Chủ tịch TP HCM phê bình 25 đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công

(NLĐO)- Thủ trưởng các đơn vị làm chủ đầu tư được giao làm rõ nguyên nhân chủ quan để tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm việc chậm giải ngân vốn đầu tư công. Đây sẽ là cơ sở đánh giá kết quả thi đua quý 2.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện giải ngân năm 2023 của thành phố

Theo đó, TP HCM đã phân bổ chi tiết 98% số vốn ngân sách Trung ương được giao trong năm 2023 (14.996/15.292 tỉ đồng) và cơ bản phân bổ toàn bộ số vốn ngân sách địa phương năm 2023 theo số giao của Thủ tướng Chính phủ (53.493 tỉ đồng).

Chủ tịch TP HCM phê bình 25 đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Tính đến ngày 17-8, thành phố giải ngân được 19.133 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 27%.

Ngay từ đầu năm, thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án được giao vốn. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đã thành lập 13 tổ công tác để giám sát tiến độ 38 dự án lớn, quan trọng với số vốn bố trí là 49.694 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 70% tổng kế hoạch vốn 2023 được giao.

UBND thành phố cho biết từ kết quả giải ngân quý 1 năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố đã phê bình 25 đơn vị chưa thực hiện công tác này. Đồng thời, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị làm chủ đầu tư làm rõ nguyên nhân chủ quan để tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nội vụ để làm cơ sở đánh giá kết quả thi đua quý 2 - 2023.

Thời gian tới, UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án và quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn. 

Đối với các dự án còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc thì theo dõi, đeo bám, đề xuất các giải pháp và có lộ trình thực hiện cụ thể.

UBND thành phố cũng giao các sở, ngành chấn chỉnh, đôn đốc các phòng, ban và rà soát, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục tại cơ quan mình, đặc biệt là các thủ tục đầu tư các dự án đầu tư được giao vốn trong năm 2023.

Đối với các dự án chậm hoặc chưa giải ngân do thủ tục quyết toán, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, trình Sở Tài chính hoặc UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, UBND thành phố cho biết việc thực hiện Thông tư 13/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, định mức diện tích đất bình quân tối thiểu/học sinh trong điều kiện đặc thù của thành phố sẽ gây khó khăn trong việc đầu tư trường lớp và tăng số phòng học, đặc biệt là ở nội thành.

Do đó, TP HCM kiến nghị chỉ tiêu định mức diện tích đất bình quân tối thiểu/học sinh nên áp dụng. Cụ thể, bậc mầm non 8-12m2/học sinh; tiểu học và trung học 6-10m2/học sinh.