sĩ tài hoa ấy. Con đường ông chọn và đi chưa hẳn ai trong chúng ta cũng vượt qua được

Lần nào gặp nhau cũng vậy, ông ân cần hỏi thăm gia đình, cuộc sống rồi chuyện văn chương. Khi câu chuyện đã bén lửa, ông bắt đầu trải lòng hăng say về bao dự tính, dốc mình cháy cùng niềm đam mê những nốt hồng âm nhạc. Dáng vẻ gầy nhom và tuổi tác ngấp nghé “cổ lai hy” của ông dễ đánh lừa người mới gặp về sự yếu đuối. Nhưng không!

Tuổi thơ thèm tiếng mẹ cha

Ông chính là nhạc sĩ Đỗ Lập (tên thật Đỗ Thành Lập, SN 1946), quê huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Nơi đó có dòng kinh xáng Xà No, là mạch nguồn khơi gợi sau này cho dòng chảy nghệ thuật và máu lãng tử trong con người nhạc sĩ tài hoa, hiền hậu ấy.

Chưa thôi nôi, mẹ mất, tròn 5 tuổi thì cha hy sinh trong một trận càn chống Pháp, từ đó cậu bé Lập mất đi tình cảm thiêng liêng. Thế là Lập trải qua hành trình dài của những chuyến đi và về trong nỗi nhớ mồ côi, chiến tranh ám ảnh suốt một thời thơ dại. Còi tàu rúc rung mặt sóng biển đã đưa 2 chị em cậu bé 8 tuổi ra Bắc.

img
Nhạc sĩ Đỗ Lập và giấy chứng nhận quà tặng sa bàn Đất Việt của UBND TP Hà Nội

Suốt những năm 1954-1974, Đỗ Lập học tập, công tác ngoài Bắc. Phù sa sông Hồng, thủ đô văn hiến bồi đắp tâm hồn của ông dài theo năm tháng. Ông từng tâm sự: “Quê hương thứ hai là đất Bắc, là thủ đô, là dòng chảy đỏ tình Hồng Hà đã nuôi dưỡng tôi bằng tình yêu trong sáng, bằng lịch sử hào hùng. Tôi luôn nghĩ mình phải làm gì đó tri ân thủ đô”.

Chiều đã xuống đầy, ông thủ thỉ hòa giọng cùng tiếng côn trùng quanh nhà người con ở vùng ven ngoại thành quận 12, TP HCM: “Lúc tôi được sống và học tập với các bạn miền Nam trên đất Bắc thì tại quê nhà là cảnh giết chóc, máu đổ đầu rơi, gót giày giặc giày xéo phương Nam. Hình ảnh người cha xã đội trưởng du kích hy sinh anh dũng năm nào dấy trong tôi hừng hực sức trẻ. Hòa mình vào dòng chảy lịch sử, tôi tự hào đã có mặt trong hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ, là lính Trường Sơn”.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đỗ Lập về lại nơi chôn nhau cắt rốn, trải qua nhiều nghề, cả trồng trọt rồi đến hợp đồng dạy môn âm nhạc. Trước sau như một, ông vẫn đam mê, hăm hở làm những gì có lợi cho anh em, bạn bè, quê hương. Ông lại đi trong cuộc hành trình đầy trăn trở. Dáng người dong dỏng cao, dúm tóc đuôi gà được ông cột bằng cọng dây thun đã lốm đốm muối tiêu theo tháng ngày nhưng bước chân phong trần vẫn chưa chịu thảnh thơi. “Mình còn sống lúc nào thì tranh thủ đi, học tập, làm gì đó cho bản thân, không thì bị ì ra” - ông lý giải.

