Chính trường Thái Lan biến động

Dù bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra vẫn có mặt trong nội các mới cải tổ với vai trò Bộ trưởng Bộ Văn hóa

Theo Bangkok Post, với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 1-7 đã quyết định chấp nhận đơn kiến nghị của các thượng nghị sĩ phản đối việc bà Paetongtarn Shinawatra tiếp tục làm Thủ tướng Thái Lan, qua đó tạm đình chỉ chức vụ của bà trong thời gian xem xét đơn này.

Tuy vậy, bà Paetongtarn vẫn ở lại nội các vì theo đề xuất cải tổ được nhà vua Thái Lan chấp thuận hôm 30-6 và công bố ngày 1-7, bà còn kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Văn hóa.

Bản kiến nghị nói trên do 36 thượng nghị sĩ khởi xướng, đệ trình thông qua Chủ tịch Thượng viện Thái Lan, kêu gọi xem xét theo một số điều khoản của Hiến pháp Thái Lan để xác định liệu bà Paetongtarn có nên bị bãi nhiệm vì nội dung bị rò rỉ của cuộc điện thoại giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen hay không.

Trong đoạn ghi âm bị rò rỉ, bà Paetongtarn đã đưa ra những nhận xét không hay về Tư lệnh Quân khu 2 của Thái Lan, là lực lượng giám sát biên giới của nước này với Campuchia từ Sa Kaeo đến Ubon Ratchathani, bao gồm 4 khu vực tranh chấp. Ngoài ra, cách trò chuyện của bà Paetongtarn được coi là có phần nhún nhường đối với ông Hun Sen.

Do vậy, các thượng nghị đã cáo buộc bà vi phạm một số điều khoản trong Hiến pháp Thái Lan, gây bất lợi cho đất nước. Trước quyết định đình chỉ chức vụ 1 ngày, Tòa án Hiến pháp cũng yêu cầu bà Paetongtarn phải nộp văn bản giải trình trong vòng 15 ngày. Sau quyết định của tòa án, bà Paetongtarn đã giải thích trước báo giới rằng việc bà gọi cho ông Hun Sen là nhằm ngăn chặn có thêm đụng độ với Campuchia. 

"Tôi chỉ nghĩ đến cách ngăn ngừa xung đột và thương vong. Tôi khẳng định tôi không có ý định xấu. Tôi xin lỗi nếu cách tiếp cận của tôi không thỏa đáng" - bà Paetongtarn nhấn mạnh.

Chính trường Thái Lan biến động- Ảnh 1.

Bà Paetongtarn Shinawatra đến tòa nhà chính phủ ở TP Bangkok hôm 1-7, trước khi bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng Thái Lan Ảnh: AP

Bà Paetongtarn cũng cho biết bà chấp nhận quyết định của tòa án và rằng ý định của bà "chân thành hơn 100%". "Tôi hành động vì đất nước, để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ mạng sống của binh lính và gìn giữ hòa bình cho đất nước chúng ta''; "Tôi cũng muốn xin lỗi tất cả những người dân Thái Lan có thể cảm thấy bất an hoặc khó chịu về vấn đề này" - báo Bangkok Post dẫn lời bà Paetongtarn.

Theo các tờ báo Thái Lan như The Nation, Khaosod, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Suriya Jungrungreangkit đã được chỉ định làm quyền Thủ tướng Thái Lan. Ông Suriya sẽ có toàn quyền và sẽ nêu vấn đề bổ nhiệm một phó thủ tướng mới chịu trách nhiệm về nhân sự và ngân sách trong cuộc họp nội các. The Nation cho hay thủ tướng lâm thời sẽ dẫn đầu nội các mới tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3-7 thay cho thủ tướng bị đình chỉ. 

Năm nay 70 tuổi, ông Suriya là chính trị gia kỳ cựu của Thái Lan, gia nhập chính trường từ những năm 1990 và đã đảm nhiệm nhiều vị trí trong chính phủ.

Ngoài Tòa án Hiến pháp, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) cũng đang điều tra bà Paetongtarn về khả năng "vi phạm đạo đức" liên quan đến cuộc gọi bị rò rỉ giữa bà và ông Hun Sen. 

Cuộc điều tra này cũng dựa trên kiến nghị do cùng nhóm 36 thượng nghị sĩ kể trên đệ trình. Hiện chưa rõ NACC sẽ kết thúc điều tra khi nào, song tiến trình này có thể dẫn đến một vụ kiện khác tại Tòa án Tối cao Thái Lan và bà Paetongtarn có nguy cơ bị cấm tham gia chính trị - theo báo Bangkok Post