Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây

(NLĐO) - Kể từ khi xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas nổ ra vào tháng 10-2023, căng thẳng đã gia tăng tại biển Đỏ khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công tàu hàng quốc tế trong động thái phá hoại thương mại toàn cầu.

Hành động của Houthi - được cho là nhằm ủng bày tỏ đoàn kết với Hamas và người Palestine ở Dải Gaza - dẫn đến hành động không kích trả đũa của Mỹ và Anh.

Dưới đây là những điều cần biết về biển Đỏ và tác động của cuộc khủng hoảng đối với thương mại toàn cầu.

Vị trí địa lý quan trọng

Biển Đỏ là một trong những vùng biển có lưu lượng tàu qua lại nhiều nhất trên thế giới, khiến vùng biển này trở thành một phần quan trọng của địa lý toàn cầu.

Theo tờ The Australian Financial Review, vùng biển này dài 2.250 km (tại điểm dài nhất) và rộng 355 km (tại điểm rộng nhất), nằm giữa châu Phi và Trung Đông. Với Ấn Độ Dương ở phía Nam, kênh đào Suez và Địa Trung Hải ở phía Bắc, biển Đỏ là chặng quan trọng trên tuyến đường biển ngắn nhất từ châu Âu đến châu Á.

Biển này tiếp giáp 8 quốc gia: Ai Cập, Israel, Jordan, Ả Rập Saudi, Yemen, Sudan, Eritrea và Djibouti. Diện tích 438.000 km2 của biển tương đương toàn bộ diện tích đất liền của Iraq.

Tại điểm hẹp nhất, eo biển Bab-el-Mandeb chỉ rộng 30 km. Nó được chia thành hai nhánh với đảo Perim (thuộc Yemen) ở giữa. Eo biển này ngăn cách châu Á với châu Phi, với Yemen ở phía Bắc và Djibouti ở phía Nam.

Kênh đào Suez, một tuyến đường thủy nhân tạo hoạt động từ năm 1869, thậm chí còn hẹp hơn khi chỉ rộng 205 mét.

Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây- Ảnh 1.

Bản đồ cho thấy sự kết nối giữa biển Đỏ và kênh đào Suez. Nguồn: Sky News

Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây- Ảnh 2.

Kênh đào Suez kết nối Địa Trung Hải và biển Đỏ. Ảnh: REUTERS

Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây- Ảnh 3.

Một tàu container đi qua kênh đào Suez. Ảnh: Reuters

Chuyện gì đang xảy ra ở biển Đỏ?

Biển Đỏ hiện đóng vai trò quan trọng đối với thương mại toàn cầu.

Bằng cách sử dụng đường tắt qua biển Đỏ, việc vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á sẽ tránh đi đường vòng qua châu Phi. Điều này khiến khu vực này có tầm quan trọng về địa chính trị. Các nước lớn và giàu đang cạnh tranh ảnh hưởng tại đây.

Một số quốc gia có sự hiện diện quân sự trong khu vực để bảo vệ lợi ích thương mại và dầu mỏ của họ.

Tại Djibouti, bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Trung Quốc có các căn cứ quân sự quan trọng và lâu dài. Trong khi đó, các quốc gia khác, như Ý, Đức, Tây Ban Nha và Ấn Độ, đang hoặc dự định có sự hiện diện quân sự quy mô nhỏ hơn.

Chuyên gia về Trung Đông Rodger Shanahan giải thích các lý do chính khiến phương Tây quan tâm đến biển Đỏ là thương mại hàng hải và các vấn đề an ninh, thường liên quan đến chống khủng bố". "Đó là điểm tiếp cận và đi ra Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez" - ông Shanahan nhấn mạnh.

Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây- Ảnh 4.

Căn cứ quân sự của Mỹ ở TP Djbouti - Djbouti. Ảnh: Hải quân Mỹ

Biển Đỏ cũng là một điểm nóng về an ninh vì được bao quanh bởi một số quốc gia kém phát triển, nghèo và không ổn định về chính trị.

Lý do Houthi tấn công tàu thuyền ở biển Đỏ?

Với dân số 34,5 triệu người, Yemen là một trong những quốc gia như thế. Tiếp giáp với điểm nghẽn Bab-el-Mandeb (nhưng ở phía Trung Đông), Yemen chứng kiến nội chiến nổ ra từ năm 2014.

Sau khi tổng thống lâu năm của nước này, ông Ali Abdullah Saleh al-Ahmar, buộc phải ra đi năm 2012, Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác lên kế hoạch thay thế ông bằng một "chính phủ thân thiện" do Tổng thống Abdrabbuh Mansur Hadi lãnh đạo.

Không hài lòng với sự sắp xếp này, lực lượng Houthi - tập hợp người Hồi giáo Shiite được Iran hậu thuẫn - đã nổi dậy chống lại chính phủ Hồi giáo Sunni mới này và giành được quyền kiểm soát thủ đô Sana'a.

