Chủ động đẩy mạnh phòng chống sốt xuất huyết

Người dân và ngành y tế các địa phương khu vực ĐBSCL đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp phòng chống sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Những ngày qua, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại nhiều địa phương khu vực ĐBSCL diễn biến phức tạp. Do vậy, ngành y tế đã và đang phát động phong trào, chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, diệt muỗi, khai thông cống rãnh thoát nước, vệ sinh môi trường, phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống SXH.

Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thuốc điều trị

Từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang ghi nhận hàng ngàn ca mắc SXH. Trong đó, một số ca diễn tiến nặng khiến ngành y tế địa phương phải khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch.

Sở Y tế tỉnh An Giang đã yêu cầu trung tâm y tế các địa phương tăng cường giám sát ca bệnh tại trạm y tế cơ sở; kịp thời phát hiện, khoanh vùng và sớm xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh. Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh cho biết với phương châm "Không có lăng quăng, không có SXH", An Giang đang huy động nhiều ban, ngành và người dân cùng chung tay ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chủ động đẩy mạnh phòng chống sốt xuất huyết- Ảnh 1.

Các địa phương ở ĐBSCL ra quân tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết .Ảnh: YÊN VÂN

Các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn An Giang được yêu cầu thường xuyên kiểm tra, loại bỏ nơi muỗi sinh sản. Các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến dưới được củng cố năng lực điều trị, chuẩn bị đầy đủ vật tư, thuốc men và giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận, xử lý ca bệnh nặng.

Tại Cà Mau, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay từ đầu năm 2025 đến nay, địa phương ghi nhận 321 ca mắc SXH - tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2024; chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Theo ông Nguyễn Quan Phú, Phó Giám đốc CDC tỉnh Cà Mau, người dân khi có triệu chứng nghi mắc SXH thì cần đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị đúng phác đồ; tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà hoặc lạm dụng thuốc hạ sốt.

Chủ động đẩy mạnh phòng chống sốt xuất huyết- Ảnh 2.

Người dân ở Cà Mau thường xuyên vệ sinh, thay nước trong các lu, khạp để diệt lăng quăng .Ảnh: VÂN DU

Song song đó, các hộ gia đình ở Cà Mau được đề nghị chủ động diệt lăng quăng bằng cách đậy kín vật dụng chứa nước; thả cá bảy màu vào lu, khạp để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi vằn… Người dân được khuyến cáo ngủ mùng cả vào ban ngày và mặc quần áo kín để hạn chế khả năng bị muỗi đốt. Người dân còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và ngành y tế trong các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi khi cần thiết.

"Nhằm phòng chống bệnh SXH, ngành y tế tỉnh Cà Mau đã và đang tăng cường giám sát dịch tễ thông qua việc tổ chức giám sát ca bệnh tại cộng đồng, cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện, xử lý kịp thời. Các cơ sở khám chữa bệnh không chỉ được tập huấn phác đồ điều trị mà còn chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, dịch truyền để kịp thời điều trị cho bệnh nhân SXH" - ông Phú thông tin.

Đổi mới cách tuyên truyền

Tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương ghi nhận số ca mắc SXH nhiều nhất khu vực ĐBSCL từ đầu năm đến nay, với khoảng 1.500 trường hợp.

Do đó, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị hằng tuần, mỗi hộ gia đình dành ít nhất 10 phút để phòng chống SXH. Những việc cụ thể được khuyến cáo thực hiện khá đơn giản, như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay nước, cọ rửa, đậy nắp kín; thả cá để diệt lăng quăng vào các vật dụng chứa nước khó cọ rửa; thường xuyên thay nước lọ hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ…

Nhằm chủ động phòng chống SXH, mỗi khi vào mùa mưa, bà Nguyễn Thị Thúy (ngụ phường Cái Răng, TP Cần Thơ) dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, phát quang bụi rậm, nạo vét cống rãnh..., giữ cho khu vực xung quanh luôn thông thoáng, sạch sẽ, không để muỗi vằn truyền bệnh có nơi sinh sống. Những vật dụng như lu, chai, lọ..., kể cả vỏ dừa, đều được bà úp ngược hoặc che đậy kỹ lưỡng để lăng quăng, bọ gậy hết chỗ sinh trưởng.

"Nhà có trẻ nhỏ nên tôi rất lo dịch bệnh SXH xảy ra, phải chủ động phòng ngừa. Tôi còn vận động người thân và hàng xóm cùng thực hiện vệ sinh môi trường để bảo vệ sức khỏe. Việc này không mất nhiều thời gian nhưng rất cần thiết trong mùa mưa - thời điểm dịch bệnh SXH dễ có nguy cơ bùng phát" - bà Thúy bày tỏ.

Theo TS - bác sĩ Trương Tỷ, Giám đốc Trung tâm Y tế khu vực Cái Răng, ở vùng nông thôn và ngoại thành, người dân thường vất bỏ lốp xe cũ, chai, lọ, lu, chậu hỏng… quanh nhà mà không dọn dẹp. Những thứ này dễ đọng nước, là nơi thích hợp cho muỗi vằn trú ngụ, đẻ trứng. Vì vậy, trước mắt cần loại bỏ các vật liệu này để "cắt" đường sinh sản của muỗi vằn.

"Trung tâm Y tế thường xuyên tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng tại các khu dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị. Chúng tôi cũng đổi mới cách tuyên truyền, như tổ chức các cuộc thi, thử thách trên mạng xã hội về phòng chống SXH. Chúng tôi còn lồng ghép thông điệp về phòng chống SXH vào các sự kiện văn hóa, thể thao để thu hút sự chú ý của cộng đồng" - bác sĩ Tỷ nhấn mạnh. 

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án

CDC tỉnh Cà Mau cho hay ngoài SXH thì vào mùa mưa, khu vực ĐBSCL còn dễ phát sinh một số dịch bệnh như: tay chân miệng, tiêu chảy cấp, da liễu… Ngành y tế đã đề nghị các địa phương và đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát dịch tễ, xử lý ổ dịch triệt để, khống chế không để lây lan rộng…

"Ngành y tế luôn chủ động, sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe người dân. Chúng tôi thường xuyên kêu gọi người dân nâng cao ý thức, tích cực phối hợp cùng chính quyền và lực lượng y tế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng" - một lãnh đạo CDC tỉnh Cà Mau khẳng định.

Chủ động đẩy mạnh phòng chống sốt xuất huyết- Ảnh 3.