Bảo vật quốc gia có một không hai tại ngôi chùa cổ thời Trần
(NLĐO) - Bộ Tam Thế Phật chùa Côn Sơn tượng trưng cho 3.000 vị Phật, ở ba đại kiếp (mỗi đại kiếp tương ứng 1.344.000.000 năm). Với những giá trị đặc biệt, ba pho tượng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia
Chùa Côn Sơn, thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, nằm ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa tên chữ Hán là Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, tục gọi là chùa Hun, được khởi dựng cuối thế kỷ XIII.
Bảo vật trong ngôi chùa cổ 800 năm tuổi
Chùa được mở rộng, hoàn chỉnh ở thế kỷ XIV, được trùng tu, tôn tạo ở các thế kỷ XVI, XVII, XVIII... Theo văn bia, chùa xưa là quần thể kiến trúc nguy nga lộng lẫy gồm 83 gian, có Cửu phẩm Liên Hoa với 385 pho tượng. Các công trình mái lợp ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly... trông xa long lanh như ngọc biếc.

Chùa Côn Sơn được khởi dựng cuối thế kỷ XIII
Từ xưa, chùa là một trong những điểm nhấn đặc biệt của những ngôi chùa thuộc Phật phái Trúc Lâm. Nơi đây, tổ Huyền Quang đã từng trụ trì. Đó là một "quốc tự" của thời Trần, mang tư cách là ngôi chùa của một "Phật phái chính trị" trong thời kỳ gắn với các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Theo các nhà sử học, thông thường những chùa cận/gần các con sông, ven biển và các con đường huyết mạch (nhất là chùa tọa trên hòn núi cao) của thời Trần, thường có gốc là các tiền đồn theo dõi hành vi của kẻ địch.

Toàn cảnh chùa Côn Sơn hiện tại
Đó là điều kiện để chùa Côn Sơn luôn là một trong những ngọn "tuệ đăng" soi rọi con đường của dân ta dưới các triều đại lịch sử trước đây. Đó cũng là điều kiện để cho một số dấu tích về tinh hoa của di sản văn hóa vật thể còn tồn tại tới ngày nay.
Trước đây, cùng với kiến trúc chùa được xây dựng lộng lẫy nguy nga, hệ thống tượng thờ cũng được quan tâm chế tác, thờ phụng. Văn bia cho biết chùa có trên 300 pho tượng. Trải qua thời gian và chiến tranh, chùa Côn Sơn không còn quy mô đồ sộ như xưa, tượng thờ cũng giảm đi rất nhiều.

Hệ thống tượng thờ tại chùa Côn Sơn
Hệ thống tượng hiện nay ngoài toà Cửu Long bằng đồng, niên đại thế kỷ XIX, các pho tượng còn lại đều làm từ gỗ mít, có niên đại từ thế kỷ XVII - XX. Hệ thống tượng Phật trên Thượng điện chùa Côn Sơn được bài trí theo phong cách truyền thống gồm: Bộ tượng Tam thế Phật, bộ tượng Di Đà tam tôn, bộ tượng Hoa Nghiêm tam thánh, tòa Cửu Long.
Tượng trưng cho 3.000 vị Phật
Tượng Tam Thế, tên gọi đầy đủ "Tam Thế thường trụ diệu Pháp thân" mang ý nghĩa thời quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại vĩnh hằng không bị lệ thuộc vào hình, danh, sắc, tướng của thế giới hữu hình, không lệ thuộc vào không gian và thời gian.
Một ý nghĩa khác gắn với tên gọi của các vị Phật này là Tam Thế Tam Thiên Phật", bao gồm "Quá khứ thế" (cũng gọi Trang nghiêm kiếp) có 1.000 vị Phật khác nhau đứng chủ. "Hiện tại thế" (gọi là Hiền kiếp) gồm 1.000 vị Phật khác. "Vị lai thế" (Tinh tú kiếp) có 1.000 vị. Như thế, tượng Tam Thế tuy chỉ có ba pho, nhưng đã tượng trưng cho 3.000 vị Phật, ở ba đại kiếp (mỗi đại kiếp tương ứng 1.344.000.000 năm) mà không nhằm chỉ đích danh một vị Phật nào.

Bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn là bộ tượng cổ nhất tại chùa, gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa và được thờ phụng từ thế kỷ XVII
Tại chùa Côn Sơn, tượng Phật Quá khứ và Phật Vị lai có kích thước, hình dáng giống nhau. Tượng được ngồi tự nhiên theo cách kiết già hàng ma, chỉ lộ một bàn chân phải. Theo các chuyên gia, thể hiện này thường được tạc khi thế giới đời thường đang gặp nhiều trắc trở, nhiễu nhương. Ngược lại, nếu chỉ lộ bàn chân trái là cách ngồi kiết tường, lúc đó xã hội thanh bình, mọi sự tốt lành, no đủ, tốt đẹp, chúng sinh hướng tới cửa từ bi với tấm lòng chân thực, đậm chất trí tuệ...
Tay tượng kết ấn tam muội (samâdhi) cũng gọi là ấn "giới định" hoặc "pháp giới định". Kết ấn này ít nhất để cho tâm thanh lòng tĩnh, hướng tới trí tuệ Phật qua thâm định. Tượng được ngồi trên đài sen nhiều lớp cánh, thế tĩnh tọa với đường viền quanh thân là một hình tam giác cân (ngả theo hướng một tam giác đều). Đỉnh cao nhất, trên đầu tượng là biểu tướng Sahasrâra, được kết lại thành một "tinh cầu" màu vàng ròng "sáng rực" như biểu tượng cho trí tuệ viên mãn (trong đạo yoga, tướng này biểu trưng cho sức mạnh vô song của "tuệ năng" vũ trụ/thiêng liêng tạm được mô tả bằng một chữ A-U-M (úm) đầy huyền lực). Đầu tượng có sọ trên nở, hàm thon hơn, mặt trái xoan. Tóc tượng xoắn ốc, phủ đầy ở đầu và cả tóc mai xuống tới tận giữa tai và kín cả nhục kháo (unisa).
Theo một số nhà khảo cổ học di sản văn hóa thì các vân ốc này có thể là sự cường điệu hóa và nghệ thuật hóa một số biểu tượng về sấm chớp đã có từ thời nguyên thủy. Và theo nhiều nhà nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình Phật giáo thì đây là biểu tượng của các chữ Thánh, như Cát tường tự (chỉ về sự minh bạch, rõ ràng, tốt lành, đẹp đẽ, thuộc lĩnh vực trí tuệ của đức Phật), Đức tự (thứ đạo đức cao hơn hết của nhà Phật), Vạn tự (chữ Vạn, gắn với sức mạnh vô song của lửa tam muội).

Tượng Phật Quá khứ thờ tại chùa Côn Sơn
Tượng có một bộ mặt mang nét chân dung chuẩn mực, gần gũi với khuôn mặt của người Ấn, có nhiều chi tiết thuộc về đạo mà vẫn hết sức đôn hậu. Đây là một bộ mặt tự nhiên, chưa bị cường điệu để gắn với nhiều chi tiết cao quý do người thời sau thường áp đặt. Cụ thể: Trán tượng vuông vức như bức thành, nguyệt mi cong lưỡi liềm đổ về sống mũi, mắt khép hờ nhìn xuống để soi rọi nội tâm, sống mũi nổi cao, đôi môi cân phân và thoáng như có nụ cười hàm tiếu - biểu tượng của ý thức cảm thông và cứu độ chúng sinh. Đỉnh tai cao hơn lông mày như để biểu hiện về quyền uy của đấng chính nhân quân tử, thùy tai chưa đọng tuy vẫn chảy dài xuống gần vai. Cổ tượng có ngấn. Thân rất dày, ngực nở căng, bụng thon vừa phải.
Chiếc áo cà sa đặc biệt
Tượng mặc áo cà sa, được thể hiện hở vai phải như để nói lên Đức Phật cũng phải tôn trọng Phật pháp (chân lý vĩnh cửu của trời đất). Thực ra, việc trật hở vai phải cũng là để biểu hiện về sự tôn kính của một ai đó với đấng bề trên ở cả trong đời và đạo, đó là một phong tục đẹp đẽ của văn hóa Ấn Độ…. Cổ tay phải để trần được đeo vòng, kết với một lớp hạt tròn nổi, vòng đeo ở bắp tay trên được làm kỹ hơn với ba hàng hạt tròn. "Anh lạc" (vòng đeo cổ) được thao diễn bằng hình thức chạm nổi trên ngực tượng, vẫn còn theo phong cách thời Mạc, như hoa văn vân xoắn ở trung tâm (tuy đã cách điệu có khi thoáng như một bông cúc mãn khai hoặc một biểu tượng của đương thời), điểm xuyết là vài hạt tròn được treo ở hai bên…

Tượng Phật Vị lai thờ tại chùa Côn Sơn
Đài sen tượng ngồi có 5 lớp cánh (ba lớp chính ngửa lên cùng một lớp phụ, còn lớp dưới cùng thì úp xuống). Các cánh sen của phong cách Mạc (so với cánh sen ở các thời khác thường khá lớn, múp phồng và vênh hẳn nửa cánh ra khiến tính điêu khắc càng được nhấn mạnh hơn. Trung tâm của mỗi cánh sen chính thường có một hoa cách điệu được kết bởi các hạt to nhỏ khác nhau trong một trật tự quy định (đôi khi giữa cánh sen kép này cũng có một hoa cách điệu khác không xa lạ với hoa văn phổ biến của thời này. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống tạm gọi là "hoa mặt nhẫn". Tượng kết ấn tam muội và hiện được đặt ở phía tả của Phật điện.
Pho tượng ngồi ở bên hữu của pho này cũng cùng một phong cách như tượng kể trên. Tượng có tay trái kết ấn "xúc địa" cũng gọi là ấn "đất chứng giám" (trong tích truyện: Khi ma vương chất vấn Phật rằng lấy gì để chứng minh Phật đã tìm ra đạo, đức Phật chỉ tay xuống dưới và nói có đất chứng giám cho ta).