Đáp lại, Ả Rập Saudi, được sự hậu thuẫn của Mỹ, Anh và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, tiến hành không kích và phong tỏa hải quân trong nỗ lực khôi phục quyền lực của chính phủ cũ.

Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây- Ảnh 5.

Tàu chở hàng Galaxy Leader bị lực lượng Houthi kiểm soát ở biển Đỏ trong tấm ảnh được công bố hôm 20-11-2023. Ảnh: REUTERS

Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây- Ảnh 6.

Các tay súng Houthi xông lên tàu Galaxy Leader ở biển Đỏ trong tấm ảnh công bố hôm 20-11-2023. Ảnh: Reuters

Hiện kiểm soát 1/3 đất nước Yemen, Houthi đã tấn công tàu thuyền từ năm 2016 nhưng thế giới chỉ quan tâm đến động thái này vào cuối tháng 10-2023 khi lực lượng này bắt đầu ra tay ở biển Đỏ, lấy lý do ủng hộ người Palestine.

Các cuộc tấn công ban đầu nhắm vào tàu thuyền hướng đến Israel nhưng sau đó đã mở rộng sang tàu của mọi công ty vận tải biển quốc tế nhằm gây áp lực để Israel cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Cuộc xung đột ở Dải Gaza đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Bà Sarah Phillips, chuyên gia tại Đại học Sydney (Úc), nhận định phe Houthi xem đây là cơ hội để chống lại Israel nhưng điều này cũng giúp ích trong nước, nơi họ gặp bất lợi về chính trị và kinh tế.

Bà Phillips nói thêm rằng Houthi đang tận dụng bờ biển dài dọc biển Đỏ để làm gián đoạn hoạt động vận chuyển thương mại.

Ảnh hưởng toàn cầu

Khoảng 12% thương mại toàn cầu và 30% lưu lượng container toàn cầu đi qua kênh đào Suez (và rộng hơn là biển Đỏ), vận chuyển lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỉ USD mỗi năm. Con số này tương đương 50 tàu mỗi ngày đi qua nơi này.

Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây- Ảnh 7.

Tàu hàng Rubymar (thuộc sở hữu của Anh) tại biển Đỏ hôm 1-3 sau khi bị Houthi tấn công. Ảnh: Reuters

Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây- Ảnh 8.

Tấm ảnh công bố hôm 3-3 cho thấy tàu Rubymar bị chìm ở biển Đỏ. Ảnh: Reuters

Nếu tính cả năm thì có gần 19.000 tàu. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, khoảng 700 tỉ USD trong số đó là thương mại giữa châu Âu và châu Á.

Kênh đào Suez quan trọng đối với châu Âu hơn Mỹ vì là tuyến đường vận chuyển hàng hóa đến châu Á. Dù vậy, đây cũng là tuyến đường vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên từ Vịnh Ba Tư đến Bắc Mỹ.

Trong khi đó, Nga đang sử dụng kênh đào này để xuất khẩu dầu sang Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khoảng 10% thương mại dầu bằng đường biển của thế giới và 8% thương mại khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu đi qua kênh đào này trong năm 2023. Cơ quan này hồi tháng 1-2024 cảnh báo nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu do xung đột ở Trung Đông vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, Viện Kiel (Đức) hôm 11-3 cho biết số lượng tàu container đi qua biển Đỏ và kênh đào Suez trong tháng 2-2024 giảm so với tháng 1. Cùng giai đoạn này, số lượng tàu đi qua mũi Hảo Vọng của châu Phi tăng gấp 3. Cũng theo Viện Kiel, khủng hoảng biển Đỏ khiến thương mại toàn cầu trong tháng 12-2023 giảm 1,3% so với tháng trước đó.

Hiện tại, khoảng 40 tàu container đi qua biển Đỏ mỗi ngày, so với mức trung bình hơn 100 tàu vào năm ngoái. Số lượng tàu hiện tại gần bằng mức thấp nhất vào giữa tháng 1. Điều này có nghĩa là sự sụt giảm về lưu lượng vận tải biển ở biển Đỏ kể từ khi các cuộc tấn công của Houthi bắt đầu diễn ra vẫn chưa dừng lại.

Căng thẳng biển Đỏ cũng khiến cước vận chuyển hàng hóa đường biển, vốn đã giảm về mức trước đại dịch COVID-19, tăng trở lại do các hãng tàu phải chịu chi phí nhiên liệu cao hơn khi buộc phải cho tàu đi những tuyến đường dài hơn để giao hàng.

Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây- Ảnh 9.

Tàu hàng phải né biển Đỏ và đi vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi. Nguồn: Al Jazeera

Biển Đỏ - con bài mặc cả giữa Houthi và phương Tây- Ảnh 10.

Tàu True Confidence (treo cờ Barbados) sau khi bị Houthi tấn công ở biển Đỏ hôm 6-3. Ảnh: Reuters