Thế nào là “nguyên nhân khách quan”?

Theo quy định hiện hành, thời gian chậm nhất là 3 tháng phải kê khai nộp thuế mới được hoàn thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, luật cũng quy định trong những trường hợp do nguyên nhân khách quan mà chưa kịp kê khai thì vẫn được khấu trừ. Từ đây xảy ra nhiều vấn đề “tị nạnh” giữa các doanh nghiệp (DN) với nhau.

Bởi thế nào là “nguyên nhân khách quan” thì không được quy định rõ nên có nhiều trường hợp nguyên nhân giống nhau nhưng DN này được khấu trừ còn DN kia lại không được. Đơn cử một trường hợp ở Đồng Nai, trong thời gian xây dựng nhà máy phát sinh một số chi phí nhưng do chưa tuyển dụng được kế toán nên chưa kịp kê khai. Sau khi đã hoàn tất, nhà máy đi vào hoạt động và đã có kế toán, công ty kê khai thì Cục Hải quan Đồng Nai không cho khấu trừ. Tất nhiên, Cục Hải quan Đồng Nai đã làm đúng. Nhưng công ty này cho rằng có nhiều trường hợp DN láng giềng, DN bạn bè của công ty trong tình trạng tương tự đã được khấu trừ và như vậy là không công bằng. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, Bộ Tài chính đang làm rõ “thế nào là nguyên nhân khách quan” để quy định cụ thể cho hải quan và DN căn cứ vào đó để thực hiện. Trong thời gian chờ đợi, bộ sẽ giải quyết theo luật hiện hành, nghĩa là quá 3 tháng sẽ không khấu trừ.

Chưa nói đến chuyện đúng sai, nhưng luật đã quy định quá 3 tháng không kê khai, không được khấu trừ thì không nên có cửa riêng cho những trường hợp “có nguyên nhân khách quan”. Ai cũng thừa biết, căn cứ vào quy định chung chung này đã xảy ra biết bao nhũng nhiễu, phiền hà, móc túi DN, gây bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cũng như ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung của VN. Còn trong trường hợp cần phải có quy định riêng thì trước khi đưa luật vào cuộc sống, nên quy định rõ ràng, cụ thể, những trường hợp nào được gọi là “nguyên nhân khách quan” để tránh việc kiện tụng giữa các DN. Đây cũng là ý kiến của nhiều DN, với họ, mức thuế không quan trọng bằng sự bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế. Một chính sách công bằng không chỉ khiến DN tin tưởng mà còn góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ ngành thuế, giảm phiền hà trong thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư chung mà chúng ta đang nỗ lực.