xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thị tứ giật mình

NGUYỄN YÊN THY

Nhìn, ngó lơ, cười, bỏ hai tay vào túi quần... đi trên đường trong thị tứ có thể bị bọn đầu gấu hành hung bất cứ lúc nào. Ngay đến cả công an, bọn đầu gấu cũng chẳng chừa!

Cách trung tâm thị trấn P’Rao, huyện Đông Giang chừng 20 km. Nằm cạnh con đường Hồ Chí Minh vừa mới mở đoạn ngang qua tỉnh Quảng Nam là thị tứ A Sờ thuộc xã Macooih. Qua mấy đường cua uốn lượn giữa rừng xanh. Đến đỉnh đầu một con dốc đứng nhìn xuống thì thấy hiện ra những dãy nhà mới xây chen lẫn giữa những ngôi nhà sàn của người Cơtu. Bốn bề núi cao dựng đứng.

Thành phần tứ chiếng

Bụi bặm. Tiếng ồn. Những người đàn ông râu ria lấm láp. Những gã đầu đinh đi bộ nghênh ngang trên đường. Thấp thoáng bóng những cô gái nói giọng miền Tây mặc áo hai dây quần bò để hở rốn hở lưng mênh mông với hình xăm xanh đỏ chạy xe “xì-po” Tàu nổ bèn bẹt qua lại con đường chính rồi khuất vào những quán đề bảng hiệu karaoke. Nếu không có những chiếc xe “reo”, những chiếc Kamaz dính bụi đỏ quạch chạy ầm ầm suốt buổi trưa nắng gắt thì không ai nói rằng đây là chốn rừng xanh núi đỏ xa xôi. Thủy điện A Vương vừa khởi công xong, đội quân chuyên buôn bán đường rừng nhảy vào trước tiên. Họ mua đất xây lên những dãy nhà trọ, những quán ăn nhậu kèm cả phòng karaoke, bàn bi-da và phòng nghỉ mọc lên từ đầu đến cuối A Sờ biến nơi này thành một thị tứ có dáng dấp những thị tứ của dân tìm vàng tứ chiếng miền Viễn Tây nước Mỹ trong chuyện của Jack London. Khoảng chập choạng tối đi dọc các quán nhậu sẽ nhận ra giọng của người các vùng từ Hà Tây, Hà - Nam - Ninh, Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và miền Tây Nam Bộ qua cách phát âm những tiếng... chửi thề.

Ban đêm không dám ra đường

Ban Quản lý công trình thủy điện A Vương có trụ sở tại A Sờ nhưng công trường nằm cách đấy hơn 10 km. Đường vào công trường mới ủi dọc theo bờ sông A Vương trên ghềnh núi cao ngút ngát. Lều tạm của công nhân làm bằng tre nứa phủ nylon xanh đỏ sặc sỡ nằm vắt vẻo trên sườn núi chen lẫn với vài quán bán giải khát, mì tôm nằm ven đường đất đỏ mù mịt. Đấy là thế giới của toàn đàn ông vào ban ngày với hơn 2.700 công nhân nam. Tại trụ sở của UBND xã Macooih, trưởng công an xã là A Lăng Trung không giấu nổi nỗi bức xúc trước sự xáo trộn không khí bình yên ở nơi này hơn một năm qua. Không hiểu đấy là công nhân kiểu gì? Và đơn vị chủ quản họ quản lý họ như thế nào? Chỉ biết hơn một năm

img
Toàn cảnh thị tứ A Sơ

nay, khi trời vừa sập tối thì những người dân ở A Sờ nếu không có chuyện thật cần thiết thì tắt đèn đóng cửa đi ngủ sớm. Đi ra đường vào khoảng giờ đó rất dễ bị gây gổ vô cớ. Chiều chiều, nhất là chiều thứ bảy, công nhân từ công trường kéo ra A Sờ nhậu nhẹt. Cảnh đi nhậu nhẹt thật “hoành tráng” bằng những chiếc xe Kamaz chở trên thùng xe chật cứng hàng chục công nhân. Xe đổ xịch trước quán và các bợm nhậu ùa vào. Chỉ một tiếng đồng hồ sau đã nghe tiếng la hét, tiếng gào thét, tiếng chân đuổi huỳnh huỵch, tiếng đất đá rơi rầm rầm trên mái nhà... người ta biết ngay một cuộc hỗn chiến mới lại bắt đầu. Đi ra đường, dù ban đêm hay ban ngày người dân A Sờ cũng không giấu nổi ánh mắt sợ hãi những tay đầu gấu là công nhân say rượu. Gặp cảnh này, cười cũng bị gây, ngó lơ cũng bị gây. Anh An làm thợ mộc phía sau nhà anh M’Hay, Phó Bí thư xã, một bữa ra đường gặp một tốp công nhân đi ngược chiều. Vô tình anh bỏ tay vào túi quần lấy thuốc lá ra hút. Một tên trong bọn chắn ngang trước mặt anh bảo: “Mày thích chơi dao à?”. Sợ quá anh An bèn thanh minh rằng chỉ lấy thuốc ra hút thôi và lẳng lặng về nhà. Một tốp khác vào quán Dũng Đá ăn uống xong bảo không có tiền trả. Chủ quán không cho nợ. Ngay lập tức chúng rút dao ra dí vào ông chủ đang run lên và hỏi cụt ngủn: “Thích không?”. Chủ quán lắc đầu không... thích.

