Chiến sĩ trẻ đang là sinh viên trước lễ diễu binh: “Tự hào khó tả, hạnh phúc vô cùng”

(NLĐO) – Lần đầu tham gia lễ diễu binh, diễu hành, các chiến sĩ trẻ đang mang trong mình niềm vinh dự lớn lao khi được góp phần vào sự kiện trọng đại.

Chia sẻ trước "Giờ G", chiến sĩ Lê Phước Nhật Tài, học viên Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân, hiện đang tham gia diễu binh cho khối chiến sĩ cảnh sát PCCC và CNCH, cho biết nhiệm vụ hàng đầu lúc này là giữ tinh thần thoải mái, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cao nhất cho buổi diễu binh vào sáng mai (30-4). Bên cạnh đó, việc chuẩn bị kỹ lưỡng quân phục cũng được toàn đơn vị chú trọng, tất cả hướng đến sự trang nghiêm và tinh thần chiến thắng.

Nhớ lại những ngày tập luyện cao điểm, Nhật Tài cho biết: "Bình thường, chúng tôi tập luyện cả ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn, có khi di chuyển đến gần 10km. Tuy nhiên hiện tại, thời gian luyện tập đã giảm đi đáng kể, tập trung vào việc củng cố đội hình và kỹ thuật".

Chiến sĩ trẻ đang là sinh viên trước lễ diễu binh: “Tự hào khó tả, hạnh phúc vô cùng”- Ảnh 1.

Mặc dù tập luyện ướt đẫm mồ hôi nhưng Tài vẫn nở cười thật tươi khi bên mẹ

Một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tổng duyệt vừa qua là sự đồng hành của mẹ Nhật Tài. Anh xúc động kể: "Mẹ đã dành hai ngày đến động viên tôi. Dù không vào được khu vực tập luyện ở đường Lê Duẩn, hai mẹ con chỉ nhìn nhau được vài phút nhưng đó chính là nguồn động lực rất lớn cho tôi".

Chiến sĩ trẻ bày tỏ sự cảm kích trước tình cảm nồng hậu của người dân TP HCM. Dọc các tuyến đường di chuyển, người dân đứng hai bên vẫy tay, tặng nước, bánh kẹo, trái cây...

"Tôi vui và hạnh phúc lắm, đặc biệt khi nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các em học sinh Trường THPT Bà Điểm, đây là ngôi trường cấp 3 tôi theo học. Các em nhận ra và gọi tên tôi rất to. Tiếng reo hò cổ vũ lớn đến mức nhiều khi tôi không nghe rõ tiếng chỉ huy bên cạnh" – chiến sĩ Tài cười tươi nói.

Cũng là cựu học sinh Trường THPT Bà Điểm, hiện đang học Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân, chiến sĩ Lê Lâm Phát cho biết bản thân đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và không cảm thấy hồi hộp. Trong ngày diễu binh chính thức, gia đình Phát cũng sẽ vào trung tâm TP HCM để chứng kiến khoảnh khắc ý nghĩa này của con trai.

Nói bằng giọng dứt khoát, Phát cho biết: "Tập gần 5 tháng chỉ để cống hiến vào buổi sáng 30-4, đó là niềm vinh dự và tự hào. Tôi và đồng đội đều ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì kỷ luật, không dám lơ là dù chỉ một ngày tập luyện".

Chiến sĩ trẻ đang là sinh viên trước lễ diễu binh: “Tự hào khó tả, hạnh phúc vô cùng”- Ảnh 3.

Lê Lâm Phát (bên trái) tự hào khi tham gia khối nam chiến sĩ Cảnh sát cơ động.

Nữ chiến sĩ Nguyễn Thái Hạnh Nguyên (quê Gia Lai) cho biết cường độ tập luyện trong những ngày cuối cùng đã giảm bớt, chủ yếu để các chiến sĩ nghỉ ngơi, dưỡng sức cho ngày mai.

Hạnh Nguyên là cựu sinh viên ngành luật thương mại của Trường ĐH Luật TP HCM, hiện công tác tại Quân đoàn 34 (TP Pleiku, Gia Lai). Bố của Nguyên công tác trong ngành quân đội, vì vậy Nguyên được xem là "con nhà nòi", sớm có định hướng sẽ phục vụ lâu dài trong quân đội. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyên đã viết đơn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự.

Lần đầu tiên Hạnh Nguyên tham gia một cuộc diễu binh với quy mô lớn như vậy, nữ chiến sĩ xúc động chia sẻ: "Run là chắc chắn rồi, nhưng xen lẫn chính là niềm tự hào khó tả, hạnh phúc vô cùng".

Nữ chiến sĩ cười tươi nói tiếp: "Bố mẹ tôi đang trên xe từ Gia Lai vào TP HCM. Nhìn thấy con gái xuất hiện trên sóng truyền hình, bố mẹ rất vui. Tôi tin chắc đây chính là món quà ý nghĩa nhất dành tặng cho bố mẹ".

Chiến sĩ trẻ đang là sinh viên trước lễ diễu binh: “Tự hào khó tả, hạnh phúc vô cùng”- Ảnh 4.

Chiến sĩ Hạnh Nguyên gây "bão" mạng xã hội vì nhan sắc xinh đẹp

Những chiến sĩ trẻ đã sẵn sàng, với tinh thần thép và trái tim nhiệt huyết, hành trang của họ không chỉ là quân phục chỉnh tề, mà còn là tình yêu Tổ quốc nồng nàn, sự tin yêu của nhân dân và niềm vinh dự được viết nên trang sử vàng của dân tộc, góp phần vào ý nghĩa vào Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.