Leica huyền thoại
(TG@) - Máy ảnh Leica đắt là do các thấu kính có chiết suất cực tốt và phải mất thời gian rất lâu mới làm xong thấu kính. Ảnh chụp cho độ sắc nét cực cao, điều mà cả Canon lẫn Nikon chưa đạt được
Năm 1981, khi Diana trở thành công nương xứ Wales sau cuộc phối ngẫu cùng hoàng tử Vương quốc Anh Charles, ngay trong lễ cưới, Hoàng gia Anh yêu cầu tất cả những phóng viên và nhiếp ảnh gia tại hiện trường chỉ dùng duy nhất loại máy ảnh Leica M6. Nhưng chẳng phải từ sự kiện đó mà từ lâu lắm rồi, cái tên Leica đã đi vào huyền thoại.
“Vua” máy phim
Thể hiện sự tinh tế và bảo thủ của người Đức, ngay từ khi mẫu máy ảnh Leica ra đời vào năm 1914 với model Ur-Leica, từ một ý tưởng chói sáng của Oscar Barnack khi ông đang tìm tòi hướng đột phát mới về công nghệ để thu gọn các loại máy ảnh nặng nề thời bấy giờ, tại thành phố Solms (Cộng hòa Liên bang Đức), chiếc máy ảnh này nhanh chóng đạt được những thành công ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, vì bị chiến tranh làm gián đoạn nên mãi đến năm 1924 và 1925, những chiếc máy ảnh Leica mới lần lượt được đưa vào sản xuất đại trà và giới thiệu chính thức với công chúng. Song phải đợi đến sau thế chiến thứ hai, Leica mới có thể lan rộng khắp thế giới nhờ chất lượng hình ảnh không thể chê vào đâu được của chuẩn phim 35 mm. Kể từ năm 1954, camera dòng M của Leica ra đời với tiêu chí chất lượng hình ảnh hàng đầu đã trở thành máy ảnh không thể thiếu cho các phóng viên cũng như nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Đỉnh máy số
Năm 2001, khi hãng Panasonic cho ra đời dòng máy Lumix sử dụng lens Leica, khá nhiều người nghĩ rằng Leica đang thoái trào, nhất là khi chiếc máy Lumix chỉ có giá bán khoảng 10 triệu đồng. Thế nhưng điều đó không xảy ra. Năm 2006, trong trào lưu máy số hiện đại, Leica M8 xuất hiện đã khiến giới nhiếp ảnh và phóng viên choáng ngợp vì sự kết hợp hoàn mỹ giữa tính bảo thủ của người Đức và tính hiện đại của người Nhật. Phiên bản này đánh dấu bước chuyển sang thời kỳ kỹ thuật số của dòng M. Tại Việt Nam, 2 chiếc máy này đồng thời xuất hiện cùng một lúc bởi ông Nick Út - phóng viên hãng AP và phóng viên Báo Thể thao Việt Nam Nguyễn Quang Thắng, dù giá cực đắt: Hơn 100 triệu đồng cho chiếc máy ảnh nhỏ xíu và vài lens tiêu cự ngắn. Đến năm 2009, với sự ra đời của M9, Leica đặt một mốc mới trong thời đại ảnh số với máy ảnh rangefinder đầu tiên trên thế giới có cảm biến full-frame 24 x 36 mm và là máy ảnh full-frame có kích cỡ nhỏ nhất từng xuất hiện với giá hơn 6.000 euro. Có thể ví sự ra mắt của M9 cũng tạo tiếng vang không kém gì phiên bản M3 lừng danh một thời ở thời điểm ra mắt (năm 1954).
Bàn về mức giá bán Leica quá cao, website dpreview viết: “Khá nhiều người cho rằng người ta mua Leica giống như mua đồng hồ Thụy Sĩ hay điện thoại Vertu hoặc Mobiado, giống như chơi đồ cổ... Giá trị sử dụng không cao nhưng giá trị thương hiệu mới là chủ yếu. Tất nhiên, chất lượng không quá thấp. Máy đắt là do các thấu kính có chiết suất cực tốt và phải mất thời gian rất lâu mới làm xong thấu kính. Ảnh chụp cho độ sắc nét cực cao, điều mà cả Canon lẫn Nikon vẫn chưa với tới”.
Lumix LX5 sử dụng lens Leica với chữ L vàng ngay góc
Vỏ máy “thứ dữ”
Phụ kiện cho chiếc máy huyền thoại này cũng chẳng hề rẻ, ví dụ như phiên bản vỏ máy chống nước cho Leica M8 với vỏ được làm bằng aluminium, hỗ trợ gần như đầy đủ các tính năng có sẵn trên Leica như vòng chỉnh tốc độ cửa trập, các phím điều hướng menu và các phím truy cập nhanh, màn LCD, nút chỉnh nét... Mặc dù nặng tới một ký nhưng khi ở dưới nước, máy sẽ chỉ còn 100 gram. Với hình dáng khá tương đồng, phiên bản vỏ chống nước này cũng có thể lắp vừa cho cả bản M9 mới ra. Tuy nhiên, để xứng tầm với đẳng cấp của Leica, chiếc vỏ này cũng có giá tới 6.000 euro (khoảng 8.000 USD), gần bằng giá của bản M8 và chỉ kém M9 chút đỉnh. |