Chuyện của ngôi sao "nói thế": Tưởng hết thời, hóa ra tiềm năng

(NLĐO) - Ngày nay, với sự phát triển chóng mặt của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nghề lồng tiếng ngày càng được mở rộng.

Một nghề triển vọng

Ngoài phim điện ảnh nước ngoài chiếu rạp, các bộ phim nước ngoài trên các nền tảng trực tuyến cũng rất cần được lồng tiếng. Bởi nhu cầu xem phim có bản quyền trên các nền tảng trực tuyến ngày càng gia tăng, đặc biệt là phim điện ảnh nước ngoài. Vấn đề "bản địa hóa" giọng nói của nhân vật trong các phim này trở nên cấp thiết vì điều đó sẽ khiến phim có mật độ gần gũi hơn với người xem bản xứ. 

Đại diện của Netflix, ông Dennis Chau, Giám đốc lồng tiếng APAC cho biết: "Lồng tiếng là yếu tố then chốt giúp khán giả đại chúng có thể thưởng thức nội dung các tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới và mang những câu chuyện có tính địa phương đến với khán giả toàn cầu".

Chuyện của ngôi sao

Tóc Tiên - Thái Hòa lồng tiếng cho phim Kungfu Panda 3

Wendel Bezerra - nghệ sĩ lồng tiếng ở Sao Paulo, Brazil - nổi danh khi lồng tiếng bằng ngôn ngữ Bồ Đào Nha trong phim hoạt hình SpongeBob SquarePants. Sau đó, anh được lồng tiếng cho các tài tử Robert Pattinson và Edward Norton. 

Nói về những cơ hội này, Bezerra cho biết nỗ lực của anh được đền đáp đã vài năm nay - khi Netflix đẩy mạnh việc thu hút người xem toàn cầu bằng các bộ phim lồng tiếng và phim truyền hình dài tập. "Số lượng các dự án tại thị trường nội địa tăng gấp 30 lần. Với đà này, tôi có thể sẽ trở thành tài năng lồng tiếng nổi nhất Brazil" - Bezerra tự tin tuyên bố.

Theo thống kê của cụm rạp CGV, số phim lồng tiếng được khán giả lựa chọn nhiều hơn các bản phim phụ đề. Số người chọn phiên bản lồng tiếng tăng dần qua mỗi năm. Nếu như ở những bộ phim lồng tiếng đầu tiên năm 2011, số chọn xem phiên bản lồng tiếng chỉ là 38% thì đến thời điểm gần đây, con số này thường ở mức trên 65%. 

Thách thức về bảo mật

Tất nhiên, không có việc nào là "dễ xơi", nghề nào cũng có những khó khăn, thử thách. Lồng tiếng cho bom tấn hoạt hình Hollywood càng phải tuân thủ nhiều quy định, luật lệ. Bước đầu tiên nhà phát hành chọn những gương mặt nghệ sĩ phù hợp và gửi thông tin đến hãng sản xuất. Các bản thu âm diễn xuất lồng tiếng của các nghệ sĩ Việt Nam được chính đạo diễn của phim gốc trực tiếp casting để chọn giọng phù hợp nhất. Là những người đầu tiên tiếp xúc với bản phim nên những quy định về bảo mật nội dung phim cực kỳ khắt khe.

Công đoạn lồng tiếng tại Việt Nam cũng được giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia đến từ Hollywood hay từ studio của hãng trong khu vực. Yêu cầu kỹ thuật về thiết bị phòng thu cũng phải đúng chuẩn. Sự khác biệt về ngôn ngữ cũng là điểm khó, làm sao khớp khẩu hình khi dịch thoại từ tiếng Anh sang tiếng Việt. 

Nghệ sĩ lồng tiếng cũng phải vừa thoại vừa diễn xuất trong giọng nói. Bởi vậy, nghệ sĩ phải khớp miệng từng chi tiết một, rồi những cử chỉ, hành động của nhân vật. Kinh phí dành cho việc lồng tiếng Việt theo tiêu chuẩn Hollywood cũng rất cao, trung bình tăng 61 lần so với chi phí làm phụ đề bản phim nhựa 35 mm và gấp ngàn lần so với chi phí thuyết minh phim. Tuy nhiên, với khán giả, hiệu quả phim lồng tiếng sẽ cao hơn phim phụ đề.

Ngoài lồng phim ảnh, ngày nay, diễn viên lồng tiếng còn lồng cho sách nói, TVC quảng cáo…

Nghề lồng tiếng cho diễn viên

Chuyện của ngôi sao

Lồng tiếng phim thực tế đang là nhu cầu khi các nền tảng điện ảnh phát triển mạnh

Theo BBC, ở Anh quốc, lồng tiếng được xem là nghề phổ biến bởi sự ra đời và phát triển mạnh của vô tuyến truyền hình. Làm công việc này đòi hỏi phải có chất giọng thật hay và truyền cảm trước đã, sau đó mới bàn đến độ nhạy với âm thanh, hình ảnh và các yếu tố khác.

Diễn viên lồng tiếng không lộ diện trên màn ảnh. Nhưng diễn viên lồng tiếng cũng phải "diễn" hết mình theo đúng nghĩa đen. Bởi nếu không diễn theo đúng với cảm xúc của nhân vật thì âm thanh phát ra khó lột tả hết được tính cách nhân vật. Nhiều ngôi sao lồng tiếng tự sáng tạo ra loại giọng đặc trưng cho nhân vật, hoặc có thể điều chỉnh loại giọng, âm vực để hợp với yêu cầu studio, nhà sản xuất cho một dự án nào đó. 