Tượng Phật hiện tại được đặt ở hàng thứ hai, trước tượng A Di Đà
Tượng Phật hiện tại được đặt ở hàng thứ hai, trước pho A Di Đà to lớn ở trên Phật điện. Mặt tượng có phần bẹt, mũi hơi tẹt, trên mặt đã có nếp hằn nhưng không làm nổi cao khối gò má và cằm như tượng có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ XVII (những khối căng no đủ đầy tính điêu khắc, để biểu hiện nét cao quý quyền uy…). Ngực tượng không nổi khối căng phồng một cách gợi cảm như hai pho tượng kia, bụng tượng lại ít thon khiến thế ngồi của tượng kém uyển chuyển, mềm mại, nhịp nhàng. Áo của tượng nhiều nếp hơn, nhất là ở dưới nách, vai và cánh tay bên trái đã không còn tạo khối lõm (giữa thân và cánh tay), đường lượn của "la bào" như theo một hình thức khác, gần gũi với phong cách của tượng thời sau.
Biểu thị sự tôn kính bề trên
Tam Thế Phật chùa Côn Sơn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2024.
Lý giải về lý do bộ tượng được công nhận Bảo vật quốc gia, Cục Di sản Văn hóa cho biết bộ Tam thế trên Phật điện chùa Côn Sơn đã đạt được những giá trị đặc biệt về cả niên đại, lịch sử, tạo dáng rất hiếm và quý.

Điều đặc biệt ở bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là chiếc áo cà sa kiểu quấn mảnh vải từ vai trái vắt chéo xuống sườn phải, để hở hẳn bờ vai, cánh tay và nửa ngực phải
Thứ nhất, bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là hiện vật gốc độc bản. Qua các nguồn tư liệu cho thấy bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn đã được thờ phụng tại chùa từ thế kỷ XVII. Qua các lần trùng tu, tôn tạo chùa, tượng chỉ được trùng tu, sơn thếp lại chứ không thay mới.
Thứ hai, bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là hiện vật có hình thức độc đáo. Điều đặc biệt ở bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn đó là chiếc áo cà sa kiểu quấn mảnh vải từ vai trái vắt chéo xuống sườn phải để hở hẳn bờ vai, cánh tay và nửa ngực phải. Hiện tượng trật vai phải của những pho tượng này như để biểu thị sự tôn kính bề trên mà ở đây là Phật kính pháp.
Trong kho tàng nghệ thuật cổ Việt Nam, tượng Tam Thế chùa nào cũng có, hầu hết tượng Phật khoác áo cà sa che kín người hai nửa cân nhau, gọi là Tăng già lê, gồm áo mặc trong, áo mặc giữa và áo mặc ngoài. Nhưng kiểu khoác áo cà sa như thế này thì rất hiếm, trên cả nước chỉ có ở bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn và bộ Tam thế Phật chùa Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội).

Kiểu khoác áo cà sa để hở vai tượng như thế này rất hiếm trong kho tàng nghệ thuật cổ Việt Nam
Tượng được tạc với biểu tướng Sahasrâra (tướng trên đỉnh đầu) là khối cầu đứng độc lập. Kiểu thức tượng Sahasrâra dưới dạng một khối gần như tròn thường chỉ có ở tượng Phật thuộc "phong cách Mạc" (nửa cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII), và, hiện nay còn lại rất ít (dưới 10 pho, như ở chùa Côn Sơn - Hải Dương, chùa Thái Lai - Mê Linh, Hà Nội, phần nào ở chùa Bà Tề - Phúc Thọ, Hà Nội…). Tuy vậy, các tượng này vẫn đủ tư cách đại diện cho một phong cách riêng biệt, như chưa chịu sự chi phối của hai dòng Phật pháp Tào Động và Lâm Tế. Vẫn giữ được phong cách tạo tượng Phật từ thời trước đó (có nhiều sự tương đồng về cách tạo tượng của thời Lý…).
Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn là một trong không nhiều bộ tượng đẹp thời Lê Trung Hưng. Các pho tượng được chạm rất kỹ, được quan tâm tới từng chi tiết.
"Người nghệ sĩ đã chú ý tới một vẻ đẹp theo quan niệm đương thời trong hình thức phúc hậu, thanh thoát. Bên cạnh đó, giá trị về những ý niệm cầu mong phồn thực vốn có trong tâm người Việt vẫn được thể hiện rõ nét qua các mẫu hình của biểu tượng về âm dương lưỡng hợp, về các lực lượng tự nhiên" – hồ sơ của Cục Di sản nhấn mạnh.
