Chuyện các ngôi sao "nói thế": Hiểm họa từ công nghệ
(NLĐO) - Khi trí tuệ nhân tạo (AI) len lỏi vào đời sống một cách tinh vi và hiệu quả, có một số ngành nghề bị đe dọa. Trong đó, diễn viên lồng tiếng vào top công việc bị AI đe dọa nghiêm trọng.
Khi AI chiếm mất công việc của ngôi sao "nói thế"
Một báo cáo mới đây của tổ chức The Concept Art Assn. và The Animation Guild cho biết trong vòng 3 năm nữa, nhiều vị trí liên quan đến công việc sản xuất phim ở Hollywood sẽ bị AI thay thế.
Kết quả này được lấy từ cuộc khảo sát qua 300 người đứng đầu trong ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood với tựa đề "Future Unscripted: The Impact of Generative Artificial Intelligence on Entertainment Industry Jobs (Tương lai không xác định: Sự tác động của AI lên việc làm ở ngành công nghiệp giải trí).

AI đang chiếm công việc của diễn viên lồng tiếng
AI chiếm 90% công việc
AI không chỉ tác động đến các công việc làm phim ở khâu hậu sản xuất mà còn ở cả khâu sản xuất, ví dụ như hóa trang, làm tóc. Những nhân viên hóa trang, làm tóc trẻ có thể mất việc vì hiện nay nhiều công ty đã chuyển sang làm nhân vật trẻ lại bằng các phần mềm công nghệ mà không cần đến bàn tay của con người, như cách mà ê-kíp phim Here (đạo diễn: Robert Zemeckis, diễn viên: Tom Hanks, Robin Wright) đã làm, dự kiến ra rạp Bắc Mỹ trong năm nay.
AI cũng chiếm luôn công việc của diễn viên lồng tiếng, những người được gọi là ngôi sao "nói thay". Theo đó, phần mềm TrueSnyc hiện tại có thể tạo nên nhiều phiên bản chuyển động khác nhau của môi người để tạo nên hiệu ứng diễn viên có thể nói đa ngôn ngữ mà không cần đến diễn viên lồng tiếng đa ngôn ngữ ngoài đời thực.
Nữ diễn viên lồng tiếng Cissy Jones phát hiện ra rằng giọng nói của cô đã bị tải lên Internet mà không có sự đồng ý của cô. Cô đã yêu cầu các trang web xóa nó ngay lập tức. Nhưng mỉa mai thay, chỉ một số nơi làm theo yêu cầu của Cissy Jones. Một số khác thậm chí còn phản hồi email của Cissy Jones rằng "chúng tôi không quan tâm".
Jones, 45 tuổi, từng lồng tiếng cho các nhân vật trong các trò chơi như "Starfield", "Firewatch" và "Baldur's Gate 3" đã phải thốt lên rắng: "Trải nghiệm đó đã thôi thúc tôi và bạn bè bắt đầu chú ý đến chủ đề này. Làm thế nào để có thể cấp phép giọng nói của mình cho bên thứ ba một cách chính xác? Tôi biết điều này nghe có vẻ cường điệu, nhưng lấy trộm giọng nói của một người thì quá dễ dàng, và lo lắng này không phải là không có cơ sở".
Thực tế hiện nay, các công cụ AI có thể cho phép nhóm phát triển dễ dàng tạo ra vô số nhân vật và đoạn hội thoại hiệu quả hơn so với việc yêu cầu diễn viên ghi lại nhiều đoạn hội thoại dài. Sự trỗi dậy của công nghệ AI khiến cho diễn viên lồng tiếng lo lắng.
Có hai luồng dư luận xoay quanh vấn đề AI chiếm việc của diễn viên lồng tiếng. Một số lo ngại rằng các công ty game sẽ sử dụng AI để sao chép giọng nói mà không được phép hoặc không trả tiền, từ đó làm giảm giá trị tác phẩm của họ; một số khác sẵn sàng thử những điều mới nếu có thể nhận được thù lao hợp lý và đảm bảo rằng giọng nói của bạn không bị lạm dụng.
Diễn viên lồng tiếng nỗ lực tìm giải pháp
Diễn viên lồng tiếng Jared Butler, từng là người thay thế giọng nói cho siêu sao Johnny Depp, đồng thời lồng tiếng cho thuyền trưởng Jack Sparrow trong phim "Cướp biển vùng Caribbean: Nơi tận cùng thế giới" và trò chơi "Cướp biển vùng Caribbean trực tuyến", tỏ rõ sự lo lắng khi AI xuất hiện.