Dám hành hung cả công an

Là công trình trọng điểm, thủy điện A Vương có nhiều đơn vị thi công giai đoạn đầu. Nhưng công nhân của Công ty Lũng Lô và Licogi rất có kỷ luật. Đa số những vụ việc lớn nhỏ như vậy đều do một nhóm công nhân thuộc Công ty Vinaconex gây ra. Ám ảnh lớn nhất với người ta là đội quân công nhân của Vinaconex. Những công nhân gốc Bắc này rất “lạnh”. Có thể ăn đòn vô cớ vào bất cứ lúc nào. Đầu gấu công nhân này không khác gì đầu gấu bãi vàng. A Lăng Trung kể có vụ đánh nhau trong lán, nghe tin, anh vào để giải quyết. Vào đến nơi thấy người bị đánh mặt mày be bét máu, xương quai hàm bị vỡ nhưng vẫn bị các đầu gấu phạt... quỳ. Anh đề nghị đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu nhưng những đầu gấu một mực không cho. Nhưng vụ kinh hoàng nhất xảy ra vào tối 31-8 vừa qua. Sáng 12-9, chúng tôi tiếp xúc với trung tá Ngô Duy Mãn, Công an huyện Đông Giang, đang nằm tại Bệnh viện 199 của Bộ Công an. Anh Mãn hiện vẫn đang được điều trị với một cánh tay bị gãy và nhiều vết thương trên đầu. Qua giám định thương tật sơ bộ 29%. Anh kể lại: “Tôi được phân công vào khu vực A Sờ để giữ gìn trật tự được hơn 4 tháng nay. Tối 31-8, tôi thấy mấy tốp công nhân của Công ty Vinaconex chở nhau trên xe Kamaz ra A Sờ uống rượu. Họ mang theo cả gậy gộc... Biết sắp có chuyện nên tôi đi tuần liên tục quanh khu vực. Khoảng nửa đêm, nhận được tin của quần chúng có một đám rất đông, có hung khí đứng ở khu vực đầu thôn A Sờ. Không ai dám đi qua lại khu vực này”. Khi anh Mãn đi đến thì bất ngờ rơi vào vòng vây của chúng. Anh tiến đến trước mặt một công nhân còn trẻ không có hung khí trên tay định khuyên can. Bất thình lình tên này rút gậy bằng gỗ giấu sau lưng phang vào người anh. Biết không xong anh bèn lấy gậy cao su ra vừa chống đỡ vừa rút lui về phía có nhà dân. Bọn chúng siết chặt vòng vây. Không ngờ, anh bị sụp cống và ngã xuống. Nhiều tên trong bọn xông vào ôm chặt anh. Những tên còn lại dùng chai bia và gậy đánh tới tấp vào đầu, vào người anh cho đến khi đồng đội đến giải vây kịp thời.

Công an huyện Đông Giang đã cắm chốt bảo vệ trật tự ở khu vực A Sờ nhưng lực lượng mỏng, nên tình hình rất phức tạp. Khi tôi đến trụ sở của Ban Quản lý công trình A Vương tìm hiểu tình hình, một người có quyền hạn ở đấy đã hỏi cộc lốc theo kiểu rất “giang hồ”: Nhà báo hả? Biết rồi! Anh tới đây có giấy giới thiệu của công ty không? Tôi bảo không có, chỉ có chứng minh nhân dân và thẻ hành nghề. “Không được!” - vị cán bộ đó lại cộc lốc. Tôi hỏi: Vậy công ty anh ở đâu để tôi biết mà về xin giấy giới thiệu? “Hai tháng chín!” (đường 2-9 TP Đà Nẵng – PV). Tôi đành lẳng lặng ra về. Tối hôm ấy phải tìm vào làng thanh niên ngủ nhờ một đêm chứ không dám ở ngoài đường lớn vì người dân ở đây cũng như tôi không ai... thích cái kiểu “thích không?” của đám đầu gấu này!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo