CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2 CẤP: VÌ DÂN, GẦN DÂN, HIỆU QUẢ (*): Không gian phát triển mới của TP HCM

Không có sự phát triển bền vững nào nếu không khởi đầu từ nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất - chính là cấp xã

Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ xã Nghĩa Trụ, tỉnh Hưng Yên ngày 14-7, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Xã là không gian phát triển mới". Đây không chỉ là chỉ đạo dành riêng cho các vùng nông thôn mà còn mở ra một tầm nhìn sâu sắc đối với những đô thị lớn đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc hành chính và không gian phát triển.

Nơi gần dân, hiểu dân nhất

TP HCM mở rộng địa giới, hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành một "đại đô thị vùng Đông Nam Bộ". 

Từ ngày 1-7, TP HCM chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là bước chuyển mình mang tính lịch sử, không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, mà quan trọng hơn, là để đưa bộ máy chính quyền đến gần người dân hơn, trao quyền thực chất hơn cho cấp cơ sở và tăng tính chủ động, linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh tại chỗ.

CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2 CẤP: VÌ DÂN, GẦN DÂN, HIỆU QUẢ (*): Không gian phát triển mới của TP HCM- Ảnh 1.

TP HCM là một thành phố đặc biệt không chỉ vì quy mô mà còn bởi tính chất mở, năng động, đa dạng về văn hóa, dân cư .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Với một thành phố đặc biệt như TP HCM, nơi đông dân nhất cả nước, đóng vai trò đầu tàu kinh tế, giao thương, văn hóa và sáng tạo, sự chuyển động của bộ máy hành chính từ "trên xuống" phải được lan tỏa bằng những thay đổi cụ thể từ "dưới lên". 

Trong cấu trúc ấy, cấp xã không còn chỉ là nơi thực thi quyết định, mà chính là nơi kiến tạo nên chất lượng sống hằng ngày, nơi đo lường sự hài lòng của nhân dân và nơi nuôi dưỡng bản sắc, niềm tin cũng như sự đổi mới của một siêu đô thị.

Một thành phố tốt là thành phố mà từng phường, xã đều mang lại cảm giác yên tâm, tự hào và cảm hứng sống cho người dân.

TP HCM là một thành phố đặc biệt không chỉ vì quy mô mà còn bởi tính chất mở, năng động, đa dạng về văn hóa, dân cư. 

Sau khi mở rộng, cấp xã trở thành "tế bào quản trị" cơ bản nhất nhưng lại có khả năng bao trùm một cách sâu sắc nhất đời sống người dân: từ dịch vụ công, an ninh, y tế cơ sở, văn hóa cộng đồng đến giáo dục mầm non, không gian công cộng và cả kinh tế hộ gia đình.

Không gian đô thị của TP HCM được xác lập không chỉ bởi những đại lộ hay khu trung tâm tài chính sầm uất mà còn bởi hàng ngàn khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề, xã ven biển, xã đảo, phường ven sông, phường đô thị hóa chưa đồng đều... 

Chính tại cấp xã, người dân cảm nhận rõ nhất những đổi thay trong chính sách: một hồ sơ được giải quyết nhanh, một tuyến phố được dọn sạch, một công viên được mở lại… Từng hành động nhỏ đó tạo nên cảm nhận lớn về một chính quyền gần dân, lắng nghe dân và đồng hành với dân.

Thời cơ để tái thiết các mô hình quản trị

Nhìn sâu vào cơ hội mới từ việc tái cấu trúc hành chính, có thể thấy cấp xã tại TP HCM đang đứng trước một thời cơ hiếm có để tái thiết toàn diện các mô hình quản trị văn hóa - xã hội - cộng đồng. 

Khi quyền hạn của cấp xã được tăng cường, nguồn lực được phân bổ sát thực tế, không gian sống từ nội đô đến vùng ven đều có thể chuyển mình mạnh mẽ. 

Phường, xã có thể trở thành trung tâm điều phối các sáng kiến cộng đồng, từ phát triển không gian công cộng đến phát huy kinh tế đêm, du lịch cộng đồng, khôi phục làng nghề, tổ chức lễ hội truyền thống…

Không gian văn hóa sáng tạo có thể được nhân rộng đến từng khu phố, từng tổ dân phố với sự đồng hành của chính quyền cấp xã. 

Một sân chơi nhỏ được mở ra từ bãi đất trống, một lớp học nhạc miễn phí từ sáng kiến của Đoàn Thanh niên… Tất cả đều là những mầm xanh văn hóa có thể bắt đầu từ cấp xã, nếu được tiếp sức bằng một tư duy mới: Lấy cộng đồng làm trung tâm, lấy văn hóa làm động lực và lấy sự tham gia của người dân làm thước đo hiệu quả.

Vai trò của cấp xã trong xây dựng văn hóa ứng xử đô thị cũng càng trở nên quan trọng. Từ việc giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh, tôn trọng không gian chung, văn minh giao thông đến việc xây dựng quy ước tổ dân phố, chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em, hỗ trợ người già... Không thể có TP HCM "đáng sống" nếu thiếu những phường, xã "đáng sống" - nơi người dân cảm thấy được bảo vệ, được lắng nghe và có cơ hội đóng góp.

Tất nhiên, để hiện thực hóa được tầm nhìn ấy, cấp xã không thể "tự làm" với nguồn lực hạn chế. Cần một tư duy phân quyền thực chất, trong đó cấp xã không chỉ là nơi "nhận lệnh và làm theo", mà phải được khuyến khích đề xuất, thử nghiệm và chủ động hành động. Và như thế, cơ chế ngân sách cũng cần linh hoạt hơn.

Một phường, xã của thành phố thông minh không thể thiếu ứng dụng công nghệ số trong quản lý dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến hay điều phối dữ liệu liên phường. Hệ thống dữ liệu số hóa toàn diện giúp cán bộ nắm bắt tốt hơn dân cư, hoàn cảnh, nhu cầu và xu hướng của địa bàn, từ đó chủ động hơn trong quản trị.

Nhưng cốt lõi nhất vẫn là yếu tố con người. Cán bộ cấp xã không thể chỉ là "người làm thủ tục hành chính", mà phải là những "công chức sáng tạo", có khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa, kết nối người dân và lan tỏa cảm hứng sống đẹp. 

Đồng thời, cộng đồng dân cư cũng cần được khơi dậy vai trò đồng kiến tạo. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp hay tổ chức xã hội đều có thể là một mắt xích làm nên sức sống đô thị, nếu được tin tưởng và tạo điều kiện tham gia.

Nói tóm lại, để xây dựng một đại đô thị bền vững, sáng tạo, đáng sống, cần bắt đầu từ cấp xã. Cấp xã không phải là nơi kết thúc chính sách, mà là nơi bắt đầu chất lượng sống. Khi từng phường, xã chuyển mình, từng cộng đồng thức dậy với niềm tin và động lực thì đó sẽ là ngày TP HCM bước vào một thời kỳ phát triển mới, sâu hơn, bền hơn và gần dân hơn bao giờ hết. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-7