63 dúm đất quê hương

Đỗ Lập ấp ủ mãi ý tưởng phải làm cái gì đó có ý nghĩa sâu sắc, thật giá trị gửi về thủ đô yêu dấu. Đầu năm 2000, ông quyết định hành trình xuyên Việt bằng chiếc xe máy vốn ngày ngày là bạn đồng hành của mình qua những chặng đường mưu sinh, sáng tác, thăm thú bè bạn…

Lúc đầu, ông hào hứng đem ý tưởng đó ra chia sẻ cùng vài người bạn, hầu như tất cả đều cho là điều không tưởng. “Ngựa sắt” của Đỗ Lập thuộc dạng tới đát, tạng người ông thì “mỏng cơm” quá. Những cơn sốt rét rừng năm nào dường như còn vương vất đâu đó trên người ông, rồi khoản chi tiêu nữa... Nghe những lời không tán thành, ông chẳng nhụt chí mà ngược lại, càng thêm háo hức.

Đỗ Lập đem điều thầm kín đó tâm tình với người bạn trẻ rất thân với ông - nhà thơ Quân Tấn (Đồng Tháp). Rồi ông lên kế hoạch cho chuyến xuyên Việt bằng xe máy, sẽ lấy 63 dúm đất của 63 tỉnh, thành cả nước về đắp thành sa bàn nước Việt - dự kiến đặt tên là Đất Việt. Đầu tiên, Đỗ Lập luyện sức chạy xe máy từ Hậu Giang lên TP HCM thăm con cái và bạn bè. Con ông giật mình lo lắng khi thấy người cha già chạy xe máy từ quê lên thành phố. Ông cười, giấu kín dự định xuyên Việt, vì nói ra chắc rằng các con sẽ cản trở ngay.

Dạo đó, ngoài giờ dạy hợp đồng môn âm nhạc ở Trường THCS phường 7, TP Vị Thanh, thầy giáo Đỗ Lập còn… chạy xe ôm. “Cái chính là tôi rèn sức dẻo dai, cũng là tích lũy đồng vốn cho chuyến xuyên Việt” - ông cho biết. Từ năm 2005 trở đi, ông càng mong mỏi điều ước nguyện thành hiện thực.

Cơ duyên đã đến, khi ấy nhiều hoạt động đang hướng tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đỗ Lập tình cờ gặp lại Tống Quang Trung, người bạn học ở đất Bắc năm nào. Khi Đỗ Lập dốc bầu tâm sự, người bạn biết tâm ý của ông như vậy là quá đẹp. Ông Trung đã cho Đỗ Lập mượn máy chụp ảnh kỹ thuật số để ghi lại hình ảnh những nơi đi qua rồi tặng một số tiền. Lòng Đỗ Lập lúc ấy mừng vui khôn xiết.

Ngày 1-3-2010, Đỗ Lập bắt đầu chuyến hành trình xuyên Việt, khởi điểm từ Bảo tàng TP HCM - Bến cảng Nhà Rồng. “Chọn địa điểm cho hành trình rất quan trọng, nó phải phát khởi từ tâm sáng, trí dũng. Nơi đây Bác Hồ đã từng ra đi tìm đường cứu nước. Còn tôi xin được nặn lại hình ảnh Tổ quốc qua chất liệu đất” - ông nói. Tổng chiều dài chặng đường xuyên Việt 63 ngày đêm của Đỗ Lập là 10.380 km, chia làm 2 đợt.

Sau khi vác bao đất gói kỹ và ghi tên đất của từng tỉnh - thành, Đỗ Lập về Hậu Giang bắt tay vào việc làm sa bàn Tổ quốc thu nhỏ từ 2 tấm bản đồ hành chính có kích thước 40 x 90 cm. Một bản đồ để phía dưới, đặt tấm kính dày 3 ly lên. Bản đồ còn lại, ông cắt ra theo từng đơn vị hành chính và vón đất theo đơn vị tỉnh, thành đó vừa khít. Cứ thế, tấm kính đã được 63 dúm đất phủ lên, rồi ông dùng keo dán sắt gắn kết các “đơn vị đất” với nhau, đậy mặt kính lại.

