Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc lời Quốc ca bằng tiếng Việt

(NLĐO)- Nhấn mạnh một lần nữa Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới, Tổng Thư ký António Guterres khẳng định Liên Hiệp Quốc tự hào khi được là đối tác của Việt Nam để "Tiến lên, cùng tiến lên"

Chiều tối ngày 21-10, tại Hà Nội, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres tại Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký LHQ đã chủ trì Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ (20.9.1977 - 20.9.2022).

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc lời Quốc ca bằng tiếng Việt - Ảnh 1.

Tiêu binh rước Quốc kỳ Việt Nam và cờ LHQ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Sự trùng hợp tuyệt vời của lịch sử

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, một sự trùng hợp tuyệt vời của lịch sử là cách đây đúng 77 năm, vào những ngày thu năm 1945, LHQ ra đời trên đống tro tàn của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, và đây cũng là thời điểm khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nhắc lại ngay từ những ngày đầu kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Chủ tịch Đại hội đồng và lãnh đạo các nước đề nghị công nhận nền độc lập của Việt Nam, bày tỏ mong muốn gia nhập và khẳng định sẵn sàng tham gia các công việc của LHQ, Chủ tịch nước nhấn mạnh kể từ đó, lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để giữ vững nền độc lập theo chân lý "không có gì quý hơn độc lập tự do", và đó cũng chính là giá trị cơ bản mà LHQ theo đuổi.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc lời Quốc ca bằng tiếng Việt - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của LHQ là một dấu mốc quan trọng của đối ngoại Việt Nam, khởi đầu một chặng đường lịch sử mới trong xây dựng và phát triển đất nước.

Ký ức về những bao bột mì, những can dầu ăn…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tri ân đối với sự đồng hành của LHQ và cộng đồng quốc tế trên mỗi bước đường phát triển của đất nước trong suốt 45 năm qua: "Tục ngữ Việt Nam có câu "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Phương ngôn quốc tế cũng có câu "Lúc hoạn nạn mới biết người bạn thực sự là ai". Trong những năm tháng gian khổ nhất, LHQ là kênh viện trợ đa phương duy nhất giúp Việt Nam tái thiết hạ tầng kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống của người dân. Trong tâm trí nhiều người Việt Nam hôm nay còn vẹn nguyên ký ức về những bao bột mì, những can dầu ăn, những hộp sữa bột, có in đậm tên của Chương trình Lương thực Thế giới (PAM/WFP), những chiếc ba lô của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) trên vai các em nhỏ tới trường ở vùng xa, hay hình ảnh các bác sĩ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong những chương trình tiêm chủng mở rộng...

Khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới từ năm 1986 và trong suốt quá trình phát triển sau này, LHQ là đối tác luôn "kề vai sát cánh", giúp đỡ Việt Nam hiệu quả về xây dựng thể chế của nền kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội, đưa hàng triệu người dân thoát nghèo. Đặc biệt, gần đây, trong bão xoáy COVID-19 tàn phá, 62 triệu liều vắc-xin quý báu, kịp thời của chương trình COVAX đã mang đến niềm tin và chạm đến trái tim của mỗi người dân chúng tôi về một LHQ thấm đượm giá trị nhân văn cao cả".

Hành trình đáng nhớ

Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam luôn chủ động, tích cực đóng góp cùng LHQ vì hòa bình và sự tiến bộ trên thế giới. Từ một nước tiếp nhận viện trợ nhân đạo, Việt Nam tự hào đã trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm, đóng góp tích cực trên tất cả các lĩnh vực trụ cột của LHQ.

Đánh giá về vai trò của LHQ trong bối cảnh thế giới hiện nay, Chủ tịch nước nhấn mạnh hơn bao giờ hết, các nước kỳ vọng LHQ sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, là hạt nhân kết nối đoàn kết quốc tế, là đầu mối điều phối các nỗ lực đa phương giúp củng cố hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển trên thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, hợp tác với LHQ sẽ luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam sẽ hợp tác hiệu quả với LHQ tham gia xử lý các thách thức toàn cầu, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Nói lời "Xin chào!" bằng tiếng Việt, Tổng Thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh hôm nay, chúng ta không chỉ kỷ niệm một quan hệ đối tác bền chặt - chúng ta còn kỷ niệm một hành trình đáng nhớ. Một câu chuyện về sự chuyển đổi và hy vọng do dân tộc Việt Nam viết nên.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc lời Quốc ca bằng tiếng Việt - Ảnh 3.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Cách đây không lâu, các nhân viên LHQ thế hệ trước còn phải cung cấp viện trợ lương thực cho Việt Nam, một đất nước bị chiến tranh tàn phá, bị cô lập và nạn đói chực chờ. Hôm nay, chính Việt Nam đang gửi những người lính gìn giữ hòa bình đến giúp đỡ người dân ở một số nơi tuyệt vọng nhất trên thế giới.

Cách quê hương hàng ngàn dặm - ở những nơi xa xôi như Cộng hòa Trung Phi - những người lính Việt Nam đang dấn thân vào hiểm nguy để những người dân nơi đây có được hòa bình, hy vọng và cơ hội về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trên trường quốc tế, Việt Nam ngày nay không chỉ là nước đóng góp quan trọng cho hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Việt Nam đã hai lần được bầu vào Hội đồng Bảo an LHQ.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc lời Quốc ca bằng tiếng Việt - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký LHQ António Guterres với các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của LHQ. Ảnh: TTXVN

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác và hội nhập trên khắp Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam hiện nay là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Việt Nam đã hoàn thành và trong một số trường hợp đã vượt hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Dù còn nhiều thách thức trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.

"Những thành quả này là minh chứng mạnh mẽ cho sự kiên cường và nỗ lực vượt khó của người Việt Nam, và cũng như chính sách lấy con người làm trung tâm của sự phát triển" - Tổng Thư ký LHQ đánh giá.

"Tiến lên, cùng tiến lên"

Theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, hướng về tương lai, chúng ta cần tiếp tục viết nên chương mới trong câu chuyện phát triển thành công của Việt Nam. Đó là tạo thêm việc làm bền vững cho phụ nữ và thanh niên; tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình phát triển nền kinh tế xanh; thu hẹp khoảng cách thu nhập của người dân; giải quyết tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường; triển khai các nỗ lực đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, củng cố nhà nước pháp quyền.

"Tôi ghi nhận thành công mới của Việt Nam khi vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người chính là nền tảng để phát huy những điều tốt đẹp nhất trong xã hội chúng ta. Quyền con người là nền tảng của tinh thần đoàn kết, sự hòa nhập, bình đẳng và tăng trưởng, sự tự do và ổn định lâu dài.

Trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là cơ hội để mỗi quốc gia thành viên đề cao quyền con người trên mọi góc độ - từ xã hội, kinh tế và văn hóa, đến các quyền chính trị và dân sự; thúc đẩy các quyền tự do cơ bản cho mọi người dân; tạo điều kiện và thúc đẩy để các tổ chức, đoàn thể của nhân dân, các tổ chức phi chính phủ tham gia góp phần đưa các quyền con người thực sự đi vào cuộc sống.

Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn với các quý vị vì hòa bình, phát triển bền vững và quyền con người cho tất cả mọi người" - Tổng Thư ký LHQ kỳ vọng.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc lời Quốc ca bằng tiếng Việt - Ảnh 5.

Các đại biểu nước ngoài dự lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Đề cập đến việc xây dựng các liên minh hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi tiến hành cắt giảm các nguồn phát thải lớn (gồm các nước phát triển, các tổ chức tài chính và những nước có trình độ công nghệ cao), ông nhấn mạnh Việt Nam đang là quốc gia đi đầu trong tiến trình đó.

"Việt Nam đang đi tiên phong trong việc thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi công bằng và bao trùm sang năng lượng tái tạo. Thông qua những Quan hệ Đối tác này, Việt Nam đang kiến tạo nên một công cụ mới và quan trọng, cho phép thế giới đạt được những mục tiêu cắt lượng khí thải trong thập kỷ 2020. Và các bạn cũng đang mở ra một hướng đi mới để toàn khu vực có thể chuyển đổi từ một khu vực phát thải nhiều do điện than thành một trung tâm kinh tế xanh của thế giới.

Việt Nam đã phát huy vai trò lãnh đạo thông qua thiết lập các Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), qua đó khởi động tiến trình phối hợp ở các cấp độ chưa từng có trong khuôn khổ chính phủ Việt Nam cũng như với các đối tác. Thông qua JETP, Việt Nam đang trở thành hình mẫu phát triển mới để cả thế giới tham khảo. Việt Nam đang làm chủ, định hình, và là động lực thúc đẩy Quan hệ Đối tác này" - Tổng Thư ký LHQ đánh giá.

Đồng thời ông nhấn mạnh: "Cá nhân tôi sẽ tham gia cùng thúc đẩy các đối tác thực hiện đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính một cách nhanh chóng, với quy mô lớn, và với nhiều mức ưu đãi đối với Việt Nam".

Nhấn mạnh một lần nữa Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới, Tổng Thư ký António Guterres khẳng định LHQ tự hào khi được là đối tác của Việt Nam.

""Tiến lên, cùng tiến lên". Chúng ta sẽ cùng đi lên, đúng như lời cổ vũ trong bản Quốc ca Việt Nam" - Tổng Thư ký LHQ kết thúc bài phát biểu ấn tượng bằng lời hát của "Tiến quân ca" bằng tiếng Việt trong tiếng vỗ tay vang dội của những người tham dự sự kiện.