Ba Đồn nay đã rất khác
Từ một vùng quê thuần nông gánh chịu biết bao đau thương trong chiến tranh, Ba Đồn đang vươn lên mạnh mẽ - trở thành đô thị trung tâm phía Bắc Quảng Bình
Từ một vùng quê thuần nông gánh chịu biết bao đau thương trong chiến tranh, Ba Đồn đang vươn lên mạnh mẽ - trở thành đô thị trung tâm phía Bắc Quảng Bình, khẳng định khát vọng chuyển mình
Bên dòng sông Gianh lịch sử, thị xã Ba Đồn - vùng đất anh hùng in dấu chân bao người lính kiên trung - nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại và khởi sắc. Từ những cánh đồng xanh mướt đến các khu phố mới mọc, từ làng nghề ven sông đến khu đô thị phát triển…, tất cả đều đang "thay da đổi thịt" từng ngày. Đây chính là điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nét trong chuyến trở lại giữa những ngày hè cuối tháng 4.
Không ngừng phát triển
Từ ngã ba dẫn vào làng Trung Thôn, xã Quảng Trung - quê hương của cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, chỉ huy huyền thoại của đường Trường Sơn, chúng tôi rẽ vào con đường bê-tông thẳng tắp. Khác với trước, không còn những căn nhà xập xệ hay đoạn đường lấm bùn đất, mà thay vào đó là những ngôi nhà tầng san sát với mái ngói đỏ tươi, khang trang nổi bật giữa những cánh đồng xanh ngát.
Ông Phạm Nguyên Tố, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trung, kể với ánh mắt đầy tự hào: Quê hương nay đã thay đổi rất nhiều. Từ một xã nghèo, chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, giờ đây Quảng Trung đã phát triển mạnh mẽ. Kinh tế chuyển mình rõ rệt, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đường bê-tông vào tận ngõ xóm, trường học và trạm y tế đều khang trang, đạt chuẩn. Đời sống của người dân giờ đây được nâng lên từng ngày.
"Chúng tôi luôn ghi nhớ lời bác Đồng Sỹ Nguyên căn dặn, phải làm sao để quê hương không ngừng phát triển, đời sống người dân không ngừng cải thiện. Và những thành quả hôm nay không chỉ là công sức của chính quyền mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân địa phương" - ông Tố bộc bạch.
Từ xã Quảng Trung nhìn ra, Ba Đồn hiện lên như một thị xã trẻ trung, sôi động, đang từng ngày vươn mình mạnh mẽ bên bờ sông Gianh. Kể từ năm 2014, khi tách ra từ huyện Quảng Trạch, Ba Đồn đã bắt đầu xây dựng những nền móng đầu tiên trong điều kiện khó khăn, dần dần hình thành diện mạo của một đô thị mới. Hơn 10 năm qua, thị xã này không ngừng phát triển, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm phát triển năng động ở Bắc Quảng Bình.
Thị xã hiện có 16 đơn vị hành chính, trong đó 6 phường nội thị đã đạt chuẩn văn minh đô thị. Đường sá tại khu trung tâm được mở rộng, giao thông thuận lợi, phố xá ngày càng nhộn nhịp. Các khu dân cư ở Quảng Phong, Quảng Phúc, Quảng Thọ... cũng "thay da đổi thịt" với những ngôi nhà cao tầng, biệt thự khang trang đứng san sát. Hệ thống đèn đường đã được lắp đặt, công viên và chợ dân sinh đang được đầu tư, dần tạo nên diện mạo mới cho đô thị.
Phía vùng Nam sông Gianh, khu vực từng được xem như là "vùng trũng" hạ tầng đã thay đổi rõ rệt khi có tổng 10/10 xã đã về đích nông thôn mới, trong đó Quảng Hải và Quảng Tân vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đường sá được bê-tông hóa sạch đẹp về tận làng, trường học xây dựng kiên cố, trạm y tế đạt chuẩn, đời sống người dân ngày một cải thiện.