Mỗi diễn viên lồng tiếng có thể nói được nhiều giọng khác nhau. Người theo nghề này xem giọng nói là phương tiện quan trọng nhất để thể hiện cảm xúc. Họ luôn phải rèn luyện và thực hành một cách nghiêm túc, trau dồi kỹ năng âm thanh để chất giọng được khỏe nhất có thể.

Nguy cơ mất giọng

Nghề có ưu điểm không đòi hỏi ngoại hình nhiều, linh động về thời gian và nơi làm việc, tuy nhiên mức độ cạnh tranh cao, công việc không ổn định, và nguy cơ mất giọng là điều dễ dàng dự đoán trước. Diễn viên lồng tiếng cho nhiều nhân vật của Star Wars, Tom Kane đã bị mất khả năng giao tiếp bình thường, mất giọng nói truyền cảm và không thể tiếp tục công việc mà ông tâm huyết sau khi lên cơn đột quỵ. 

Tom Kane chia sẻ: "Giọng nói rất nhạy cảm và không nên lạm dụng nó quá mức. Việc nói liên tục khoảng 12 giờ mỗi ngày là không thể. Đối với các tài năng lồng tiếng đã thành danh, ngay cả khi nói không ngừng trong 3-4 giờ cũng đã vô cùng mệt mỏi".

Thù lao của một diễn viên lồng tiếng dao động từ 35 USD đến 150 USD cho bản ghi âm 15s của trang web, 250-350 USD cho 30 giây quảng cáo trên đài phát thanh thị trường lớn. Cát-xê dao động từ 2.000-5.000 USD đối với một tác phẩm truyền hình. Diễn viên lồng tiếng trung bình có mức lương 31.400 USD/năm. 

Một diễn viên lồng tiếng trẻ có thể kiếm khoảng 18.390 USD/năm, trong khi người dày kinh nghiệm thường được trả tới 90.000 USD/năm. Các diễn viên lồng tiếng cấp cao nhất có thể kiếm được nhiều hơn số tiền này. Donald Leroy LaFontaine (1940 - 2008) từng được xem là "bậc thầy" trong lĩnh vực lồng tiếng. Sinh thời, ông đã lồng tiếng cho hơn 5.000 trailer phim.

Với ưu thế có thể biến hóa giọng nói của mình thành nhiều kiểu, mang nhiều âm vực, màu sắc, Mel Blanc là một trong những diễn viên lồng tiếng danh tiếng ở Hollywood. Ông lồng tiếng cho hàng nghìn TVC quảng cáo trên truyền hình và trò chơi điện tử. Sau vài thập kỷ làm nghề, tổng thu nhập ông có được vào khoảng 80 triệu USD. Trong danh sách 20 ngôi sao lồng tiếng tài năng do Bunny Studio bình chọn, Mel Blanc đứng vị trí đầu tiên. Thậm chí truyền thông còn tuyên bố: "Nghề lồng tiếng sẽ ở đâu nếu không có Mel Blanc?".

Chuyện của ngôi sao

Thù lao của diễn viên lồng tiếng cũng khá ổn

"Lupin - phim kinh dị tội phạm được quay hoàn toàn bằng tiếng Pháp là phim thành công lớn ở châu Âu và gây tiếng vang tại thị trường quốc tế. Đây là phim có màn chào sân ấn tượng nhất trong số các tác phẩm không nói tiếng Anh trong lịch sử Netflix" - nguồn tin cho biết. Có khoảng 86% những người xem phim này đã sử dụng phụ đề hoặc xem phiên bản lồng tiếng, thay vì chỉ thưởng thức bằng tiếng Anh.

Ở thị trường Việt, cơ hội mở ra cho diễn viên lồng tiếng khi nhu cầu thưởng thức những bộ phim lồng tiếng Việt, đặc biệt là với dòng phim hoạt hình, phim dành cho trẻ em, tăng cao. Việc lồng tiếng phim nước ngoài theo tiêu chuẩn Hollywood, đầu tư bài bản với kinh phí lớn được bắt đầu vào năm 2010 với sự tiên phong của nhà phát hành MegaStar (CGV hiện nay). 

Thời điểm đó, MegaStar đã mạnh dạn đầu tư khoảng 1 tỉ đồng để phối hợp với hãng 20th Century Fox lồng tiếng cho bộ phim hoạt hình "Rio". Từ đó đến nay, đã có cả trăm bộ phim được lồng tiếng nhằm giúp khán giả thưởng thức trọn vẹn và hiểu sâu câu chuyện điện ảnh mà không bị áp lực đọc chữ phụ đề, nhất là với khán giả nhí và người lớn tuổi.

Nhưng nghề nào cũng có lúc huy hoàng và thời điểm công việc ấy bị đe dọa bởi những yếu tố ngoại cảnh. Nghề lồng tiếng cũng không ngoại lệ.

Theo SCMP, nhu cầu trọng dụng nghệ sĩ lồng tiếng đang tăng cao khi các dịch vụ phát trực tuyến như Prime Video, Disney +, HBO Max hay nền tảng Netflix ngày càng có nhiều bộ phim, chương trình được lồng tiếng bằng ngôn ngữ không phải tiếng Anh và dùng nhiều từ địa phương. Netflix dẫu đầu xu hướng khi thiết lập quan hệ đối tác với hơn 170 hãng phim lồng tiếng, sản xuất chương trình bằng ít nhất 34 ngôn ngữ.

Chuyện của ngôi sao "nói thế": Tưởng hết thời, hóa ra tiềm năng- Ảnh 5.