Giờ đây, một AI có thể bắt chước âm thanh tốt hơn anh ấy. Giống như Jared Butler, nhiều diễn viên lồng tiếng lo lắng sẽ bị mất việc. Còn một số người khác thì lo đã "vô tình" bán đi giọng nói của mình mà không thu được đồng nào trong khi đối tác thì vô tư sử dụng theo ý muốn.

Trí tuệ nhân tạo đang cướp mất việc của diễn viên lồng tiếng
Các diễn viên lồng tiếng tin rằng nên thiết lập một bộ quy tắc đạo đức cho việc sử dụng AI vì nếu nó bị lạm dụng trên quy mô lớn thì nhiều người sẽ phải gánh chịu hậu quả. Năm ngoái, Jones thành lập công ty khởi nghiệp AI Morpheme. Cô và các đồng nghiệp của mình đã làm việc rất nhiều để thiết lập một khuôn khổ hợp tác cho phép công ty và các diễn viên lồng tiếng cùng tồn tại và đôi bên cùng có lợi.
Họ hy vọng có thể sử dụng công nghệ AI để định hình lại cách sử dụng lồng tiếng trong hoạt hình, trò chơi điện tử và các tác phẩm giải trí khác. Jones cũng là thành viên của nhóm sáng lập Hiệp hội Diễn viên lồng tiếng phi lợi nhuận Hoa Kỳ (Nava), tổ chức đang đàm phán với các thành viên Quốc hội về luật AI. "Chúng tôi đang làm việc với Văn phòng Bản quyền vì ở giai đoạn này, bạn có thể đăng ký bản quyền tên, hình ảnh và chân dung sản phẩm, nhưng bạn chưa thể giữ bản quyền giọng nói của mình".
Chỉ cần 3 giây là bị đánh cắp giọng nói
Jones kể khi được mời lồng tiếng cho một nhân vật, cô đã phát hiện ra điều khoản ẩn trong hợp đồng dài 11 trang: "Người sử dụng lao động có thể tạo phiên bản kỹ thuật số giọng nói của cô và sử dụng nó vĩnh viễn mà không cần trả thêm bất kỳ khoản nào". Trên thực tế, giọng nói của con người có thể dễ dàng bị đánh cắp, dù họ là người bình thường hay người của công chúng.
"Việc lấy cắp giọng nói của ai đó rất dễ dàng. Đầu năm 2022 mất khoảng 6 giờ để làm điều đó, đến năm 2023 thì giảm xuống còn 3 giờ. Đoán xem bây giờ mất bao lâu? 3 giây. Miễn là bạn tải video có giọng nói của chính mình lên nền tảng xã hội hoặc trang web video, bất kỳ ai cũng có thể tạo phiên bản kỹ thuật số của giọng nói của bạn, điều này thật đáng lo ngại". Jones cho biết thêm: "Cuộc khủng hoảng Al sẽ trở nên lớn hơn khi mọi người có thể lấy hàng tỉ âm thanh từ Internet, trộn chúng lại với nhau để tạo ra âm thanh mới không thuộc về ai và sau đó thu lợi từ nó".
Jomes chia sẻ: "Chúng tôi sẽ làm việc vì lợi ích của các diễn viên và cho họ biết rằng nếu ai đó muốn sử dụng giọng nói của họ thì trước tiên họ phải xin phép. Chúng tôi sẽ trả phí cho mỗi giọng nói của anh ấy và nếu diễn viên không muốn giọng nói của họ trở thành một phần của sản phẩm, chúng tôi sẽ loại bỏ giọng nói của họ."
Thực tế, trong nguy cơ luôn ẩn chứa những cơ hội. Trong khi một số người lo lắng cho công việc của mình khi AI ngày càng lấn át thì một số người khác lại nhìn ra cơ hội kiếm tiền. Theo hợp đồng với AI Morpheme, nếu diễn viên lồng tiếng không có mặt trong một dự án thì họ có thể đưa "giọng nói kỹ thuật số" của mình làm việc đó và kiếm tiền..
Một số diễn viên lồng tiếng. Andy McGee ( 38 tuổi, đến từ Bắc Ireland) là một nông dân và anh đã bắt đầu sự nghiệp lồng tiếng của mình với các nhân vật AI. Anh đã ghi lại khoảng 7.000 từ với nhiều tâm trạng khác nhau để tạo cơ sở dữ liệu âm thanh.
Dựa vào đó, AI có thể "nhân bản" giọng nói của anh ấy và tạo ra hầu hết mọi nội dung hội thoại. Với Andy McGee, AI là một sự bổ sung tuyệt vời cho nhóm phát triển khởi nghiệp. Nó giúp mọi người làm việc tự do hơn và chủ động, sáng tạo hơn.
(còn tiếp)