Thần dân ve chai
Thần dân ve chai cũng có năm bảy đường. Hầu hết dân ve chai dạo đều chỉ kiếm sống qua ngày và chỉ cần biết đến những vựa, đại lý thu mua phế liệu. Đối với họ, hằng ngày quẩy quang gánh cuốc bộ hoặc chạy xe đạp thồ, đẩy xe ba bánh luồn lách khắp đầu đường xó chợ để đêm về xếp hàng chờ các chủ vựa thanh toán ít tiền lời ''đổ mồ hôi sôi nước mắt'' là vui rồi. Họ sống hồn nhiên như cỏ cây, chấp nhận ''sinh nghề tử nghiệp'' quanh những bãi rác lớn ở ngoại thành như Đông Thạnh, Hóc Môn, những sân phơi đồ nhựa, bọc ni-lông đầy ô nhiễm ở khu kênh nước đen Tân Hương, Tân Bình, những đại lý thu gom sách báo, nhôm nhựa thiếc... vùng Chợ Lớn.
Bên cạnh đó còn có một loại thần dân có sự đỡ đầu và mục tiêu rõ ràng. Loại thần dân ve chai thứ thiệt này luôn trang bị trong người một dụng cụ tạo ra âm thanh tạm là cái lục lạc. Vũ khí lục lạc ấy vốn là hợp âm của những đồng tiền kim loại va chạm nhau loảng xoảng mà khi người rao cất điệp khúc lên người ta sẽ biết anh ta cần thu mua thứ gì. Chẳng hạn có thần dân chuyên thu mua gọng kiếng, có kẻ gom đá quý hột xoàn, chuyên ngành vỏ chai rượu ngoại, hay thầu đồ cổ đồ xưa...
Giai thoại ve chai
T.H - một thần dân ''chuyên môn gom vỏ chai rượu ngoại'' - sau 10 năm đã biến thành đầu lĩnh trong nghề. Trong một quán nhậu ở xóm Chùa vùng Tân Định, T.H thấy cái vòng lục lạc cũ mèm lên bàn tâm sự với tôi: “Bửu bối ngày xưa của tôi đấy ông ạ. Hồi đó tôi rao muốn rách miệng: “Vỏ chai rượu Tây, mua. Vỏ Remi Marten mua. Vỏ Hennessy, mua. Vỏ rượu ngoại nào cũng mua tuốt luốt''. T.H chỉ tay vào cái nhà kho vỏ chai gần đó: ''Tôi đầu cơ đống vỏ này để xài lúc Tết. Đám con buôn bất hảo làm rượu lậu ở Chợ Lớn có hơn 1.001 cách kiếm tiền với các vỏ chai rượu. Chúng thừa hiểu đám nhà giàu mới phất hoặc các quan chức rất khoái rượu Tây. Tây như Remi Marten hay Hennessy XO thì khỏi nói, biếu nhau một cặp làm quà tặng Tết ai mà chẳng ham. Chính vì thế sau khi gom hàng núi vỏ chai, chúng lần lượt tung ngược ra thị trường theo nhiều cách. Thứ nhất, đổ rượu dỏm vào chai cho vô bao bì đúng hàng complê rồi bày ở các quầy sạp hội chợ. Thứ hai, dùng ống tiêm trích hai phần ba rượu dỏm vô một phần ba rượu xịn để lấy ''mùi'' rồi đóng hộp thảy vô các khách sạn nhà hàng. Thứ ba, gặp khách nước ngoài khó tính và sành rượu, chúng không dùng biện pháp thủ công mà có cả một dây chuyền công nghiệp hẳn hoi để sản xuất. Trong phân xưởng bí mật chúng trang bị những mỏ hàn thủy tinh và đóng nắp tối tân đủ làm ''zin'' chai rượu, chưa kể những núi hộp thiếc, hộp giấy cáu bẩn được rửa sạch bằng hóa chất và cuối cùng là tống rượu trời ơi đất hỡi vào. Màu trắng, màu hổ phách, màu tím than mới nhìn giống hệt nhau làm sao rõ thực hư...''.
