Cuộc đấu tranh còn đang tiếp tục...

(NLĐO) - Một trong những thành tựu vĩ đại của cách mạng là dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chế độ mới, chế độ do nhân dân làm chủ.

Cuộc đấu tranh còn đang tiếp tục... - Ảnh 1.

Chỉ còn một năm nữa, đến năm 2020, chúng ta sẽ kỷ niệm tròn 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chắc chắn đến lúc đó, chúng ta sẽ có một bản tổng kết đầy đủ và sâu sắc về những thành tựu lịch sử vĩ đại mà nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, đã giành được. Nhưng từ nay đến lúc "có một bản tổng kết đầy đủ và sâu sắc" đó thì thiết nghĩ ngay từ bây giờ, với những nội dung phong phú, những góc độ tiếp cận khác nhau, chúng ta cần tham gia đóng góp ý kiến sôi nổi để thêm tự hào về Đảng ta, dân tộc ta, để nhận rõ thời cơ và thách thức mới, để vững tin tiếp bước vào tương lai.

Bài viết xin đề cập đến công tác xây dựng đảng hiện nay, một lĩnh vực nhận được sự quan tâm, thậm chí lo lắng của nhiều người.

Nhận diện "tha hóa quyền lực"

Một trong những thành tựu vĩ đại của cách mạng là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chế độ mới, chế độ do nhân dân làm chủ. Trong chế độ ta, quyền lực thuộc về nhân dân, là của nhân dân. Nhưng người dân không thể trực tiếp tổ chức, quản lý, điều hành mọi công việc của xã hội được, vì vậy phải ủy quyền. Thông qua bầu cử, người dân lựa chọn những người mà mình tin cậy, trao cho họ quyền lực của mình, để họ sử dụng quyền lực đó phục vụ cho lợi ích nhân dân. Chính trong quá trình chuyển giao, ủy quyền này rất dễ xảy ra, và trong thực tế đã xảy ra hiện tượng "tha hóa quyền lực". ("Tha hóa" - trở thành cái khác - là thuật ngữ triết học dùng để chỉ hiện tượng nào đó do một khác sinh ra, nhưng do một số điều kiện, lại tách rời, quay lại chế ngự cái đã sản sinh ra nó).

Quyền lực vốn của dân, nhưng vào tay những người được ủy quyền thì họ lại cho rằng đó là quyền lực của bản thân họ, do địa vị của họ có được. Do không có cơ chế kiểm soát bằng luật định công khai, minh bạch, quyền lực này dễ bị sử dụng vì lợi ích cá nhân - nguồn gốc của tham nhũng. Sự suy thoái, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cũng bắt nguồn từ đây. Tác động dây chuyền của nó lan ra cả bộ máy: không chỉ người đứng đầu đơn vị mà những nhân viên cấp thấp như viên thư ký, người bảo vệ... ai cũng có một chút quyền để gây phiền hà cho dân, để tham nhũng vặt. Cuộc chạy đua để có chức vị diễn ra lúc ngấm ngầm, khi công khai, có khi còn được ra giá, trả giá... khiến cho bộ máy công quyền trở thành bộ máy "hành là chính". Quyền lực là của nhân dân quay lại áp chế nhân dân! Qúa trình "tha hóa quyền lực" hoàn tất và nó tiếp tục vận hành theo chu trình bất tận nếu không bị phá vỡ, không "giải tha hóa".

Giải tha hóa bằng cách nào?

Ở đây liên quan đến hai vấn đề: một là, làm thế nào để nhân dân kiểm soát được việc sử dụng quyền lực của mình; hai là, làm thế nào để có bộ máy quyền lực tinh gọn, hiệu quả, trong sạch?

Về vấn đề thứ nhất, có thể có nhiều giải pháp. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Lâu nay, nói về quyền làm chủ của nhân dân, người ta thường nói đến thuộc lòng, đó là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Những quyền đó là đúng, nhưng chưa đủ, còn thiếu, thậm chí thiếu những quyền cơ bản: dân bàn, đúng rồi, nhưng bàn xong thì ai quyết? Dân làm, đúng rồi, nhưng làm ra thành quả rồi thì ai hưởng? Không thấy nói đến! Theo tôi cần bổ sung hai quyền đó là dân quyết và dân hưởng thì quyền làm chủ của nhân dân mới đầy đủ.

Nhân dân chỉ có thể thực thi quyền giám sát của mình bằng hệ thống pháp luật.  Luật không đầy đủ, không minh bạch và cơ chế tổ chức thi hành luật còn nhiều yếu kém nên hiện tượng "mù luật", "nhờn luật" còn khá phổ biến.

Ý thức trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của nhân dân vô cùng to lớn. Những gì mà xã hội, mà nhân dân làm được thì Nhà nước để dân làm. Nhà nước còn bao sân, bao cấp quá nhiều. Cần xã hội hóa mạnh hơn nữa ở các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và một phần trong y tế, giáo dục…

Về vấn đề thứ hai, cần chuyển mạnh chức năng bộ máy Nhà nước từ quản lý sang phục vụ, kiến tạo. Tại sao bộ máy quản lý ở nước ta lại cồng kềnh, kém hiệu quả như vậy? Số người làm việc được và thực sự có làm việc chiếm bao nhiêu phần trăm? Vẫn chưa có câu trả lời thống nhất.

Bộ máy vận hành như thế nào, có thể từng bước hạn chế tiến đến xóa bỏ nạn tham nhũng không, suy cho cùng vẫn là do phẩm chất, năng lực của cán bộ quyết định. Đây thực sự là cuộc đấu tranh phức tạp, thậm chí có phần khó hơn xưa. Trước đây, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ta có thể dễ dàng nhận diện kẻ thù, ranh giới địch ta, đúng sai, phải trái xác định không khó, thì ngày nay, "kẻ thù" lại ở trong nội bộ chúng ta, ở trong mỗi người chúng ta. Không ít người hôm qua chiến tích hiển hách, bom đạn không làm họ sờn lòng thì nay lại gục ngã vì danh lợi. Chiến thắng bản thân là chiến thắng khó khăn nhất. Cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp diễn, và chỉ chiến thắng trong cuộc đấu tranh này ta mới khôi phục lại được niềm tin yêu của dân với Đảng.