Cà Mau đạt nhiều kết quả quan trọng

(NLĐO) – Ngành chức năng tỉnh Cà Mau sẽ tập trung giải quyết các điểm "nghẽn" để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp ổn định sản xuất phát triển kinh tế

Ngày 24-7, UBND tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến cuối năm 2025.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tình hình kinh tế xã hội của địa phương trong 6 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 42.327 tỉ đồng, tăng 7,09% so với cùng kỳ. Công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo… được thực hiện đầy đủ và kịp thời.

Cà Mau đạt nhiều kết quả quan trọng- Ảnh 1.

Cà Mau được xem là "thủ phủ" tôm của cả nước

Đồng thời, công tác sắp xếp đơn vị hành chính, bộ máy của tỉnh; công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp đã cơ bản đạt được các mục tiêu và yêu cầu đề ra. Cải cách tư pháp, phòng - chống tham nhũng và lãng phí được triển khai thực hiện quyết liệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Qua đó, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Cà Mau cũng còn một số khó khăn và hạn chế, như: quy mô nền kinh tế còn khá nhỏ; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội… Song song đó, tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai đã gây ra tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, ngập úng… ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 8,0% trở lên, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai quyết liệt các nhiệm vụ cũng như nhiều giải pháp để 6 tháng cuối năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng 8,8%. Trong đó, khu vực I tăng 5,54%; khu vực II tăng 13,76% và khu vực III tăng 9,13%.

Song song đó, tỉnh Cà Mau còn đề ra các nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, như: đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và huy động vốn để đầu tư phát triển; tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách…

Về tổ chức thực hiện, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh và thực hiện nhiệm vụ theo phân công hoặc ủy quyền của Chủ tịch tỉnh. Kịp thời báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề quan trọng…

"Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các xã, phường phải khẩn trương tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý; báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng tháng, quý, năm gửi về Sở Tài chính để tổng hợp. Thể hiện trách nhiệm nêu gương, vai trò dẫn dắt, năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

D8ồng thời, làm việc cụ thể, thực chất, chủ động theo sát cơ sở; ưu tiên tập trung giải quyết các "nút thắt" và điểm "nghẽn" để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất cũng như phát triển kinh tế"– văn bản nêu. .