Câu chuyện của đàn anh T.H làm tôi nổi da gà. Ngược lại với T.H xóm Chùa, P. từ một thần dân lắc lục lạc hóa thân thành đầu anh ve chai bằng một hình thức khác. P. không "thầu" vỏ chai rượu, máy móc hư cũ mà chuyên trị đồ cổ. Một hôm anh đi qua căn nhà ngoại ô quận 8 có hai vợ chồng đang cãi nhau. Họ đổ ra một lô chén đĩa cũ, có lẽ từ thời ông cố họ để lại. “Ê, ve chai!, họ kêu P. và bán tháo bán đổ; họ còn muốn bán cả căn nhà. P. dốc tiền ra mua hết, con mắt thì mờ nhưng miệng lại từ chối: ''Toàn là đồ nát, rẻ lắm''. Họ thiếu điều năn nỉ P. Các bạn đoán số chén đã cũ ấy bao nhiêu tiền không? Toàn là đồ sành sứ thời Khang Hy, Càn Long cả, không dưới 10 cây vàng. Thế là P. trúng mánh. Anh rung đùi ngâm mấy câu thơ giang hồ cảm khái của một nhà thơ trong nghề cho tôi nghe:
“Anh em ta đi bán ve chai
Thằng thì chột mắt, đứa cụt tay
Râu tóc để lâu thành võ hiệp
Tráng sĩ mà ưa nhắm thịt cầy
Thực ra anh em ta rất đẹp trai
Không đẹp trai sao bán ve chai
Cái nhìn giá trị ngang vàng “xịn”
Con mắt nheo là hốt tiền xài”.
Triều đình ảo
Đoạn thơ P. vừa ngâm là có thật và được một nhạc sĩ ve chai khá nổi tiếng tên phổ nhạc cũng là chuyện có thật. Những nhân vật trong thơ từng đóng đô quanh các tiệm vàng và quanh chợ Lê Văn Sỹ, thỉnh thoảng trong một tiệm bún bò Huế trên đường Trần Huy Liệu, đã cùng thiết lập nên một triều đình ảo. Trong đó, tứ đầu lĩnh tức ''Tứ đại thiên vương'' cho dù tản mác khắp nơi nhưng gia sản và tay nghề ve chai 4 vị thì thượng thừa cỡ thương gia bạc tỉ. Đó là N. chuyên gom hột xoàn và phân kim vàng bạc. Là trùm gọng kính L. Đó còn là T., là A. sẵn sàng mua từ cây kim đến... phi thuyền nếu thứ đó có người rao bán.
Coi, bên cạnh tứ đầu lĩnh cần phải liệt kê thêm hoàng tử và công chúa, vốn là những mỹ nam tử và giai nhân ve chai chuyên làm công tác cò mồi và ngoại giao. Còn nhớ có lần một công chúa ve chai ngâm thơ và ca hát cực hay thuộc khu vực Phú Nhuận có biệt danh Kim Hoa Bà Bà lâm bạo bệnh qua đời, dân ve chai đã khóc hết nước mắt. Thậm chí có cả một hoàng tử xuất thân hoàng tộc Huế thật sự phải cạo đầu thương tiếc đi tu. Nào đã xong, trên cấp hoàng tử, công chúa là cặp thừa tướng uy nghi. Trong đó tả thừa tướng chột mắt trái và hữu thừa tướng chột mắt phải lúc nào cũng bịt miếng băng da. Chính hai sếp thừa tướng này đóng vai trò quân sư sau lưng đại đế. Còn vị đại đế của vương quốc ảo bụi đời hùng mạnh ư? Ấy là một ông vua kể chuyện tiếu lâm, kỳ hình dị tướng, thoắt ẩn thoắt hiện trong các quán nhậu vỉa hè, nhưng mỗi câu chuyện kể ra đều mang tính dụ ngôn gợi ý cho những phi vụ ve chai chiến lược trên toàn thành phố.
Vâng, tứ đầu lĩnh mà tôi biết hiện giờ thì ba người đã giải nghệ qua ngành địa ốc hoặc mở nhà hàng. Một người vẫn là ''họa sĩ'' đang sống chung cùng một nàng công chúa. Riêng hai thừa tướng thì một đang định cư ở Canada, một thì chầu trời để lại bài thơ bất hủ: “Anh là hoàng tử dưới địa ngục- Em là công chúa trong rừng mơ - Chiếc giày em rớt xuống cầu Kiệu - Làm nước sôi lên hăm bốn giờ"!
Có công mài sắt...
Để gút bài viết này, thiết tưởng cũng cần kể sơ ông vua ve chai trước giải phóng là Chú Hỏa, ông chủ của các bất động sản khổng lồ vùng Sài Gòn, Chợ Lớn... Ông ta xuất thân từ thần dân ve chai thu gom từng đống giấy vụn, từng ký lô phế liệu kim loại... để rồi làm nên sự nghiệp. Đấy quả là tấm gương của câu tục ngữ: ''Có công mài sắt có ngày nên kim" nhưng làm sao họ hình dung được rằng trong thế giới họ sống sau này có thể xuất hiện một vương quốc ve chai huyền thoại.
Và hỡi ơi, giữa thời buổi mà dân-ve-chai-quốc-tế biết sử dụng Internet để kinh doanh thì xin thưa đại đế, ngài và các cận thần đang khật khưỡng ở đâu?
Bình luận (0)