Dừng chân tại xã Quảng Lộc, một trong những làng chài lâu đời bên dòng sông Gianh, ông Nguyễn Xuân Hoàn (64 tuổi), hộ nuôi cá lồng, chia sẻ: "Ngày xưa, ra biển vất vả lắm, có những đêm thức trắng mà vẫn không đủ tiền mua gạo. Nhưng kể từ khi áp dụng mô hình nuôi cá lồng trên sông, gia đình đã có nguồn thu ổn định, con cái cũng được học hành đàng hoàng. Còn quê hương đổi khác rất nhiều, đường làng giờ sạch sẽ, nhà tầng san sát, ô tô chạy rầm rập như phố huyện. Ai cũng cảm thấy vui và tự hào lắm vì quê mình đi lên từng ngày!".

Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình nhìn từ trên cao
Đô thị nhỏ, khát vọng lớn
Với hơn 120.000 dân trên diện tích hơn 160 km2, thị xã Ba Đồn được thiên nhiên ưu đãi cả đường bộ, đường sắt, đường sông lẫn đường biển. Đây còn là điểm nối chiến lược trên hành lang kinh tế xuyên Á qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Không chỉ dừng lại ở mục tiêu đạt đô thị loại III vào năm 2027, chính quyền thị xã đã và đang kiến tạo một đô thị hiện đại, hài hòa, đáng sống và phát triển bền vững.
Theo quy hoạch, đến năm 2027, tỉ lệ đô thị hóa của Ba Đồn dự kiến đạt trên 55%, thu nhập bình quân đầu người chạm mốc 85 triệu đồng/năm. Trong giai đoạn 2021-2025, địa phương đã huy động hơn 2.500 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển, trong đó hơn 40% đến từ các doanh nghiệp, minh chứng rõ ràng về sự cất cánh của đô thị trẻ.
Theo chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy, tiến tới bỏ cấp huyện, thị xã Ba Đồn dự kiến sẽ còn 4 phường, xã với tên gọi: Ba Đồn, Bắc Gianh, Nam Gianh và Nam Ba Đồn. Việc sáp nhập không đơn thuần là thay đổi địa giới mà còn là bước đi chiến lược nhằm tăng hiệu quả quản lý, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, con đường phát triển của một đô thị ven biển chưa bao giờ bằng phẳng. Địa phương này vẫn đang đối mặt với những thách thức như mật độ dân cư cao ở các phường trung tâm, sự thiếu liên kết hạ tầng ở vùng ven, hay tình trạng xâm nhập mặn tại một số xã ven sông như Quảng Hải, Quảng Văn... Những điều ấy đòi hỏi một chiến lược phát triển bền vững hơn.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Đinh Thiếu Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, cho biết sau hơn 10 năm tách ra từ huyện Quảng Trạch, Ba Đồn đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống người dân nâng lên và kinh tế địa phương cũng đang phát triển bứt phá. Tháng 4-2025, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận thị xã Ba Đồn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Theo ông Sơn, dù phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu nhưng thị xã luôn coi trọng việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện thị xã đang đẩy mạnh mô hình kinh tế xanh - sạch - bền vững, không chỉ phục vụ tăng trưởng mà còn bảo đảm chất lượng sống cho người dân. Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Ba Đồn đặt trọng tâm vào các vùng phát triển chiến lược là khu kinh tế cảng biển Quảng Phúc - Quảng Thọ, vùng tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ và khu trung tâm giáo dục - y tế ngay tại nội thị.

Làng quê ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đang vươn lên mạnh mẽ
Bản sắc từ những giá trị gốc rễ
Theo ông Nguyễn Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, hiện địa phương này có 23 di tích lịch sử - danh thắng được xếp hạng, trong đó 8 di tích cấp quốc gia. Nổi bật là bến phà Gianh - chứng nhân lịch sử một thời khói lửa hay là Di tích lịch sử cách mạng Trung Thôn, đình Lũ Phong, mộ Nguyễn Dụng... là những địa chỉ đỏ gắn với chiều sâu văn hóa và truyền thống yêu nước. Không chỉ là vùng đất anh hùng, những lễ hội truyền thống như hội vật Tượng Sơn, lễ rước kiệu làng Hòa Ninh, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Gianh... vẫn còn nguyên sức sống, thu hút người dân và du khách mỗi độ xuân về. Ở những chợ quê như chợ Ba Đồn, chợ Quảng Hòa, nhịp sống vẫn chậm rãi, mộc mạc, chan hòa. Chính những "chất liệu sống" ấy đã và đang nuôi dưỡng một đô thị không chỉ phát triển nhanh, mà còn bền vững và đậm đà bản sắc.