Đỗ Lập đã dùng cây mít ở vườn nhà khi xưa - được người chủ mới tặng lại khi biết được ý nguyện đẹp của ông. Ông lấy lõi gỗ mít làm chân đế tạc hình trống đồng thời Hùng Vương rồi đặt sa bàn Đất Việt lên đó. Phía trên là mặt trống đồng, bên mép trái là cụm hoa sen, bên phải là con rồng mô phỏng rồng thời Lý há miệng ngậm ngọc.

“Chất liệu gỗ mít rất tốt, bền lâu, mang đầy chất tâm linh. Đất nước Việt Nam được đặt trên trống đồng biểu hiện trải qua lịch sử hơn 4.000 năm văn hiến. Cụm hoa sen tượng trưng cho hình ảnh Bác Hồ. Con rồng thời Lý thể hiện sự thăng hoa, đất nước bay lên cao rộng, đẹp giàu” - Đỗ Lập giải thích.

Sau gần 100 ngày lao động miệt mài, Đỗ Lập đã cho ra đời sa bàn Đất Việt cao 1,1 m (tính luôn chân đế), ngang 0,4 m, nặng khoảng 20 kg. Ông tặng sa bàn cho thủ đô Hà Nội nhân dịp đại lễ trước bao cặp mắt thán phục và xuýt xoa khen ngợi. Bản thân Đỗ Lập chưa một ngày được đào tạo nghề mộc hay chạm khắc, ông cứ làm theo ý tưởng, lòng đam mê mà thành. Những nhọc nhằn trong ông dường như tan biến khi tâm nguyện và lòng thành kính luôn hướng về Thăng Long - Hà Nội.

Đất Mũi Cà Mau, Nghĩa trang Trường Sơn, địa danh lịch sử Pắc Bó, địa đầu Tổ quốc Lũng Cú… và còn nhiều địa chỉ đỏ khác nữa, tất cả đều lắng sâu những nốt nhạc trầm trong lòng con người miệt Hậu Giang ấy. Đến đâu, Đỗ Lập cũng mặc niệm rất lâu trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ. Những chuyến đi của ông đều thuận buồm xuôi gió, xe không trục trặc, người không bệnh, tiền vừa vơi lại đầy từ những người bạn cũ - mới...

img
Nhạc sĩ Đỗ Lập kiểm tra một bản nhạc vừa sáng tác
Tài hoa, hào sảng
Hơn 10 năm nay, nhạc sĩ Đỗ Lập là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hậu Giang, chuyên ngành âm nhạc. Đến nay, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã in thu hoàn chỉnh 5 đĩa nhạc, trong đó có 1 đĩa viết cho thiếu nhi, dự thi một số ca khúc và có giải thưởng.
Đỗ Lập biết nhạc qua môn âm nhạc được học từ thời phổ thông. Niềm vui thích nhen thêm đam mê, ông đã không ngừng trau dồi âm nhạc. Từ năm 1999, ông bắt đầu tập sáng tác ca khúc, sáng tạo và âm thầm trên hành trình trẩy hương dâng đời.
Hôm rồi, Đỗ Lập gọi điện thoại rủ tôi qua nhà ở quận 12 chơi. Nghe giọng hào hứng của ông, tôi đoán chắc là nhạc sĩ vừa “chuyển dạ” xong một đứa con tinh thần bụ bẫm. Quả thật, Đỗ Lập vừa phổ xong bài thơ Lời của sóng của nhà thơ Trịnh Công Lộc.
Hai anh em cùng phiêu theo những nốt nhạc trầm hùng quê hương và biển đảo. “Đây là món quà mừng Xuân Giáp Ngọ cho thành phố, cho quê hương đó. Giáp Ngọ ngựa phi nước đại, mọi sự thành công” - ông hồ hởi.
Ông còn nói nhiều đến những chuyến về nguồn dự tính. Nghe tiếng cười hào sảng và giọng nói đầy đam mê của Đỗ Lập, không ai nghĩ ông sắp bước sang tuổi 68.
 

img

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo