Bí ẩn bảo vật quốc gia trong mộ cổ 2.000 năm

(NLĐO) - Bảo vật quốc gia "cây đèn hình người quỳ", được tìm thấy trong ngôi mộ cổ thời nhà Hán cách đây khoảng 2.000 năm ở Thanh Hóa, gây nhiều tranh cãi về nguồn gốc bí ẩn của nhân vật trên bức tượng

Cơ duyên tình cờ

Olov Janse, chuyên gia khảo cổ học người Thụy Điển, sang Việt Nam từ những năm 1930 với tư cách cộng sự của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp. Năm 1935, tại Lạch Trường - Thanh Hóa, ông bất ngờ phát hiện một hiện vật quý giá.

Cây đèn bằng đồng hình người quỳ được tìm thấy khi đoàn khảo cổ của Olov Janse khai quật tại một khu mộ cổ lớn có 6 ngôi mộ từ thời nhà Hán. Việc phát hiện và khai quật ngôi mộ để tìm được bảo vật diễn ra hết sức tình cờ.

Bí ẩn bảo vật quốc gia trong mộ cổ 2.000 năm- Ảnh 1.

Ngôi mộ Olov Janse khai quật năm 1934-1935 ở Lạch Trường - Thanh Hóa. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Thời điểm đó, nhà khảo cổ Olov Janse đang lần theo dấu vết di vật khác - một đồ gia dụng bằng sứ thời Tống mà ông đã có. Trời nhá nhem tối, tài xế không tìm được đường ra, bèn rẽ vào nhà dân để hỏi. 

Trong lúc chờ đợi, Olov Janse dạo quanh vườn nhà người này. Bằng đôi mắt của một nhà khảo cổ lão luyện, ông phát hiện khu mộ gồm 3 ngôi mộ từ thời nhà Hán. Trong đó, 2 ngôi mộ đã bị bọn trộm cổ vật xâm phạm. Tuy nhiên, ở ngôi mộ thứ 3, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn. 

Trong ngôi mộ thứ 3, ngoài một thanh kiếm sắt còn có một cây đèn bằng đồng hình người quỳ, một hình người cũng bằng đồng và nhiều chũm chọe. Đây đều là những cổ vật hiếm hoi, không phải chôn theo kiểu đồ tế lễ thời Hán.

Bí ẩn bảo vật quốc gia trong mộ cổ 2.000 năm- Ảnh 2.

Cây đèn hình người quỳ được công nhận bảo vật quốc gia đợt đầu tiên - năm 2012

Khi trở về, Olov Janse đã viết cuốn "Bí mật của cây đèn hình người" dưới dạng bút ký. Theo ông, mộ cổ nêu trên có từ hơn 2.000 năm trước, làm bằng gạch, nằm theo hướng Bắc - Nam. Bên ngoài mặt phía Bắc, lối vào chắn bằng bức tường cao bằng đá. 

Lúc dọn dẹp ở cửa nối giữa hầm thờ và hầm mộ trung tâm, các nhà khảo cổ đụng phải một vật kim loại đã gỉ nằm trong lớp cát. "Lúc ấy, không ai có thể nhận ra đó là vật gì. Với dao bằng tre và bàn chải, chúng tôi đã làm sạch dần cát bám xung quanh và có thể khẳng định đó là một bức tượng đồng hiếm có" - Olov Janse viết.

Tranh cãi nguồn gốc nhân vật bê đèn

Rất nhiều năm sau, bảo vật này vẫn còn gây nhiều tranh cãi về nguồn gốc bí ẩn của nhân vật trong bức tượng - người quỳ. Đặc điểm nhân chủng của hình người bê đĩa đèn đã đưa đến nhiều cách luận giải khác nhau.

Bí ẩn bảo vật quốc gia trong mộ cổ 2.000 năm- Ảnh 3.

Bảo vật gây nhiều tranh cãi về nguồn gốc bí ẩn của nhân vật bê đĩa đèn

Nhà khảo cổ Olov Janse nhận định người đàn ông này dù ở tư thế quỳ nhưng không phải là người hầu hay có vị trí thấp hèn. Chiếc vòng trên đầu và đồ trang sức cho thấy tượng khắc họa "một bá tước hoặc vị thánh". Trong truyện thần thoại Hy Lạp, những vị thần thường được mô tả ở tư thế quỳ. 

Ngoài ra, mối quan hệ với các nhạc công cầm đèn đã làm tăng sức mạnh cho quan điểm trên. Trong nghệ thuật cổ điển, sự khác nhau về cấp bậc giữa vị thánh và người bình thường khi xếp cạnh nhau được thể hiện qua kích cỡ nhân vật. 

Cây đèn hình người quỳ được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Hiện vật này không được trưng bày trực tiếp mà lưu giữ, bảo quản ở phòng riêng và chỉ được giới thiệu tại một số đợt trưng bày chuyên đề.

Theo hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa, đây là cây đèn hình người lớn nhất trong số ít cổ vật cùng loại của văn hóa cuối thời Đông Sơn. Tác phẩm thể hiện kỹ thuật đúc khéo léo, thẩm mỹ cao của người Việt cổ, đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa trong khu vực dựa trên nền tảng văn hóa Đông Sơn bản địa.

Mắt người bê đĩa đèn không nhìn xuôi, có tỉ lệ lớn và mở rộng. Thời Hy Lạp cổ đại, mắt to là biểu tượng của sắc đẹp. Tóc người đàn ông được thể hiện bằng những cuộn hình xoắn ốc - thường thấy trên các tượng Phật của Ấn Độ và Viễn Đông, tiêu biểu cho nghệ thuật Gandhara Hy Lạp cổ đại. 

Xung quanh trán nhân vật này có một vành khăn. Trong nền văn hóa Địa Trung Hải cổ điển, đây là dấu hiệu của bậc vương giả. Người trị vì vương quốc chết thi thoảng cũng được mô tả với vành khăn tương tự trước trán. 

Trên đỉnh đầu người này có một vật nhỏ, được phỏng đoán là chiếc mũ mang dấu ấn xã hội và tôn giáo. Việc trang trí trên đỉnh đầu thường xuất hiện khi khắc họa một vị thánh. Trong các bộ sưu tập tại Bảo tàng Louvre ở Paris - Pháp, tượng Ai Cập mô tả thần Dionysus với vương miện tương tự trên đầu.

Bí ẩn bảo vật quốc gia trong mộ cổ 2.000 năm- Ảnh 4.

Nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc nhân vật trong bức tượng

Trong khi đó, GS Đỗ Văn Ninh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sử học, cho rằng nguồn gốc cây đèn là từ Trung Nguyên, qua câu chuyện người Hán đánh quân Hung Nô, bắt làm tù binh, làm người hầu đội đèn. Câu chuyện ấy được phản ánh qua tác phẩm nghệ thuật phát hiện ở Lạch Trường. Theo đó, cây đèn chính là của người Hán, mang tư tưởng Hán.

Sau này, không chỉ qua cây đèn mà ở hầu hết các bộ sưu tập đồng, gốm phát hiện trong các mộ gạch tại Việt Nam, nhiều người càng tin hơn vào yếu tố Trung Nguyên của hiện vật nêu trên. Chúng được mang sang cùng với đội quân người Hán, để khi chết thì chôn theo, như quan niệm của hầu hết các dân tộc phương Đông.

Quan điểm này có tính dung hòa và nhận được nhiều sự đồng thuận từ giới khảo cổ học. Tại tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, một vài loại đèn đồng và đèn đất nung cũng được phát hiện, trong đó có kiểu người quỳ bê đèn. Những phát hiện ở Lạch Trường cũng như ở Quảng Tây cho thấy mối giao lưu, trao đổi mạnh mẽ giữa Việt Nam và Trung Hoa lúc đó.

Sản phẩm thời hậu Đông Sơn?

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, lại nhận định cây đèn hình người quỳ là sản phẩm của thời hậu Đông Sơn. Đèn thời hậu Đông Sơn có lẽ phong phú nhất về số lượng và hình loại. 

Ông Phạm Quốc Quân cho rằng trong các quan niệm tôn giáo thần bí phương Đông hay trong những hoạt động tế lễ về ban đêm, ánh sáng đóng vai trò cơ bản. Ánh sáng là biểu tượng của tâm hồn và chứa đựng nội dung thiêng liêng. Ánh sáng phát ra từ cây đèn như hào quang chói lọi... Những chiếc đèn có thể được xem là biểu hiện luân hồi của tạo hóa. Điều đó có nghĩa chúng là vật dẫn đường chỉ lối cho người chết trong cuộc du ngoạn ở thế giới bên kia.

Bí ẩn bảo vật quốc gia trong mộ cổ 2.000 năm- Ảnh 5.

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Phạm Quốc Quân cho rằng cây đèn hình người quỳ là sản phẩm của thời hậu Đông Sơn

Ý tưởng này xem ra có vẻ khá trùng hợp với hiện tượng khảo cổ học thường thấy ở thời kỳ đầu Công nguyên, khi những cây đèn chủ yếu được tìm thấy trong các ngôi mộ. Chủ nhân những ngôi mộ ấy cùng với gia tộc quan niệm người chết là sang thế giới bên kia, sống trong một vũ trụ khác, bao la hơn và hào quang được phát ra từ những cây đèn. Nó đi liền với quan niệm "của đồng chia ba, của nhà chia đôi", để người xuống cõi âm vẫn có đồ dùng như khi sống. 

Bí ẩn bảo vật quốc gia trong mộ cổ 2.000 năm- Ảnh 6.

Bảo vật này không được trưng bày trực tiếp mà lưu giữ, bảo quản ở phòng riêng

"Cây đèn liên quan tới thần linh và tín ngưỡng đối với phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng. Mật độ đậm đặc của đèn thờ bắt đầu từ thời Lê Sơ, rực rỡ vào thời Mạc và phổ biến vào thời Nguyễn; thường có trong các di tích, đình, đền, chùa, miếu, từ đường... càng cho thấy tín ngưỡng - thần linh - cây đèn như "tam bảo" trong đời sống cũng như trong cõi chết của người Đại Việt" - TS Phạm Quốc Quân phân tích. 

Bí ẩn bảo vật quốc gia trong mộ cổ 2.000 năm- Ảnh 7.

Tác phẩm thể hiện kỹ thuật đúc khéo léo, thẩm mỹ cao của người Việt cổ, đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa trong khu vực dựa trên nền tảng của văn hóa Đông Sơn bản địa

Theo TS Phạm Quốc Quân, đó chỉ là ý nghĩa sâu xa được giải mã từ cây đèn. Trong quá trình vận động, không biết từ bao giờ, nó trở thành đồ thông dụng song vẫn ẩn chứa thần linh và tín ngưỡng. "Trong phả hệ đèn Việt Nam, đèn thờ vẫn có cái gì đó khác biệt, để một lần nữa tôi nhận ra những cây đèn hình người nói riêng, phức hợp đèn nói chung thời hậu Đông Sơn, chứa đựng nhiều điều bí mật cần khám phá và giải mã" - ông nhìn nhận.

Theo hồ sơ bảo vật lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tượng cây đèn hình người quỳ có niên đại cách nay 2.000 - 1.700 năm. Cây đèn cao 40 cm, dài 30 cm, rộng 27 cm; tạo hình người đàn ông với khuôn mặt bầu, cởi trần đóng khố trong tư thế quỳ.

Bí ẩn bảo vật quốc gia trong mộ cổ 2.000 năm- Ảnh 8.

Cây đèn cao 40 cm, dài 30 cm, rộng 27 cm

Người quỳ có đôi mắt mở to, sâu, nổi rõ lông mi, lông mày dày, sống mũi cao, râu quai nón, tóc cuộn hình xoắn ốc, đeo hoa tai; trên đầu chít khăn - có người cho là vương miện. Bụng người này có thắt lưng trang trí hoa văn sen. Hai tay người đàn ông nâng đĩa đèn; vai và lưng có 3 nhánh hình chữ S, đầu nhánh có đĩa đèn dầu, cuối nhánh có hình người hai tay đỡ nhánh, giữa mỗi nhánh có tượng người quỳ hai tay chắp lại vái hướng vào nhau - có thể là những vũ công. Trên đầu gối và gót chân có 4 tượng là nhạc công trong tư thế quỳ, trong đó 2 người thổi sáo, 2 người cầm nhạc cụ...

Bí ẩn bảo vật quốc gia trong mộ cổ 2.000 năm- Ảnh 9.