Căng sức giữ rừng giữa đỉnh điểm mùa khô

Các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên đang bước vào đỉnh điểm mùa khô, đã xuất hiện những vụ cháy

Ngày 16-4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cho hay tỉnh này có hơn 51.000 ha rừng nằm trong diện có nguy cơ cháy cao, trong đó hơn 20.400 ha là rừng tự nhiên và hơn 30.600 ha là rừng trồng.

Xử lý kịp thời

Ngay đầu tháng 4-2025, Khánh Hòa đã chứng kiến hàng loạt vụ cháy rừng nhưng nhờ xử lý kịp thời nên thiệt hại không lớn. Vụ cháy gần đây nhất xảy ra vào chiều 12-4. Khi đó, ở sườn núi Bãi Củi trên đảo Hòn Tre bùng phát đám cháy, nhờ nhanh chóng triển khai phương án chữa cháy nên vụ cháy đã sớm được khống chế, thiệt hại chỉ dừng lại ở con số 3 ha.

Tại tỉnh Lâm Đồng, giữa tháng 3-2025, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại khu vực rừng thông cạnh đèo Prenn, ngay dưới khu vực tuyến cáp treo Đà Lạt - Tuyền Lâm. Vụ cháy sau đó cũng nhanh chóng được khống chế.

Một khu vực rừng cạnh đèo Prenn Đà Lạt (Lâm Đồng) bốc cháy vào tối 24-3 vừa qua Ảnh: LÊ GIANG

Một khu vực rừng cạnh đèo Prenn Đà Lạt (Lâm Đồng) bốc cháy vào tối 24-3 vừa qua .Ảnh: LÊ GIANG

Còn theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, thời tiết nắng nóng kéo dài, cũng là thời điểm người dân đốt nương làm rẫy nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vừa qua, các lực lượng liên quan cũng đã kịp thời xử lý đám cháy rừng ở xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, các địa bàn như Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và Nha Trang đều là khu vực có nguy cơ cao cháy rừng do khí hậu khô hạn và hoạt động sinh kế của người dân tại vùng giáp ranh rừng. Ông Nguyễn Thanh Đức, Đội trưởng quản lý bảo vệ rừng, Công ty Trầm Hương (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), cho biết một trong những nguyên nhân chính gây cháy là do người dân đi bắt ong rừng, nấu ăn trong rừng và bất cẩn. Ngoài ra, các hoạt động nương rẫy của người dân, đặc biệt ở những khu vực giáp ranh hoặc xen kẽ với rừng, cũng là một nguy cơ lớn.

Chủ động phòng ngừa, theo dõi chặt

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, nắng nóng kéo dài, tỉnh này hiện có khoảng 200.000 ha rừng có nguy cơ cháy rất cao nên các đơn vị phải chủ động để phòng tránh. Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin của tỉnh này, cho biết đơn vị đã xây dựng các đường băng cản lửa tại những khu vực có nguy cơ cháy cao. Đường băng này sẽ giúp chia nhỏ đám cháy nếu xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dập lửa. Bên cạnh đó thành lập các chốt chặn, tổ đội tuần tra để phát hiện kịp thời các nguồn lửa, ngăn chặn cháy lan rộng.

Lãnh đạo Vườn Quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) cho biết hơn 110.000 ha rừng nơi đây có đặc trưng là thảm thực bì dày và lá rụng vào mùa khô, tạo thành nguồn vật liệu dễ bắt lửa. Do đó, lực lượng ở đây luôn trong trạng thái chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đốt non để giảm thiểu nguy cơ cháy lớn, tránh ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của rừng.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết những ngày qua, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra công tác đối với phòng chống cháy rừng của các chủ rừng, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý những đơn vị lơ là. "Việc tuyên truyền về phòng chống cháy rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm thiểu các vụ cháy rừng đáng tiếc có thể xảy ra" - ông Hưng nói.

Tại tỉnh Gia Lai, hơn 9.000 ha rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đang ở mức báo động cực kỳ nguy hiểm. Ông Nguyễn Tất Thành, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, cho biết hiện toàn bộ lực lượng của đơn vị phải túc trực 24/24 giờ tại tất cả các vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Song song với đó là vào các thôn, làng vận động người dân có đất nương rẫy giáp ranh với rừng không được đốt nương, gây nguy cơ cháy lan sang rừng.

Ông Trương Thanh Hà, quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết hiện đơn vị luôn cắt cử cán bộ theo dõi liên tục hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm để phát hiện, ngăn chặn kịp thời đám cháy, tránh lây lan trên diện rộng.

Tại tỉnh Khánh Hòa, ông Hà Văn Cốc, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật, Quản lý bảo vệ rừng Công ty Trầm Hương ở huyện Khánh Vĩnh, cho biết đơn vị đã lập biên bản và yêu cầu người dân cam kết không sử dụng lửa trong rừng và khu vực giáp ranh, đồng thời thành lập 26 chốt trực, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 gồm hơn 90 cán bộ, nhân viên để sẵn sàng xử lý khi có sự cố cháy. 

Tăng cường trang bị phương tiện, thiết bị

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định số 90/QĐ-UBND phân bổ dự toán kinh phí PCCC rừng mùa khô năm 2025 cho các đơn vị với tổng kinh phí gần 12 tỉ đồng. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Tài chính xem xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Môi trường về việc thống nhất chủ trương và bố trí kinh phí trang bị một số phương tiện, thiết bị với tổng kinh phí hơn 8,2 tỉ đồng. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu áp dụng khoa học - công nghệ, tích hợp phần mềm cảnh báo cháy rừng vào công tác quản lý bảo vệ rừng.

Căng sức giữ rừng giữa đỉnh điểm mùa khô- Ảnh 2.